Nhịp cầu bạn đọc số 27: Nữ hiệu phó kêu cứu vì cho rằng bị cách chức do tố cáo tiêu cực!

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí đã nhận được đơn thư của bạn đọc kêu cứu, phản ánh các vấn đề về chống tiêu cực, tranh chấp đất đai, đền bù đất chưa thỏa đáng, ô nhiễm môi trường tại khu xử lý chất thải, xây dựng trạm điện gây nguy hiểm đến các hộ dân.... Báo Dân trí đã chuyển đơn thư bạn đọc đến các cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thúy Hảo (SN 1975), Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên).

Đơn kêu cứu cho biết: “Tôi xin trình bày một sự việc không những là nỗi oan ức lớn của cá nhân tôi mà đang tạo thành dư luận rất tiêu cực tại địa phương, đặc biệt là ngành Giáo dục TP Thái Nguyên.

Với cương vị là Bí thư Chi bộ, Hiệu phó Nhà trường, tôi đã nhiều lần góp ý riêng sau đó đưa ra các cuộc họp Chi bộ để nhắc nhở, yêu cầu hiệu trưởng nhà trường báo cáo làm rõ nhiều nội dung có dấu hiệu bất thường nhưng bà hiệu trưởng không thực hiện. Sau khi báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Đảng ủy phường Tân Thịnh nhưng không thấy tình hình chuyển biến, tôi đã làm đơn kiến nghị phản ánh những dấu hiệu sai phạm của hiệu trưởng lên phường và Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Thái Nguyên.

Tuy vậy, Đảng ủy phường Tân Thịnh lại chỉ đạo Chi bộ Nhà trường tiến hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với tôi vì “kiến nghị Hiệu trưởng sai sự thật”. Sự việc chưa dừng lại, ngay sau đó, Đảng ủy phường Tân Thịnh đã ra quyết định số 09 kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Chi bộ. Đoàn kiểm tra đánh giá tốt và không kiến nghị kỷ luật đảng viên nào của Chi bộ. Nhưng chỉ 2 ngày sau, tức ngày 04/8/2017, tôi nhận được Thông báo số10 của Đảng ủy phường yêu cầu viết bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Ngày 3/10/2017, Đảng ủy phường Tân Thịnh ra Quyết định số 49 kỷ luật tôi bằng hình thức Cảnh cáo.

Căn cứ vào các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quá trình công tác của mình, tôi thấy nội dung Quyết định số 49 của Đảng ủy phường Tân Thịnh thi hành kỷ luật đối với tôi là không có cơ sở, có nhiều dấu hiệu sai phạm, không đúng các quy định hiện hành; thiếu khách quan, có biểu hiện áp đặt, thủ tiêu đấu tranh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cá nhân tôi và tập thể Chi bộ Nhà trường. Vì vậy, tôi đã làm Đơn khiếu nại đến Thành ủy Thái Nguyên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thái Nguyên.

Các ý kiến của tôi không được Hội đồng kỷ luật chấp nhận và vẫn tiến hành xét kỷ luật tôi. Sau đó, ông Quản Chí Công - Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên đã ký Quyết định kỷ luật “cách chức” tôi”.

Đơn kêu cứu cho biết bà Hảo đang xem xét thực hiện các thủ tục pháp lý để khởi kiện quyết định cách chức bà ra Tòa án cấp sơ thẩm.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung kêu cứu của bà Nguyễn Thúy Hảo đến UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, UBND TP Thái Nguyên xem xét, giải quyết hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được Đơn khiếu nại, tố cáo của ông Tô Huy Thông (SN 1978), trú tại 18/60E Lê Văn Lương, Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, địa chỉ liên hệ: 36 Đường A4, Phường 12, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh là đại diện hợp pháp của ông Nguyễn Thanh Thế (SN 1967), trú tại ấp 9, Xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, Tỉnh Vĩnh Long.

Nội dung đơn thư cho biết: “Ngày 15/04/2004, chúng tôi có ký kết Hợp đồng thế chấp cầm cố tài sản với ngân hàng phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long chi nhánh tỉnh Vĩnh Long để vay vốn triển khai dự án, thế chấp bằng chính tài sản là 5 thửa đất nêu trên (tài sản được định giá 39.274.000.000 đồng) và được ngân hàng chấp thuận cho vay 20 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 9,8 tỷ đồng.

Sau đó ngân hàng không tiếp tục giải ngân số tiền còn lại như đã thỏa thuận. Vì vậy, ngày 07/07/2005, chúng tôi có gửi đơn đến Tòa án nhân dân Tỉnh Vĩnh Long yêu cầu giải quyết.

Sau 02 lần hòa giải, tòa đi đến tuyên án quyết định số 03/2005/KDTMST ngày 29/11/2005, buộc chúng tôi phải trả gốc + lãi cho ngân hàng Ngân hàng phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long - Chi nhánh Vĩnh Long theo hợp đồng tín dụng số 04040101 ngày 15/04/2004 là 11.727.466.700 vnđ (Mười một tỷ, bảy trăm hai mươi bảy triệu, bốn trăm sáu mươi sáu nghìn bảy trăm đồng).

Đầu năm 2006 chúng tôi thu xếp được nguồn tài chính và đến Ngân hàng phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long - Chi nhánh Vĩnh Long để xin tất toán hợp đồng, thì đại diện ngân hàng cho biết tài sản của tôi đã được bán cho người khác.

Để biết rõ, chúng tôi đến Văn Phòng Đăng Ký Quyền Sử Dụng Đất - Sở Tài Nguyên và Môi Trường Tỉnh Vĩnh Long xin trích lục hồ sơ chuyển nhượng các tài sản nêu trên của chúng tôi thì mới phát hiện các tài sản thế chấp của mình đã được sang nhượng trái phép từ tháng 06/2005 cho một công ty.

Do đó, kính mong các cơ quan có thẩm quyền hãy giúp chúng tôi nhận lại phần tài sản của mình và xử lý hành vi sai trái của các cá nhân liên quan”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến Ngân Hàng Phát Triển Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long, VKSND tỉnh Vĩnh Long, Công an tỉnh Vĩnh Long xem xét xác minh, xử lý và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được Đơn kiến nghị của bà Quách Thị Thùy (SN 1979), trú tại thôn Gò Mu, xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Đơn thư cho rằng: “Từ trước năm 1970 đến 2000, xã Thanh Lương, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) là một vùng đất còn hoang sơ, nhiều bãi sình lầy chưa có người sử dụng, canh tác. Người dân tại thôn Gò Mu đã chăm chỉ, cần cù khai hoang, vỡ hóa đất đai để trồng lúa. Trải qua nhiều năm sử dụng, các hộ dân đã cải tạo đất đai màu mỡ hơn, canh tác lâu dài mà không có bất kỳ tranh chấp nào.

Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, phần lớn diện tích đất các hộ dân khai hoang, vỡ hóa, sử dụng từ trước năm 1970 lại được UBND xã Thanh Lương, UBND huyện Kim Bôi(nay là huyện Lương Sơn), tỉnh Hòa Bình cho đấu thầu, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng làm nhà máy gạch với rất nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.

Tôi rất bất bình về việc lấy đất trái quy định của pháp luật của gia đình tôi để cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất gạch và tôi cũng không hề được bồi thường, hỗ trợ, được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của bà Quách Thị Thùy đến UBND tỉnh Hòa Bình, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lương Sơn xem xét, xử lý, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Ngô Xuân Cường, là đại diện cho hàng trăm hộ dân và 300 cán bộ, công nhân viên làm việc tại khu trang trại, chăn nuôi sản xuất tại tuyến bãi nổi sông Hồng thuộc xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội, kêu cứu khẩn thiết về nội dung như sau:

“Trước kia giữa dòng sông Hồng quê tôi có một bãi nổi được phù sa đắp ngàn năm tạo thành nhưng bỏ hoang hóa, tôi đã mạnh dạn xin phép được cải tạo, chuyển mục đích sử dụng đất từ chưa sử dụng sang đất nông nghiệp làm kinh tế trang trại, và đã nhận được sự nhất trí cho phép của lãnh đạo huyện Phúc Thọ. Tôi cùng người dân xã Phương Độ từng bước cải tạo hàng chục năm trời, đầu tư phát triển kinh tế trang trại, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và luôn ý thức bảo vệ, tu tạo để diện tích đất hàng trăm hecta được ổn định và phát triển bền vững.

Từ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai khoáng sản số 374/GP-UBND ngày 10/2/2015 cho Công ty cổ phần TMS Khoáng sản và vật liệu xây dựng (Công ty TMS) và còn cấp phép chồng lấn 1,1ha lên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của tôi và các hộ dân xã Phương Độ, TP.Hà Nội (quyết định số 1312/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 11/04/2016). Từ quyết định vô cảm đó, nó như lá bùa để Công ty TMS công khai, ngang nhiên khai thác cát trực tiếp vào khu vực hoa màu của tôi và các hộ dân thuộc bãi nổi xã Phương Độ làm sạt lở, biến dạng, hủy hoại đất nông nghiệp, làm sạt lở hàng chục ha đất nông nghiệp của người dân đã canh tác từ bao đời nay.

Hiện cả ngày lẫn đêm, các loại tàu lớn nhỏ với công suất hàng trăm m3/giờ, máy xúc các loại công khai hoạt động dưới sự bảo kê của hàng trăm đầu gấu xăm trổ làm người dân khiếp sợ. Chúng phá bỏ hàng rào bảo vệ, cọc tiêu của người dân, công khai coi thường pháp luật, khai thác ngày đêm tại đầu nguồn khu vực giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội.

Hàng trăm hộ dân chúng tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý vi phạm để giữ nghiêm kỷ cương phép nước và thượng tôn của pháp luật”.

Báo Dân trí chuyển đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND TP.Hà nội, Sở Tài nguyên môi trường TP.HN, Phòng CSĐT tội phạm Môi trường TP.Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ xem xét giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của các hộ dân sinh sống tại khu vực xóm Hang Rồng, tổ dân phố Quyết Hùng, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng phản ánh việc nhà máy xử lý rác thải xây dựng tại đây không nằm trong quy hoạch được phép xây dựng đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Đơn có nội dung: “Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Toàn Thắng có nhà máy xử lý chất thải nguy hại ở phía tây núi Thần Vi, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng chuyên xử lý rác thải cho nhiều công ty trên địa bàn thành phố và một số công ty ở các tỉnh lân cận. Nhà máy này được xây dựng và hoạt động từ 2012 tới nay, vì quá gần khu dân cư nên khói bụi từ hoạt động đốt rác thải đã gây ảnh hướng rất lớn tới cuộc sống của các hộ dân lân cận.

Điều đáng nói là việc đốt rác đều thực hiện chủ yếu vào ban đêm nên rất khó quan sát và phát hiện, tuy nhiên mùi khét của cao su và khí thải khiến người dân chúng tôi bị tức ngực, đau đầu, chóng mặt, cuộc sống bị đảo lộn. Đặc biệt thời gian dần đây về ban đêm các đoàn xe mang biển số tỉnh khác thường xuyên chạy vào nhà máy đi tuyến đường qua xóm Hang Rồng – tuyến đường chật hẹp hai bên kín các hộ dân cư sinh sống, mùi rác thải độc hại và mùi xú uế bốc lên khiến người dân chúng tôi rất khổ sở.

Được biết nhà máy xử lý rác thải xây dựng tại khu vực nêu trên không nằm trong quy hoạch được phép xây dựng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, đồng thời UBND thành phố Hải Phòng cũng chưa có quyết định cho công ty này thuê đất. Thanh tra Sở TNMT Hải Phòng đã lập hồ sơ xử phạt hành chính theo quyết định số 05/QĐ-XPHC ngày 29/3/2016 về việc Công ty Toàn Thắng sử dụng đất khi chưa được UBND thành phố cho thuê đất và hành vi khai đào khoáng sản đá vôi trái phép tại khu vực chân núi Thần Vi.

Tuy nhiên từ đó tới nay nhà máy này vẫn ngang nhiên hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân chúng tôi. Kính mong chính quyền các cấp thành phố Hải Phòng vào cuộc làm rõ vụ việc”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND thành phố Hải Phòng, Sở Tài nguyên môi trường TP.Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên xem xét, giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Lê Văn Thanh, hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp H36 về việc đề nghị cơ quan nhà nước can thiệp bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Nội dung đơn như sau: “Tôi được Công ty xây lắp hóa chất tuyển dụng tháng 12/1985, được công ty bố trí về Xí nghiệp xây lắp hóa chất H36 – nay là Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp H36.

Năm 1989 tôi được xí nghiệp H36 phân cho gian nhà tập thể tầng 2 nhà 9 gian tại khu tập thể xây lắp hóa chất H36, tổ 30, cụm 4 (nay là cụm 7) phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đầu năm 2017 Công ty CPĐTXL H36 triển khai dự án tái định cư tại chỗ và kinh doanh tại đất nhà ở tập thể và văn phòng cũ nơi tôi đang ở. Hiện nay nhà ở KTT H36 đã phá dỡ và phân lô cho cán bộ công nhân viên trong khu tập thể làm nhà, số còn lại để bán, song bản thân tôi Công ty không phân đất và cũng không được giải quyết bất kỳ quyền lợi gì.

Bản thân tôi là con liệt sĩ, đã sống và làm việc tại Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp H36 32 năm, hiện vẫn đang công tác tại đây, trong thời gian công tác tôi chưa 1 lần bị khiển trách, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nhà nước, được công ty trả lương và đóng bảo hiểm đầy đủ nhưng lại không được phân đất tái định cư trong khi người cùng phòng với tôi và một số người thời gian công tác chỉ bằng 1/3 đến ½ thời gian công tác của tôi lại được phân đất làm nhà.

Tôi đã làm đơn kiến nghị lên ông Nguyễn Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty và ông Ngọc đã trả lời trực tiếp: “Dự án do thành phố duyệt, anh không có tên và sinh hoạt trong tổ dân phố nên không được phân đất tái định cư!”.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, bản thân tôi có chỗ ở và sinh sống, tôi làm đơn này kính đề nghị các cơ quan nhà nước xem xét, can thiệp với Công ty CP H36 để giải quyết quyền lợi hợp pháp cho tôi”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp H36 xem xét giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của các hộ dân ngõ 11 và 23 đường Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, Q.Hà Đông, Hà Nội phản ánh hành vi vi phạm pháp luật xây dựng trạm điện của công ty Hanovid tại dự án Golsik complex Hà Đông.

Đơn có nội dung như sau: “Nhà ở của chúng tôi nằm liền kề dự án Golsik complex Hà Đông do Công ty Hanovid làm chủ đầu tư. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu các co quan thẩm quyền đề nghị buộc Công ty Hanovid chuyển ngay trạm biến áp, máy phát điện, bình chứa xăng dầu ngay sát nhà ở của chúng tôi sang vị trí khác để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các hộ dân chúng tôi nhưng đến nay Công ty này vẫn ngang nhiên không thực hiện.

Ngày 29/6, UBND quận Hà Đông lập bản báo cáo số 243/BC-UBND gửi UBND tp.Hà Nội báo cáo kết quả kiểm tra việc thi công trạm biến áp và máy phát điện dự phòng tại dự án trung tâm thương mại, nhà ở cao tầng Hanovid, theo đó đã chỉ ra các sai phạm liên quan đến xây dựng trạm biến áp và máy phát điện trong đó có việc công ty đã xây dựng trạm biến áp khi chưa được phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực và xây dựng không đúng với kết quả thẩm định của Cục Quản lý xây dựng-Bộ xây dựng.

Chúng tôi khẩn thiết cầu cứu đến các Quý cơ quan sớm xử lý dứt điểm các sai phạm của Công ty Hanovid để chúng tôi được yên tâm sống tại chính ngôi nhà của mình”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng, Công ty điện lực Hà Nội, UBND quận Hà Đông xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân