Long An - Bài 3:

Người mẹ già 29 năm đi làm chế độ liệt sĩ cho con trai: Vẫn mòn mỏi chờ đợi!

(Dân trí) - UBND tỉnh Long An đã chủ trì cuộc họp, thống nhất đề nghị cấp trên xem xét công nhận liệt sĩ đối với ông Huỳnh Tấn Quới. Nhưng Bộ LĐTB&XH cho rằng tỉnh không làm đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân hy sinh và đề nghị Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam báo cáo kết quả gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An và thông báo về Bộ LĐTB&XH.

Gần 30 năm chờ đợi chính sách công nhận liệt sĩ cho con trai, cụ bà Nguyễn Thị Bồng không biết liệu mình còn có thể sống tới khi nào để được nhận chế độ ấy. Bởi việc xử lý chế độ chính sách của một số cơ quan liên quan chưa đáp ứng được thực tế của người bộ đội kinh tế khai hoang vùng Đồng Tháp 10 làm ra những hạt gạo nhuốm đầy mồ hôi, máu, nước mắt và cả sinh mạng của mình.

Như Dân trí đã đưa tin về trường hợp của Quân nhân Huỳnh Tấn Quới thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ lái máy cày khai hoang đất cho đơn vị tại khu vực nguy hiểm, có nhiều mìn do chiến tranh biên giới Tây Nam để lại. Và thật đau lòng khi xảy ra sự việc mìn nổ khiến đồng chí hy sinh tại chỗ, đại diện đơn vị cũ của đồng chí khẳng định: "Chúng tôi xét thấy việc công nhận chiến sĩ Quới là liệt sĩ là hoàn toàn xứng đáng. Là tạo sự công bằng cho người chiến sĩ trên các mặt trận Kinh tế cũng như Quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc".


29 năm qua, bà Nguyễn Thị Bồng và gia đình vẫn mòn mỏi trông đợi những chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước để bù đắp lại những mất mát, đau thương mà gia đình đã phải đón nhận từ ngày quân nhân Huỳnh Tấn Quới hy sinh. Chỉ mong sao những công lao, đóng góp xương máu của anh được Tổ quốc ghi nhận để trở thành niềm an ủi, tự hào của bà lúc về già

29 năm qua, bà Nguyễn Thị Bồng và gia đình vẫn mòn mỏi trông đợi những chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước để bù đắp lại những mất mát, đau thương mà gia đình đã phải đón nhận từ ngày quân nhân Huỳnh Tấn Quới hy sinh. Chỉ mong sao những công lao, đóng góp xương máu của anh được Tổ quốc ghi nhận để trở thành niềm an ủi, tự hào của bà lúc về già


29 năm kể từ ngày đồng chí hy sinh cũng là ngần ấy năm bà Nguyễn Thị Bồng gửi đơn đến Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh, MTTQ, tỉnh Long An và Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Long An để xem xét giải quyết chính sách liệt sĩ cho con trai mình.

UBND tỉnh hoàn toàn nhất trí việc công nhận liệt sĩ!

Ngày 20/6/2017, UBND tỉnh Long An đã gửi Công văn số 2629/UBND-KGVX về việc đề nghị công nhận liệt sĩ đối với ông Huỳnh Tấn Quới tới Bộ Quốc Phòng và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội với nội dung:

Theo chủ trương khai thác và lấp kín Đồng Tháp Mười của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Long An vào những năm của thập niên 80, nhằm đưa dân các huyện phía Nam lên khai hoang và lập nghiệp, góp phần tăng sản lượng lương thực hàng hóa cho tỉnh nhà và quan trọng hơn là để bảo vệ tuyến biên giới của Việt Nam. UBND tỉnh đã thành lập các Đoàn xây dựng kinh tế Đồng Tháp và lực lượng thanh niên xung phong (Quyết định 1755/UB/QĐ.86 ngày 16/10/1986 của UBND tỉnh về việc ban hành bản quy định tạm thời việc gọi thanh niên thi hành nghĩa vụ kinh tế - quốc phòng của tỉnh).

Nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cho nhiều khu vực đất hoang để khai phá. Nơi đây là khu vực có nhiều bom, mìn do chiến tranh biên giới Tây Nam để lại. Mặc dù đã được đội Công Binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh rà soát bom, mìn, nhưng quá trình cày đất hoang để sản xuất vẫn còn rất nhiều mìn và trái đạn sót lại gây nổ làm nhiều chiến sĩ bị thương hoặc từ trần. Một số chiến sĩ đã thoái thác nhiệm vụ hoặc đào ngũ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các chiến sĩ khác, gây khó khăn trong việc điều động chiến sĩ tham gia khai hoang. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy các Đoàn kinh tế phải động viên và làm gương, Đoàn đã cử cán bộ ngồi theo máy cày, máy kéo để anh em chiến sĩ an tâm làm nhiệm vụ.

Nhiệm vụ khai hoang Đồng Tháp Mười đã hoàn thành, cánh đồng lúa bạt ngàn trĩu hạt đã thay cho cánh đồng cỏ hoang tàn năm xưa. Nhiều hộ dân đã ổn định đời sống và phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc tuyến biên giới của Việt Nam. Trong thành quả đó có mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các chiến sĩ đã đổ xuống. Tuy nhiên các trường hợp bị thương hoặc từ trần trong quá trình khai hoang vẫn chưa được công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ. Trong hồ sơ đó có trường hợp quân nhân Huỳnh Tấn Quới, sinh năm 1969, nguyên quán xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nhập ngũ ngày 09/3/1988, đơn vị Đoàn 920 KT Đồng Tháp 3, từ trần ngày 04/10/1988 tại Gò Cát, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Từ trần trong trường hợp đang lái máy cày khai hoang cày đất bị mìn nổ.

Người mẹ già 29 năm đi làm chế độ liệt sĩ cho con trai: Vẫn mòn mỏi chờ đợi! - 2

Người mẹ già 29 năm đi làm chế độ liệt sĩ cho con trai: Vẫn mòn mỏi chờ đợi! - 3


Buổi họp do UBND tỉnh Long An chủ trì gồm các thành viên Hội đồng xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng cấp tỉnh đã thống nhất đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Huỳnh Tấn Quới.

Buổi họp do UBND tỉnh Long An chủ trì gồm các thành viên Hội đồng xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng cấp tỉnh đã thống nhất đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Huỳnh Tấn Quới.

Ngày 05/10/1996, Sở Lao động, thương binh và Xã hội tỉnh Long An có công văn số 920/LĐ.TBCS về việc xin chủ trương giải quyết số quân nhân làm nghĩa vụ kinh tế chết và bị thương, Bộ LĐTB&XH có công văn, phúc đáp số 369/LĐTBXH-CV ngày 31/01/1997 về việc quân nhân làm nhiệm vụ kinh tế chết và bị thương, trong đó có nêu: “Trong quá trình lao động đã có trường hợp chết, bị thương do tai nạn gây nên được các đơn vị lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ; theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ thì những trường hợp bị thương, chết nói trên không thuộc diện xác nhận thương binh, liệt sĩ”.

Ngày 13/5/2015, Sở LĐTB&XH có công văn số 890/SLĐTBXH tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn số 1879/UBND-VX ngày 27/5/2015 về việc xin chủ trương giải quyết chính sách ưu đãi cho những người từ trần hoặc bị thương trong lúc thực hiện nghĩa vụ lao động tại các Đoàn Xây dựng kinh tế, gửi Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc Phòng. Theo đó:

Bộ Quốc phòng có văn bản phúc đáp số 4966/BQP-CT ngày 12/6/2015 về việc giải quyết chính sách ưu đãi cho những người từ trần hoặc bị thương trong lúc thực hiện nghĩa vụ lao động tại các Đoàn Xây dựng kinh tế: Về cơ bản đối với trường hợp quân nhân tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế do quân đội tổ chức (kể cả số quân nhân được điều động, tăng cường giúp các địa phương lao động, xây dựng kinh tế) khi bị thương hoặc từ trần đã được quân đội giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của từng thời kỳ (quân nhân bị thương giải quyết chế độ thương binh loại B hoặc tai nạn lao động; chế độ tử sĩ đối với quân nhân từ trần).

Bộ LĐTB&XH có công văn phúc đáp số 2864/LĐTBXH-NCC ngày 22/7/2015 về việc giải quyết chính sách ưu đãi cho người từ trần hoặc bị thương trong lúc thực hiện nghĩa vụ lao động tại các Đoàn xây dựng kinh tế: “theo quy định hiện hành của Pháp lệnh ưu đãi người có công, chết do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ khai hoang, phát triển kinh tế, xã hội không thuộc một trong các trường hợp được xem xét xác nhận liệt sĩ”.

Tuy nhiên, ngày 04/0/2017 Ủy ban về các vấn đề xã hội có công văn số 446/UBVĐXH14 về việc giải quyết đơn thư của công dân (bà Nguyễn Thị Bồng là mẹ của quân nhân Huỳnh Tấn Quới) gửi Bộ Quốc phòng. Trong đó có đề nghị xem xét Điều 1 Quyết định số 301/CP ngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ về bổ sung tiêu chuẩn liệt sĩ và thương binh, bổ sung chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Ngày 19/4/2017 Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) có công văn số 925/CS-TBLS về việc xác minh thông tn quân nhân Huỳnh Tấn Quới, gửi Cục Chính trị quân khu 7, trong đó có đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long an xác minh, làm rõ trường hợp hy sinh (từ trần) của quân nhân Huỳnh Tấn Quới; nếu đúng như nội dung phản ánh trên, chủ trì tổ chức hội nghị phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh Long an và các cơ quan, đơn vị có liên quan, đối chiếu với quy định tại Quyết định 301/CP ngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ và Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 04/9/2013 của Chính phủ, lấy ý kiến đề xuất thống nhất về việc giải quyết chính sách đối với quân nhân Huỳnh Tấn Quới; báo cáo kết quả về Cục Chính sách trước ngày 30/5/2017 để tổng hợp báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Ủy ban về các vấn, đề xã hội, Quốc hội khóa XIV.

Ngày 31/5/2017, UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp, thành phần gồm các thành viên Hội đồng xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng cấp tỉnh và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện nghỉ hưu, tất cả đều thống nhất đề nghị cấp trên xem xét công nhận liệt sĩ đối với ông Huỳnh Tấn Quới và các trường hợp khác tương tự.

Căn cứ Điều 1 Quyết định 301/CP ngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ có quy định: “Bị thương hoặc chết vì đã dũng cảm và tự nguyện làm những công việc nguy hiểm nhằm phục vụ sản xuất và xây dựng, khôi phục quốc phòng và an ninh, xứng đáng nêu gương cho mọi người học tập”.

Với nội dung trên, UBND tỉnh Long An đã đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động, thương binh và xã hội xem xét công nhận liệt sĩ đối với ông Huỳnh Tấn Quới.

Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội nói gì?

Như Dân trí đã đưa tin, sau khi nhận được Công văn trên của UBND tỉnh Long An, Bộ LĐTB&XH có ý kiến như sau:

Theo quy định hiện hành về thủ tục, hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, căn cứ Điều 18 Nghị định số 31/2013NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính Phủ và Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, việc lập hồ sơ, cấp giấy báo tử đối với quân nhân hy sinh thuộc trách nhiệm của cơ quan quân đội. Sau khi Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh tiến hành xác minh (có phiếu xác minh) cấp giấy báo tử, có công văn đề nghị kèm hồ sơ, gửi Cục Chính trị Quân khu để tổng hợp, gửi Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH.

Công văn nhấn mạnh Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không làm thủ tục đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân hy sinh.


Công văn trả lời của Bộ LĐTB&XH đề nghị Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân VN báo cáo kết quả gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An và thông báo về Bộ LĐTB&XH

Công văn trả lời của Bộ LĐTB&XH đề nghị Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân VN báo cáo kết quả gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An và thông báo về Bộ LĐTB&XH

Ngày 12/6/2015, Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 4966/BQP-CT trả lời UBND tỉnh Long An, cụ thể đối với những trường hợp quân nhân tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế do quân đội tổ chức nếu bị thương được xác nhận thương binh loại B (tai nạn lao động).

Trên cơ sở đó, để bảo đảm công bằng, thống nhất trong việc áp dụng chính sách đối với các lực lượng không thuộc quân đội, công an, ngày 22/7/2015, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản số 2864/LĐTBXH-NCC trả lời UBND tỉnh Long An về việc giải quyết chính sách ưu đãi cho những người từ trần hoặc bị thương trong lúc thực hiện nghĩa vụ lao động tại các Đoàn xây dựng kinh tế (trong đó có nhiều quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự). Theo đó, trường hợp chết do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ khai hoang, phát triển kinh tế - xã hội không thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ.

Tuy nhiên, ngày 12/10/2015 Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có văn bản số 2782/CS-TBLS gửi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long an. Ngày 19/4/2017, Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị có văn bản số 925/CS-TBLS đề nghị Cục Chính sách quân khu 7 chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long an phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ trường hợp hy sinh (từ trần) của ông Huỳnh Tấn Quới, đối chiếu với quy định tại Quyết định số 301/CP ngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ để lấy ý kiến đề xuất thống nhất về việc giải quyết chính sách đối với ông Huỳnh Tấn Quới.

Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đề nghị Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân VN báo cáo kết quả gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An và thông báo về Bộ LĐTB&XH”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc!

Khả Vân