Long An, bài 2:

Người mẹ già 29 năm mòn mỏi đi làm chế độ liệt sĩ cho con trai: Bộ LĐTB&XH nói gì?

(Dân trí) - Gần 30 năm chờ đợi chính sách công nhận liệt sĩ cho con trai, cụ bà Nguyễn Thị Bồng không biết liệu mình còn có thể sống tới khi nào để được nhận chế độ ấy. Bởi việc xử lý chế độ chính sách của một số cơ quan liên quan chưa đáp ứng được thực tế của người bộ đội kinh tế khai hoang vùng Đồng Tháp 10 làm ra những hạt gạo nhuốm đầy mồ hôi, máu, nước mắt và cả sinh mạng của mình…

Quân nhân Huỳnh Tấn Quới thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ lái máy cày khai hoang đất cho đơn vị tại khu vực nguy hiểm, có nhiều mìn do chiến tranh biên giới Tây Nam để lại. Và thật đau lòng khi xảy ra sự việc mìn nổ khiến đồng chí hy sinh tại chỗ, đại diện đơn vị cũ của đồng chí khẳng định: "Chúng tôi xét thấy việc công nhận chiến sĩ Quới là liệt sĩ là hoàn toàn xứng đáng. Là tạo sự công bằng cho người chiến sĩ trên các mặt trận Kinh tế cũng như Quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc".


Cụ bà Nguyễn Thị Bồng với hành trình gần 30 năm mòn mỏi đi làm chế độ liệt sĩ cho con trai.

Cụ bà Nguyễn Thị Bồng với hành trình gần 30 năm mòn mỏi đi làm chế độ liệt sĩ cho con trai.

29 năm kể từ ngày đồng chí hy sinh cũng là ngần ấy năm bà Nguyễn Thị Bồng gửi đơn đến Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh, MTTQ, tỉnh Long An và Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Long An để xem xét giải quyết chính sách liệt sĩ cho con trai mình.


Nhờ Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội chỉ ra Quyết định số 301/CP của hội đồng Chính Phủ về bổ sung tiêu chuẩn liệt sĩ và thương binh, bổ sung chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, nếu không thì trường hợp của quân nhân Huỳnh Tấn Quới có lẽ không bao giờ được xem xét.

Nhờ Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội chỉ ra Quyết định số 301/CP của hội đồng Chính Phủ về bổ sung tiêu chuẩn liệt sĩ và thương binh, bổ sung chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, nếu không thì trường hợp của quân nhân Huỳnh Tấn Quới có lẽ không bao giờ được xem xét.

UBND tỉnh Long An sau đó đã họp cùng các ban ngành và thống nhất đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét giải quyết chính sách liệt sĩ cho quân nhân Huỳnh Tấn Quới. Về việc này, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đã có công văn do Thứ trưởng Đào Hồng Lan ký và gửi Tổng Cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam với nội dung như sau:

Bộ LĐTB&XH nhận được văn bản ngày 20/6/2017 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Bồng và văn bản số 2629/UBND-KGVX ngày 20/6/2017 của UBND tỉnh Long An đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Huỳnh Tấn Quới. Bộ LĐTB&XH có ý kiến như sau:

Theo quy định hiện hành về thủ tục, hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, căn cứ Điều 18 Nghị định số 31/2013NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính Phủ và Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, việc lập hồ sơ, cấp giấy báo tử đối với quân nhân hy sinh thuộc trách nhiệm của cơ quan quân đội. Sau khi Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh tiến hành xác minh (có phiếu xác minh) cấp giấy báo tử, có công văn đề nghị kèm hồ sơ, gửi Cục Chính trị Quân khu để tổng hợp, gửi Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH.

Công văn nhấn mạnh Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không làm thủ tục đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân hy sinh.

Ngày 12/6/2015, Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 4966/BQP-CT trả lời UBND tỉnh Long An, cụ thể đối với những trường hợp quân nhân tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế do quân đội tổ chức nếu bị thương được xác nhận thương binh loại B (tai nạn lao động).

Trên cơ sở đó, để bảo đảm công bằng, thống nhất trong việc áp dụng chính sách đối với các lực lượng không thuộc quân đội, công an, ngày 22/7/2015, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản số 2864/LĐTBXH-NCC trả lời UBND tỉnh Long An về việc giải quyết chính sách ưu đãi cho những người từ trần hoặc bị thương trong lúc thực hiện nghĩa vụ lao động tại các Đoàn xây dựng kinh tế (trong đó có nhiều quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự). Theo đó, trường hợp chết do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ khai hoang, phát triển kinh tế - xã hội không thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ.


Công văn trả lời sự việc của lãnh đạo Bộ Lao động Thương Binh và xã hội.

Công văn trả lời sự việc của lãnh đạo Bộ Lao động Thương Binh và xã hội.

Tuy nhiên, ngày 12/10/2015 Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có văn bản số 2782/CS-TBLS gửi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long an. Ngày 19/4/2017, Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị có văn bản số 925/CS-TBLS đề nghị Cục Chính sách quân khu 7 chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long an phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ trường hợp hy sinh (từ trần) của ông Huỳnh Tấn Quới, đối chiếu với quy định tại Quyết định số 301/CP ngày 20/9/1980 của Hội đồng Chính phủ để lấy ý kiến đề xuất thống nhất về việc giải quyết chính sách đối với ông Huỳnh Tấn Quới.

Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đề nghị Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân VN báo cáo kết quả gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An và thông báo về Bộ LĐTB&XH”.

Như Dân trí đã đưa tin, Công văn số 925/CS-TBLS của Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị yêu cầu Cục Chính sách quân khu 7 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long an báo cáo kết quả về Cục Chính sách trước ngày 30/5/2017 để tổng hợp báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc Phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Ủy ban về các VĐXH, Quốc hội khóa XIV. Thời gian đã quá 4 tháng nhưng tới nay gia đình quân nhân Huỳnh Tán Quới vẫn chưa nhận được một văn bản thông báo nào của các cơ quan chức năng. Đã 29 năm chờ đợi, liệu cơ quan chức năng nào sẽ là người làm thủ tục giải quyết chính sách liệt sĩ cho quân nhân Huỳnh Tấn Quới? Gia đình cụ bà Nguyễn Thị Bồng còn phải chờ đợi bao lâu nữa?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Ngọc Hân