1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hải Dương "truy" trách nhiệm 2 Sở liên quan sai phạm của Giám đốc CDC

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Sở Y tế và Sở Tài chính của tỉnh này phải làm rõ trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến.

Chiều 22/12, Tỉnh ủy Hải Dương đã có thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và xử lý sai phạm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương.

Theo đó, trong thời gian qua, CDC Hải Dương đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, sai phạm rất nghiêm trọng của một số cán bộ, đảng viên trong CDC Hải Dương đã đi ngược lại những nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị của tỉnh, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Để xảy ra sự việc này, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Y tế cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cán bộ, giám sát, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch tại CDC Hải Dương.

Hải Dương truy trách nhiệm 2 Sở liên quan sai phạm của Giám đốc CDC   - 1

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Thế Hiển).

Để củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương thống nhất chỉ đạo xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với các sai phạm của Giám đốc CDC Phạm Duy Tuyến và các cán bộ, đảng viên có liên quan; đồng thời, yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, đảm bảo duy trì hoạt động của CDC Hải Dương, không ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh đình chỉ sinh hoạt đảng, Sở Y tế đình chỉ công tác, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành lập đoàn kiểm tra (các cấp) để xem xét vi phạm của Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng.

Cũng  theo nội dung thông  báo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất gợi ý kiểm điểm năm 2021 đối với Sở Y tế về trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản để xảy ra sai phạm tại CDC Hải Dương; đồng thời, yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính và tập thể lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan tới sai phạm của Giám đốc CDC Hải Dương, báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 5/1/2022.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo cụ thể về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 27/1/2021 - 30/11/2021 tại CDC Hải Dương và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 5/1/2022; chỉ đạo Sở Y tế củng cố ngay hoạt động và kiện toàn chức danh Giám đốc CDC Hải Dương trong tháng 1/2022; chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Y tế  tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế... theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 17/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng. 

Các bị can gồm: Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo- Thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng Trường Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo - Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng - nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Hải Dương truy trách nhiệm 2 Sở liên quan sai phạm của Giám đốc CDC   - 2

Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, các bị can: Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp, Trần Thị Hồng, Phan Tôn Noel Thảo, Hồ Thị Thanh Thảo.

Hải Dương truy trách nhiệm 2 Sở liên quan sai phạm của Giám đốc CDC   - 3

Bị can Phạm Duy Tuyến (trái) và Nguyễn Mạnh Cường.

Sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TPHCM, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến...

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi...; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho nhà nước.

Dòng sự kiện: Bê bối kit test Việt Á