Hà Nội:

Nhiều “góc khuất” trong vụ án được TAND Tối cao chấp nhận kháng cáo kêu oan

(Dân trí) - Liên quan đến vụ án của bị cáo Phạm Văn Hải được TAND Tối cao tuyên chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo, huỷ án sơ thẩm, giao lại cho Cơ quan CSĐT điều tra lại, HĐXX đã chỉ ra nhiều “góc khuất” trong vụ án cần được làm rõ.

Ngày 21/05/2015, Toà phúc thẩm TAND Tối cao đã tiến hành mở phiên toà xét xử đối với Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong vụ án, bị cáo Phạm Văn Hải đã liên tục kêu oan kể từ khi bị bắt giam đến nay. Trước đó, bị cáo Phạm Văn Hải đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án 20 năm tù giam trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, sau khi xem xét hồ sơ vụ án, TAND Tối cao đã tuyên chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hải về kêu oan, huỷ án sơ thẩm, giao lại cho Cơ quan CSĐT điều tra lại từ đầu để làm sáng tỏ một số hành vi liên quan đến vụ án. 

Theo Bản án số: 176/2015/HSPT của Toà Phúc thẩm TAND Tối cao, việc xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo Phạm Văn Hải liên quan đến hành vi phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị cáo Ngô Xuân An được HĐXX nhận định:

Nhiều “góc khuất” trong vụ án được TAND Tối cao chấp nhận kháng cáo kêu oan
Liên quan đến kêu oan của bị cáo Phạm Văn Hải trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", HĐXX phúc thẩm thấy cần thiết hủy bản án hình sự sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lại.

“Có căn cứ xác định Hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê và sử dụng đất làng nghề ngày 10/9/2010 mang tên Phạm Văn Mười; Giấy ủy quyền mang tên nhóm trưởng Phạm Văn Mười; Giấy nhận tiền chuyển nhượng đất thuê sản xuất tại điểm công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc ngày 11/9/2010 mang tên Phạm Văn Mười là giấy tờ do Phạm Văn Hải xác lập. Tuy nhiên, cần điều tra làm rõ việc bị cáo Hải xác lập giấy tờ trước khi quen biết và phát sinh giao dịch với chị Mười, cũng như giữa các tài liệu của anh Thắng và tài liệu của bà Lê giao cho Hải với tài liệu giả mạo có chênh lệch 5m2 và giá trị là có thật như lời khai của anh Thắng và bà Lê tại phiên tòa phúc thẩm”.

Theo đó, có việc chị Mười nhận được giấy tờ vào tháng 6/2011 tại gác 2 nhà số 5, đường 430, phường Vạn Phúc, Hà Đông (gọi tắt là nhà số 5). Lời khai của chị Nguyễn Thị Mười, Ngô Xuân An và Phạm Thu Thủy khẳng định chị Mười đến giao dịch chuyển nhượng đất làng nghề Vạn Phúc với Công ty Hà Đông do Phạm Văn Hải đại diện tại nhà số 5, đường 430, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông là chưa đủ căn cứ xác định vì:

Lời khai của anh Trịnh Đức Đắc, chị Bình, anh Tân, chị Thủy, các bị cáo Hải và An đều khẳng định nhà số 5, đường 430, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông do vợ chồng An, Thủy thuê để ở 01 phòng trên tầng 2, còn lại cho công ty Hà Đông thuê lại. Như vậy việc chị Yên và chị Mười đến nhà số 5 không chỉ để giao dịch với  Công ty Hà Đông, nhất là có lần giao dịch vào thời điểm buổi tối ngoài giờ làm việc. 

Thứ 2, việc giao giấy tờ chuyển nhượng đất cho chị Mười tại gác 2 nhà số 5, đường 430, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông là nơi công ty Hà Đông thuê nhưng cũng là nơi vợ chồng An - Thủy ở và sinh hoạt. Chị Mười và An khai Hải là người đưa giấy tờ, nhưng chị Yên lại khẳng định chính An đưa giấy tờ cho chị Mười. Phiên tòa sơ thẩm, An khai nhận mình là người giao giấy tờ đất cho chị Mười.

Thứ 3, các giấy nhận tiền xác lập giữa vợ chồng An, Thủy với chị Mười đều không có nội dung nào đề cấp đến việc chuyển nhượng đất làng nghề Vạn Phúc giữa công ty Hà Đông (hoặc Phạm Văn Hải) với chị Mười.

 

Có trạng truy tố các bị can trong vụ án của VKSND TP Hà Nội bị TAND Tối cao phản bác nhiều điểm.
Có trạng truy tố các bị can trong vụ án của VKSND TP Hà Nội bị TAND Tối cao phản bác nhiều điểm.
Có trạng truy tố các bị can trong vụ án của VKSND TP Hà Nội bị TAND Tối cao phản bác nhiều điểm.

Thứ 4, lời khai của chị Mười phù hợp với lời khai của bị cáo Hải về nội dung chị Mười có đưa giấy tờ cho Hải xem thì Hải có nói: “Đây là giấy tờ giả”, An nhặt ở Văn phòng nhà đất giao cho chị Mười (Bút lục 96-01197-198).

Thứ 5, việc giao 9,6 tỷ đồng thực hiện xong vào ngày 08/4/2011, nhưng đến tận tháng 6/2011 chị Mười mới được nhận giấy tờ là không bình thường. Các giấy tờ không có nội dung nào thể hiện bên bán là Công ty Hà Đông (Hải, An, Thủy) và bên mua là chị Nguyễn Thị Mười. Hơn nữa các giấy tờ trên đều không xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hay công chứng, chứng thực.

“Lời khai của chính chị Mười, An và chị Yên đều thể hiện chị Mười là người có kinh nghiệm về kinh doanh bất động sản nên không thể không biết khi giao dịch mua bán và giao dịch nhận một số tiền quá lớn thì phía người mua cần phải xác lập giấy tờ tại cơ quan công chứng. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải ghi rõ mục đích, nội dung, thời điểm chuyển nhượng; giá trị của mỗi m2 đất; phương thức, thời gian thanh toán tiền, cũng như nội dung các giấy nhận tiền phải nêu rõ căn cứ và lý do nộp tiền”, bản án nêu.

TAND Tối cao cũng xác định: “Quá trình điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ làm căn cứ xác định việc các bị cáo Hải, An và chị Thủy sử dụng số tiền 9.600.000.000 đồng của chị Nguyễn Thị Mười như thế nào? Cụ thể:

Liên quan đến việc mua ô tô và chuyển tiền cho ông Nguyễn Đức Hòe, tài liệu thể hiện có việc Công ty Hà Đông ký hợp đồng và chuyển tiền mua xe oto BKS 29 A - 185.80 trị giá 1.093.000.000 đồng; có việc Phạm Thu Thủy chuyển 1.000.000.000 đồng cho Hải nhờ chuyển vào cho ông Hòe; có tài liệu phản ánh việc Hải vay 2.000.000.000 đồng của Techcombank thời điểm khoảng tháng 2/2011 nhưng các nội dung trên chưa được xác minh làm rõ.

Ngô Xuân An, Phạm Thu Thủy khai sử dụng tiền của chị Mười phục vụ cho việc xin dự án cho Công ty Viễn Đông là công ty do Thủy làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật chưa được điều tra, xác minh, làm rõ tại Công ty Viễn Đông và những tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tài liệu do chị Bình giao nộp có một số khoản chi mang tên Công ty Viễn Đông liên quan đến việc thi công sân tennis và chi các khoản tiền ủng hộ tại địa bàn huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội cần được xác minh làm rõ để có căn cứ xác định trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự của các bị cáo và Doanh nghiệp có liên quan.

“Do việc điều tra chưa đầy đủ, nên không thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm. Do đó, HĐXX phúc thẩm thấy cần thiết hủy bản án hình sự sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Cùng đó, đại diện VKSNDTC tham gia phiên tòa xác định, việc điều tra vụ án của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, thể hiện: Hành vi của Phạm Thu Thủy có dấu hiệu đồng phạm tội với các bị cáo An và Hải cần phải khởi tố, điều tra, xét xử theo quy định. Việc điều tra về giao dịch giữa chị Mười với An, Thủy và Hải chưa làm rõ một số nội dung có sự mâu thuẫn và không đúng với thực tế.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm