3 phút cùng Luật sư:

Trốn cách ly, nhờ người đi cách ly thay có thể bị phạt tù đến 12 năm

(Dân trí) - Những người trốn cách ly, đi cách ly thay hoặc có các hành vi chống đối cách ly sẽ bị phạt hành chính hoặc có thể bị phạt tù nếu làm lây lan mầm bệnh.

Trong tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp tại Việt Nam từ bệnh nhân thứ 17, những đối tượng từng tiếp xúc với bệnh nhân này đã được xác định và cách ly. 

Thế nhưng, chiều 9/3, 1 trong 4 người mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm cách ly đã đưa nhân viên của mình đi cách ly thay.

Vậy hành vi trốn cách ly và tìm người cách ly thay sẽ được nhìn nhận thế nào dưới góc nhìn của pháp luật?

Trong chuyên mục 3 phút cùng Luật sư, mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu.

Chủ tịch đưa nhân viên đi cách ly thay sẽ bị xử lý như thế nào??

Thưa luật sư, hành vi trốn cách ly của những người có khả năng bị nhiễm Covid-19 có bị xem là vi phạm pháp luật hay không? Nếu có, khung hình phạt cụ thể dành cho hành vi này là gì?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Ngày 01-02-2020, Thủ tướng đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra nên các hành vi cố tình trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm (chẳng hạn như khai báo gian dối) có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. 

Về mặt xử lý hành chính, thì theo Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, mức xử phạt là bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, thực hiện các hành vi gian dối để trốn tránh việc cách ly mà có mang mầm bệnh, gây lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng.

Trốn cách ly, nhờ người đi cách ly thay có thể bị phạt tù đến 12 năm - 1

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng phóng viên báo Dân Trí

Mới đây, chủ tịch HĐQT của một công ty điện gió đã có hành vi đưa nhân viên của mình đi cách ly thay. Hành vi này sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Hành vi đưa nhân viên của mình đi cách ly thay mình cũng là một hành vi nhằm trốn tránh biện pháp cách ly. Vì vậy, hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định mà tôi đã trình bày ở trên.

Người nhân viên nhận lời đi cách ly thay có vi phạm pháp luât hay không thưa luật sư? Nếu có, khung hình phạt cụ thể dành cho hành vi này là gì?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Đối với người nhận lời đi cách ly thay, rõ ràng người này nhận thức được rằng mình không phải là đối tượng bị cách ly. Tuy nhiên vẫn cố tình đi thay, đây là hành vi giúp người khác trốn tránh cách ly. 

Nếu trong trường hợp người trốn cách ly bị nhiễm bệnh Covid-19, lây lan dịch bệnh cho người khác và bị truy cứu tránh nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi của người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức.

Gần đây, một công dân khá nổi tiếng trên mạng xã hội tên Vũ Khắc Tiệp đã có những phát ngôn gây sốc khi than phiền và có thái độ chống đối việc cách ly. Hành vi này có được xem là vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Nếu chỉ dừng lại ở mức độ là những lời phàn nàn về cơ sở vật chất hay các vấn đề như "ở trong này ngột ngạt quá" thì vẫn chưa được xem là vi phạm pháp luật. Mặc dù khi các cơ quan tiếp cận và yêu cầu cách ly thì Vũ Khắc Tiệp đã có những lời nói phản cảm, không không phù hợp trong lúc cả nước đang chung tay chống dịch nhưng cũng rất khó để xử phạt hành chính trong trường hợp này.

Vũ Khắc Tiếp có bị xử lý khi khai báo không trung thực, phàn nàn ở khu cách ly?

Luật sư có suy nghĩ gì về việc trốn cách ly và luật sư có lời khuyên gì dành cho mọi người trong mùa dịch bệnh này?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Trong bối cảnh dịch SARS-CoV-2 đang hoàng hành, gây hậu quả rất lớn đến tính mạng, sức khỏe con người và tình hình kinh tế. Hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân trong xã hội đều nên góp một phần sức lực nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. 

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Người dân có thể tin tưởng vào trang thiết bị và tay nghề của đội ngũ y bác sĩ trong việc điều trị SARS-CoV-2. 

Nếu các cá nhân có dấu hiệu hay nguy cơ bị lây nhiễm thì nên tự giác khai báo hoặc trực tiếp đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị. Như vậy, vừa đảm bảo được sức khỏe cho bản thân, vừa bảo vệ gia đình mình và vừa bảo vệ cộng đồng xã hội. 

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi trốn tránh việc cách ly. 

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm