Nhịp cầu bạn đọc số 24: Có dấu hiệu vi phạm quyền công dân về thổ cư đất ở tại tỉnh Hà Nam

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc trên khắp mọi miền tổ quốc gửi về, phản ánh những vụ việc khiếu kiện kéo dài về vấn đề đất đai; những tiêu cực trong ngành giáo dục ở một số trường học; những tồn đọng trong việc thi hành án tại một số địa phương… báo Dân trí đã chuyển đơn của bạn đọc đến các cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết.

Báo Dân trí nhận được đơn của nhân dân Tổ dân phố số 7 cụm 1 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP.Hà nội, đại diện là các hộ dân Trần Thị Thắng, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Văn Lộc, Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Đống Văn Thành.

Đơn có nội dung: “Con đường dân cư chúng tôi đang sinh sống được quận lấy đổi vị trí vào trong sát nhà dân để tiện việc lấy đất xen kẹt bán đấu giá. Chúng tôi đã chấp hành, nay trả đường chỉ còn 1m10. Đường cũ của dân đang đi là 5m có đèn đường trải đều.

Chúng tôi được mời họp rất nhiều, dân đề nghị quận làm đúng theo pháp luật: không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; nhưng không trả lời dân mà xuống cưỡng chế dân.

Kính đề nghị cơ quan báo chí hỗ trợ người dân làm việc với cơ quan chức năng xử lý vấn đề trên, để người dân được đi lại sinh sống không xảy ra cháy, lụt và tắc nghẽn giao thông”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND Thành phố Hà Nội, UBND Quận Tây Hồ, UBND phường Phú Thượng xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của 49 hộ dân, đại diện là bà Lê Thị Phương Nga, Nguyễn Thị Việt, Tạ Thị Chiến, Nguyễn Thị Pha, Vũ Quý Phượng, trú tại xóm Chúc, xã Tam Sơn – thị xã Từ Sơn – tỉnh Bắc Ninh, là những hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích để xây dựng trường Cao đẳng công nghệ Bắc Hà năm 2004, phản ánh việc UBND xã Tam Sơn và UBND thị xã Từ Sơn nợ đất dân cư dịch vụ của nhân dân 12 năm chưa trả.

Nội dung đơn như sau:

“Năm 2004 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra QĐ2030/UBND ngày 03/12/2004 để thu hồi 60 mẫu đất nông nghiệp của nhân dân chúng tôi để xây dựng trường Cao đẳng dân lập công nghệ Bắc Hà. Từ đó đến nay xã Tam Sơn và thị xã Từ Sơn vẫn chưa trả đất dân cư dịch vụ cho nhân dân chúng tôi. UBND tỉnh thu hồi khoảng 12,15ha đất, do trường CĐCN Bắc Hà không còn nhu cầu sử dụng và giao khu đất thu hồi này cho UBND thị xã Từ Sơn quản lý, đất cỏ để mọc hoang mà không tái định cư cho những hộ dân bị mất ruộng.

Chúng tôi đã gửi đơn nhiều lần đến các cấp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết mà hiện nay đất đang bị bỏ hoang và biến tướng chuyển đổi sai mục đích.

Không những vậy, từ tháng 7 năm 2015 đến nay, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn lại tiến hành thu tiền đất dân cư dịch vụ của chúng tôi, trong khi đó lại không trả đất”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc tới Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh, Thanh trả Sở TNMT tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Từ Sơn xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Đặng Văn Thịnh, trú tại xóm Mền, thôn Tri Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam về việc 31 năm thổ cư đất ở không được thừa nhận.

Đơn có nội dung:

“Vợ chồng tôi là công nhân viên nhà nước năm 1985 có về địa phương mua chuyển nhượng đất thổ cư tọa lạc lâu đời (đất dòng tộc ông cha cụ Ý thôn Tri Ngôn để lại). Tôi làm đơn trình báo chủ tịch UBND xã Thanh Hải xác nhận nộp tiền tước bạ chuyển quyền SDĐ (kèm theo vi chỉ đất cụ Ý giao lại).

31 năm gia đình tôi không được thừa nhận chủ quyền công dân về thổ cư đất ở, nguyên nhân là cán bọ địa chính xã Thanh Hải, cán bộ địa chính huyện Thanh Liêm dùng bản đồ vẽ sai đo cắm mốc cho hai hộ liền kề giáo ranh lấn chiếm (ao không 2 bờ) chủ tịch UBND xã Thanh Hải ông Dương Hồng Quynh thừa nhận bản đồ mất gốc năm 1984; chủ tịch huyện Thanh Liêm ông Hoàng Đình Phủng thừa nhận bản đồ năm 1978 của cán bộ địa chính huyện Thanh Liêm đem về đo cắm mốc với bản đồ sai thực tế. Đến năm 1999 tôi kiểm tra sổ bộ thuế nhà đất quản lý thổ cư đã ở thu thuế 200m. Nhưng trong sổ bộ thuế quản lý không có tên chủ cũ là ông Nguyễn Văn Ý và gia đình tôi. Như vậy thổ cư đất ở của gia đình cụ Ý chuyển nhượng cho tôi bỏ ngoài sự quản lý công thổ quốc gia, việc diện tích còn thiếu của thửa đất không hiểu bỏ đi đâu.

Tôi đã khiếu kiện kéo dài nhưng không có cấp nào giải quyết.

Tại văn bản số 495 VPUBND ngày 12/4/2016 của Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam gửi Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm yêu cầu “Trả lại nguyên trạng đất thổ cư cho gia đình ông Đặng Văn Thịnh” nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Ngày 21/2/2017 tôi nhận được giấy mời do ông Phạm Mạnh Dùng, Phó Chanh thanh trả tỉnh ký: đề nghị trả lại mặt bằng theo vi chỉ gia đình cụ Ý giao lại; đề nghị xác minh bản đồ gốc gia đình bà Ý; Cấp sổ đỏ cho 2 hộ liền kề là bất hợp pháp.

Ngày 21/7/2017 tôi nhận được văn bản số 884/STNMT-TTr trả lời nội dung kho lưu trữ hồ sơ địa chính dữ liệu thông tin xã thanh Hải không có lưu trữ bản đồ trước năm 1988 do ông Đinh Xuân Thông – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Nam ký.

Như vậy thửa đất gia đình tôi đang ở đã bị chính quyền cơ sở 3 cấp: xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm vẽ sai bản đồ thửa đất, tỉnh Hà Nam bao che.

Là công dân đã bị xâm hại chủ quyền về thổ cư đất ở, bị tước đoạt vô cớ bằng cách xóa bỏ bản đồ của gia đình chủ cũ ra ngoài thổ công quốc gia để làm những điều bất chính vi phạm quyền công dân về thổ cư đất ở của gia đình tôi”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, Thanh tra Sở TNMT tỉnh Hà Nam xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Trần Đắc Bân, trú tại phòng 106 A5 TT Vĩnh Hồ, P.Thịnh Quang, Q.Đống Đa, TP.HÀ Nội đại diện cho các hộ dân sống tại hai dãy nhà A4 và A5 kiến nghị với UBND phường Thịnh Quang dừng việc triển khai xây, nâng nền, lắp đặt dụng cụ tập thể dục và trò chơi trẻ em tại sân giữa nhà A4, A5.

Đơn có nội dung: “Chủ trương của chính quyền để cải tạo xây lắp dụng cụ tập thể dục và trò chơi trẻ em là rất tốt, thể hiện sự quan tâm tới cuộc sống người dân, nhưng việc triển khai tại sân nhà A5 là không phù hợp với nguyện vọng của cư dân.

Khu nhà A4, A5 trước đến nay sống rất yên tĩnh, các hộ dân sinh sống tại đây luôn có ý thức không chiếm dụng, lấn chiếm để kinh doanh buôn bán như các sân tập thể khác. Nay UBND phường cho xây, nâng nền, lắp đặt những dụng cụ tập thể dục, trò chơi trẻ em tại sân nhà A5 sẽ phá vỡ sự yên tĩnh vốn có từ lâu, gây ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của những người lớn tuổi và việc học hành của các cháu. Khoảng cách từ sân đặt dụng cụ đến các hộ dân cách một con đường nội bộ là 2m nên sự ồn ào sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ. Việc này đã xảy ra khi năm 2015 UBND phường đặt các dụng cụ, trò chơi tại sân nhà A3, A4, nhân dân tại đây đã phản đối quyết liệt, đặc biệt là những người lớn tuổi. Cũng tại đây đã xảy ra những việc xô xát cãi nhau vì sự ồn ào và là nơi trú ngụ của người, đối tượng lang thang gây mất an ninh trật tự. Sau đó UBND phường đã di dời những dụng cụ tập thể dục và đồ chơi trẻ em đi.

Khu nhà A4, A5 có địa hình thấp nhất trong khu vực từ trước đến nay, mưa là nước từ khu vực Ngã tư sở, nhà B7, A1, A2 dồn về sân nhà A4, A5 do đó hai dãy nhà này luôn bị ngập sau mỗi trận mưa. Việc xây, nâng nền để đặt dụng cụ tập thể dục và trò chơi trẻ em sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hộ dân nhà 1 tầng A4, A5 vì hiện nay sân nền cao bằng nền của các hộ tầng 1, nhân dân tại đây đã kiến nghị nhiều năm để cải tạo lại hệ thống thoát nước những chưa được, nay kinh phí đầu tư dự án cải tạo sân nhà A5 nên dùng để cải tạo hệ thống thoát nước tại đây”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND quận Đống Đa, UBND phường Thịnh Quang xem xét, giải quyết.

Khả Vân