Nhặt điện thoại đánh rơi rồi đòi tiền chuộc: Cẩn thận vướng vòng lao lý!
(Dân trí) - Trên thực tế, việc nhặt được điện thoại đánh rơi rồi đòi tiền chuộc mới trả lại không phải sự việc hiếm gặp, chủ nhân chiếc điện thoại cũng thường chấp nhận với số tiền mà người nhặt được đề ra.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh xô xát giữa em G.H. (21 tuổi, ở quận 5, TP.HCM) với một người đàn ông mặc áo tài xế xe ôm công nghệ. Nội dung clip xoay quanh việc tài xế nhặt được điện thoại rồi đòi tiền chuộc nhưng không thành nên đã xô xát, đập vỡ điện thoại của nam sinh.
Cụ thể, sau khi H. làm rơi một điện thoại iPhone 12 Promax, nam tài xế đã nhặt được và đòi số tiền chuộc là 9-10 triệu đồng. Do nam sinh bảo chỉ còn 2 triệu đồng, tài xế không đồng ý trả điện thoại và bỏ đi.
Hai người sau đó xảy ra cãi vã, dẫn tới việc lái xe công nghệ đập vỡ chiếc điện thoại. Sau khi sự việc xảy ra, H. tới cơ quan chức năng để trình báo.
Trên thực tế, việc nhặt được điện thoại đánh rơi rồi đòi tiền chuộc mới trả lại không phải sự việc hiếm gặp. Trong những trường hợp này, chủ nhân chiếc điện thoại cũng thường chấp nhận với số tiền mà người nhặt được đề ra.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, đây có phải hành vi vi phạm pháp luật hay không? Nếu có, chế tài xử lý đối với hành vi này như thế nào?
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là những tài sản có chủ sở hữu nhưng do những lý do khách quan hoặc chủ quan mà tài sản không còn nằm trong sự chi phối, chiếm hữu của các chủ thể đó.
Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nếu phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên thì có hai hướng xử lý:
- Trường hợp biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó;
- Trường hợp không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
"Về nguyên tắc, khi nhặt được tài sản của người khác, do yếu tố chủ quan hay khách quan, người nhặt được đều phải có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu hoặc phải thông báo, giao nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu. Trong bất cứ trường hợp nào, dù tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị lớn hay nhỏ thì việc chiếm giữ, chiếm đoạt tài sản cũng được coi là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Hùng nhấn mạnh.
Về chế tài, ông Hùng nhìn nhận tùy vào mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Cụ thể, theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác có thể bị xử phạt 3-5 triệu đồng.
Nếu tài sản được định giá có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy thuộc giá trị tài sản, người phạm tội có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù tối đa 5 năm.
Trong trường hợp chưa lấy được tiền nhưng người thực hiện hành vi đã thể hiện rõ ràng ý chí và có những hành động nhằm đạt được mục đích chiếm đoạt tiền, người vi phạm vẫn có thể bị xử lý hình sự nhưng sẽ được xét xử dưới mức hình phạt quy định do thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Vừa vi phạm pháp luật, vừa trái quy tắc ứng xử đạo đức
Còn luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi đòi tiền chuộc với "mức giá" ngất ngưởng, sau đó đập vỡ điện thoại người khác khi không đạt được mục đích là việc làm hoàn toàn trái pháp luật, trái các quy tắc ứng xử đạo đức trong xã hội.
"Về quyền sở hữu, chiếc điện thoại vẫn thuộc quyền sở hữu của người bị đánh rơi. Người tài xế nhặt được trong trường hợp này chỉ được xác lập quyền sở hữu đối với chiếc điện thoại bị đánh rơi nếu sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận. Hành vi đập vỡ điện thoại nhặt được là hành vi hủy hoại tài sản của người khác", luật sư Lực phân tích.
Về chế tài, luật sư Lực cho biết giá trị chiếc điện thoại hư hỏng sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý đối với người này. Cụ thể, nếu giá trị chiếc điện thoại dưới 2 triệu đồng và hành vi không thuộc các trường hợp quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm có thể bị xử phạt 3-5 triệu đồng.
Trường hợp giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm sẽ bị xử lý về tội Hủy hoại tài sản. Mức phạt áp dụng là phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Ông cha ta đã có câu "Nhặt lại của rơi, trả lại người mất", việc trả lại tài sản cho người đánh rơi theo pháp luật Việt Nam có thể được coi là nghĩa vụ của người nhặt được. Nhưng trên thực tế, khi chuộc lại tài sản thất lạc, thông thường chúng ta sẽ bỏ ra 1 khoản tiền để "cảm ơn" người đã giúp mình tìm lại được tài sản.
Tuy nhiên, một số người đã lợi dụng tình thế để chuộc lợi, đưa ra mức tiền chuộc thậm chí còn lớn hơn cả giá trị tài sản, đây có thể coi là hành vi thiếu đạo đức. Với trường hợp yêu cầu đưa ra không hợp lý, vượt quá mức độ, không trả lại tài sản cho người bị mất, người nhặt được tài sản sẽ phải chịu những chế tài xứng đáng theo quy định của pháp luật Việt Nam", ông Lực nhấn mạnh.
Hoàng Diệu