Nhịp cầu bạn đọc số 25: Nhiều người dân liên tục nhập viện vì ô nhiễm kêu cứu!

(Dân trí) - Người dân thôn Trúc Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương kêu cứu vì môi trường bị ô nhiễm trầm trọng; một giáo viên mầm non đã nghỉ hưu ở huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội mong các cơ quan chức năng giải quyết những tồn tại về tài chính tại trường; các hộ dân ở khu đô thị Văn Phú, TP.HN phản đối việc đào đường điện… là những lá đơn gửi về tòa soạn báo Dân trí trong tuần qua.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Trần Chí Bình, trú tại số 5, ngõ 12, tổ 22 phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội khiếu nại UBND xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội vi phạm luật đất đai.

Đơn có nội dung: “Ông bà nội của tôi là các cụ Trần Văn Tạp và Đàm Thị Hiên khi còn sống đều sinh sống và mất tại quê nhà xã Yên Mỹ, Thanh Trì, HN. Khi các cụ mất đi để lại di sản là căn nhà 5 gian nằm trên thửa đất có diện tích 1 sào 4 thước 5 than trồng cây ăn quả tại xóm 2 xã Yên Mỹ (theo Thông báo số 19/TB-UBND ngày 21/9/2007 của UBND xã Yên Mỹ thì hiện nay là thửa số 38, tờ bản đồ số 3, diện tích chỉ còn 348m2). Như vậy bất đọng sản nêu trên là tài sản (đất) do ông bà tổ tiên của bố mẹ tôi để lại.

Năm 1955 bố tôi đã thoát ly và làm công nhân tại Đội sửa chữa cầu Long Biên. Từ năm 1965 anh cả của tôi là ông Trần Hữu Trụ bị bệnh phải về hưu non nên đã về quê Yên Mỹ để sinh sống và đã ở thửa đất này.

Tháng 4/1967 khi anh em chúng tôi đang sơ tán tại quê thì xã Yên Mỹ tự động chặt cây, đào vườn của nhà tôi để lấp ao mà không có thông báo, ra quyết định nào cho gia đình. Gia đình đã làm đơn gửi lên UBND xã và UBND huyện nhưng không được giải quyết. Khi UBND xã làm sổ đỏ quyền sử dụng đất cho các gia đình trong xã, riêng gia đình tôi không được làm sổ đỏ.

Khi bố tôi về hưu và làm đơn xin nhập hộ khẩu về quê nhà (năm 1989) với sự xác nhận của họ hàng và những người hàng xóm nhưng không được chính quyền xã cho nhập hộ khẩu.

Việc UBND xã Yên Mỹ cho rằng thửa đất nêu trên của gia đình chúng tôi là đất do UBND xã quản lý và sử dụng là hoàn toàn không đúng sự thật và cũng không đúng pháp luật.

Từ năm 2007 đến năm 2013, gia đình tôi liên tục làm đơn gửi các cấp chính quyền: UBND xã Yên Mỹ, UBND huyện Thanh Trì, Chánh Thanh tra huyện Thanh Trì, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Chủ tịch UBND Tp.HN nhưng không hề nhận được thông tin gì từ những cơ quan trên”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND TP.Hà Nội, Sở Tài nguyên và môi trường TP.Hà nội, Thanh tra Sở TNMT TP.HN, UBND huyện Thanh Trì, Thanh tra Phòng TNMT huyện Thanh trì xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của cụ Trần Liên, cựu giáo chức, 88 tuổi, 68 năm tuổi Đảng ở xóm 3 xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tố cáo con đẻ là Trần Văn L. cùng vợ là Phạm Thị T, đảng viên và hiện là hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở vào năm 2015 đã có hành vi lợi dụng tín nhiệm, lừa đảo để chuyển quyền sử dụng từ mảnh đất 1243, tờ bản đố số 21, có diện tích 662m2 chủ hộ là cụ Trần Liên và vợ là bà Ngô Thị Hòe, 87 tuổi sang tên chủ hộ là Trần Văn L. - Phạm Thị T.

Ngoài ra, trong đơn cụ Liên cho biết còn có thửa đất số 1250, tờ bản đồ số 21, có diện tích là 382m2, đây là mảnh đất hương hỏa do tổ tiên để lại cho cụ nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy CNQSD đất. Năm 1989, cụ Liên xây dựng trên mảnh đất này ngôi nhà cấp 4 để con cháu ở xa về quê có nơi sinh hoạt. Năm 1990, anh L. cưới vợ là cô Phạm Thị T. Cụ Liên cho hai vợ chồng anh L. ở tạm trên mảnh đất nhưng phải đóng thuế sử dụng cho nhà nước. Năm 2011 không biết bằng cách nào, vợ chồng anh L. chị T. đã làm được thủ tục để mảnh đất 382m2 này có tên chủ hộ là Trần Văn L. - Phạm Thị T.

Theo đơn, điều cụ Trần Liên đặc biệt bức xúc là: Sau khi bị phát hiện, vợ chồng anh L. chị T. buộc phải làm thủ tục trả lại giấy CNQSD đất 662m2 cho cụ, đồng thời cụ Liên còn đòi lại mảnh đất 382m2 nữa, nên vợ chồng anh Trần Văn L. và cô Phạm Thị T. đã có nhiều việc làm, hành động bất nhã, vi phạm đạo đức như: cắt điện, nước, ném đá vào nhà cụ, anh L. còn đánh cả anh rể và đánh cả em gái ruột là Trần Thị Hoa Lư là cô giáo phải vào viện nằm điều trị mất mấy ngày.

Sau khi sự việc xảy ra, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hòa giải. Ngày 30/6/2016 Đảng ủy xã Bắc Thành đã có “Thông báo” kết luận giải quyết tố cáo đối với đồng chí Phạm Thị T., Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS. Tuy nhiên, theo đơn của cụ Trần Liên thì kết luận của Đảng uỷ xã Bắc Thành không khách quan, có dấu hiệu bao che cho cô Phạm Thị T. Chính vì vậy cụ tiếp tục có nhiều đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng cơ quan báo chí phản bác lại thông báo kết luận của UBND xã Bắc Thành.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của cụ Trần Liên đến các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành và xã Bắc Thành thanh tra, kiểm tra làm rõ, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn kêu cứu về việc ô nhiễm trầm trọng tại bãi rác thải của các hộ dân thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương - là những hộ dân phải sống xung quanh bãi rác thải xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ trong phạm vi 200m.

Đơn có nội dung: “Trong lúc hội thảo để viết đơn này, chính lúc này con cháu của chúng tôi đang điều trị tại bệnh viện, số còn lại vẫn đang được cách ly với các thành viên trong gia đình.

Như các đơn đề nghị từ năm 2013 đến nay, nhân dân thôn Trúc Lâm đã có nhiều đơn đề nghị giải quyết về việc bãi rác thải ở thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ giáp ranh thôn Trúc Lâm gây ô nhiễm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm mà tình trạng đổ và đốt rác liên tục xảy ra còn nhiều hơn trước.

Điều này khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng: không khí ô nhiễm, môi trường ô nhiễm, mùi hôi khét bốc lên kinh khủng, nguồn nước bị ô nhiễm, trẻ dưới 5 tuổi đều bị viêm phổi, người già sức khỏe suy kiệt, sức khỏe người dân bị đe dọa tiềm ẩn nhiều loại bệnh tật…

Khẩn thiết xin các ban ngành hãy cứu xét những người dân đang sống gần bãi rác, hàng ngày phải cam chịu hậu quả môi trường bị ô nhiễm trầm trọng vì bãi rác thải của xã Dân Chủ gây ra. Chúng tôi tha thiết đề nghị di dời bãi rác thải, ngưng việc đổ và đốt tại bãi rác nói trên trong thời gian sớm nhất”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế tỉnh Hải Dương, UBND huyện Tứ Kỳ xem xét giải quyết để người dân không phải sống trong môi trường ô nhiễm.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Hoàng Thị Năng, trú tại thôn 7 xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, TP.HN về việc giải quyết công tác bàn giao tài chính của trường Mầm non Phú Cát, huyện Quốc Oai.

Đơn có nội dung như sau: “Được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục huyện Quốc Oai, năm 1997 tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mầm non bán công xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội. Đến năm 2015 tôi được nghỉ chế độ theo quy định.

Là một trường thuộc xã vùng sâu của huyện Quốc Oai, do vậy cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn, còn mượn nhà dân, mượn nhà kho, mượn hội trường để làm phòng học. Cùng đó các trang thiết bị, giáo cụ trực quan phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ còn thiếu rất nhiều. Do vậy trong quá trình công tác tôi đã vận động được một số người dân tham gia trông trẻ và đến năm 2015 đã có 100% số trẻ trong xã đến lớp. Để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của trường, tôi đã bàn bạc với Chi bộ nhà trường và tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên trong việc linh hoạt điều tiết từ công tác nhân sự đến kinh phí từ khi lương của giáo viên mầm non xã chỉ được trả bằng thóc theo mùa vụ, cho đến năm 2003 giáo viên bậc mầm non mới thực sự được hưởng chế độ BHXH.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, từ năm 2006 đến 2015 nhà trường đã xây dựng được 3 điểm trường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phòng học, đồ dùng phục vụ bán trú cho trẻ còn thiếu rất nhiều, sử dụng cả phòng ăn, phòng bảo vệ làm phòng học…

Năm 2015 trước khi nghỉ hưu theo chế độ, có sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, cùng đại diện của các cơ quan chức năng, tôi đã bàn giao lại hiện trạng cơ sở vật chất và các tồn đọng chưa được thanh toán giải quyết là hơn 2 tỷ đồng. Đây là số tiền chưa được giải ngân để thanh toán cho các khoản đầu tư cho cơ sở vật chất dạy và học như: sửa chữa lớp học, nhà ăn, mua sắm đồ dùng phục vụ bán trí, đồ dùng học tập, chi các hoạt động của nhà trường…tồn đọng từ nhiều năm trước. Tôi đã có hồ sơ giải trình về số tiền này gửi lãnh đạo huyện giải quyết để tôi được nghỉ hưu đúng chế độ chính sách nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì mà các cấp lãnh đạo cuả huyện vẫn đùn đẩy từ UBND huyện đến phòng Giáo dục và phòng Tài chính không chịu giải quyết các quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho tôi.

Do các chủ nợ luôn thúc ép tôi phải thanh toán cho họ, nhiều khi họ dùng cả các thành phần bất hảo kéo đến gây áp lực cho gia đình tôi, mọi người luôn phải sống trong lo âu và sợ hãi. Cùng đó, trong số nợ hơn 2 tỷ đồng có cả tiền của các giáo viên trong trường đã đứng ra vay ngân hàng để giải quyết các công việc gấp của trường, hiện nay những người này cũng đang gặp khó khăn vì không có tiền trả nợ, hàng tháng ngân hàng về trường để trừ nợ trên tiền lương của giáo viên.

Tôi gửi đơn này đến các cơ quan chức năng vào cuộc giúp đỡ tôi giải quyết những tồn tại tại trường Mầm non Phú Cát để tôi được nghỉ dưỡng sức khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Vụ Mầm non – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo TP.Hà Nội, UBND huyện Quốc Oai, Phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai xem xét giải quyết và trả lời bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Vũ Gia Tê, trú tại số 85TT1 KĐT Văn Phú, phường Phú La, Q.Hà Đông, Hà Nội đại diện cho hơn 100 hộ dân đang sinh sống tại mặt đường dân sinh 24m KĐT Văn Phú, quận Hà Đông, TP.Hà Nội kiến nghị việc hủy phương án hạ ngầm đường cáp điện 110KV xuống đường 24m KĐT Văn Phú và phân tích văn bản 2058/UBND-KT của UBND quận Hà Đông.

Đơn có nội dung như sau: “Cư dân chúng tôi đã mua nhà và về đây sinh sống từ năm 2010. Khi mua nhà chúng tôi đã xem xét rất kỹ hồ sơ thiết kế con đường 24m này không có phần hạ ngầm đường điện 110KV ở đây.

Giáp với KĐT Văn Phú là KĐT Phú Lương đang xây dựng, nằm trong KĐT Phú Lương có các đường điện cao thế 110KV (có hành lang an toàn lưới điện khoảng 5,8ha) hiện đang chạy từ trạm biến áp Bala đến trạm biến áp Xa la gồm 4 mạch dây dẫn nằm ở phía sau các dãy nhà từ TT30 đến TT33 song song với đường 24m của KĐT mà chúng tôi đang sinh sống.

Vào cuối tháng 3/2017, Chủ đầu tư KĐT Phú Lương thuê người vào thi công để chuyển hạ đường điện cao thế 110Kv đang hiện hữu từ KĐT Phú Lương sang KĐT Văn Phú. Chúng tôi đã phản đối và kiên quyết ngăn chặn hành vi trên đồng thời có kiến nghị gửi tới các cấp chính quyền và cơ quan chức năng yêu cầu trả lời và giải quyết các kiến nghị nhưng đều nhận được câu trả lời thiếu trách nhiệm”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra Sở Xây dựng TP.Hà Nội, UBND quận Hà Đông, UBND phường Văn Phú xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Khả Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm