Người đi cách ly dịch Covid-19 sẽ được hưởng bảo hiểm?

(Dân trí) - Những người đi cách ly ở các khu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà không thể tiếp tục công việc liệu có được hỗ trợ theo quy định của pháp luật?

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 chuyển biến phức tạp, không chỉ học sinh, sinh viên phải dừng việc học mà các doanh nghiệp hay người lao động cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Trong giai đoạn khó khăn này, liệu người lao động có được hỗ trợ gì theo quy định của pháp luật? Mời bạn đọc gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu.

Người đi cách ly dịch có được hưởng tiền lương, bảo hiểm không?

Thưa luật sư, những người đang bị cách ly tại khu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà không được tiếp tục công việc có được hỗ trợ gì theo quy định của pháp luật không?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 32/2012/TT-BTC, người nào bị áp dụng biện pháp cách ly y tế do nhiễm bệnh sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cơ sở y tế công lập phát hiện; được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế; được miễn chi phí di chuyển trong trường hợp thay đổi địa điểm cách ly.

Hiện nay, người bị cách ly tại một số khu vực cách ly còn được hỗ trợ ăn uống phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở cách ly.

Các chính sách đối với người bị cách ly hiện đang lao động tại các tổ chức, doanh nghiệp:

Hiện nay, pháp luật Lao động chưa quy định cụ thể về hướng xử lý trong trường hợp người lao động trong thời gian bị cách ly do dịch bệnh.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế để đề xuất hướng giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động được yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch Covid-19.

Theo đó, những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế.

Người đi cách ly dịch Covid-19 sẽ được hưởng bảo hiểm? - 1

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi với phóng viên báo Dân Trí

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người cách ly:

Trường hợp điều trị nội trú cần có giấy ra viện; trường hợp điều trị ngoại trú cần có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, hoặc giấy ra viện có chỉ định của bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Trường hợp cách ly tại cơ sở (ngoài nhà riêng), cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly cho người được áp dụng biện pháp cách ly, để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của bộ luật Lao động, luật BHXH và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Trường hợp cách ly tại nhà, trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.

Trong trường hợp người sử dụng lao động tạm ngừng hoạt động với người lao động thì người lao động có được hỗ trợ gì không thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 đang hoành hành, rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì việc kinh doanh nên đã quyết định tạm ngưng hoạt động.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời gian doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động quy định như sau:

Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, hoặc vì lý do kinh tế, … thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng trong mùa dịch bệnh có được bồi thường?

Trong trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì người lao động có được hỗ trợ gì không thưa luật sư?

Theo điểm c khoản 2 Điều 38 của Bộ luật Lao động 2012 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa, dịch bệnh, … mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

Như vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động đã thực hiện mọi biện pháp để ứng phó với dịch covid-19 nhưng vẫn không hiệu quả, doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng với người lao động.

Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định về thời gian báo trước:

- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm