Người dân tố cáo Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng!

(Dân trí) - Cho rằng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng can thiệp không đúng quy định pháp luật trong việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình, người dân ở Sóc Trăng đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Ông Trịnh Viết Tú (58 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, ông đã chính thức gửi đơn tố cáo lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Sóc Trăng có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp liên quan đến căn nhà mà ông Tú mua của Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên với giá trên 720 triệu đồng (theo hợp đồng ngày 19/10/2017).

Hợp đồng này thể hiện, thời hạn giao tài sản không quá 30 ngày, nếu có vấn đề phức tạp thì cũng không quá 60 ngày. Tuy nhiên, hơn một năm qua, ông Tú vẫn không nhận được tài sản mà ông Tú cho rằng nguyên nhân là do lãnh đạo Cục THADS Sóc Trăng “thọc gậy bánh xe”.

Theo hồ sơ, ngày 13/10/2017, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Sóc Trăng tổ chức bán đấu giá một căn nhà ở ấp Hòa Mỹ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Kết quả, ông Tú trúng đấu giá. Ngày 19/10/2017, ông Tú ký hợp đồng mua bán với với Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên và đã nộp đủ số tiền mua tài sản.

Ngày 8/12/2017, Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên có quyết định cưỡng chế giao căn nhà trên cho ông Tú vào ngày 20/12/2017. Thế nhưng, ngày 20/12/2017, Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên lại có thông báo với nội dung tạm dừng cưỡng chế thi hành án để xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Mỹ Xuyên.

“Vì không được giao tài sản theo quy định nên tôi hỏi Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên thì được biết Cục THADS tỉnh Sóc Trăng không cho giao tài sản. Cụ thể, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng có nhiều cuộc họp với đương sự, biên bản các cuộc họp đều đặt ra vấn đề bước giá, dù đó không thuộc thẩm quyền chuyên môn của THADS tỉnh Sóc Trăng. Hơn nữa, việc đưa ra bán đấu giá không bị ai khiếu nại.

Trong các lần họp, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng Hồ Minh Hải yêu cầu các bên hủy bỏ kết quả đấu giá để đấu giá lại dù người trúng đấu giá tài sản, người được thi hành án, người phải thi hành án, chấp hành viên đều thống nhất kết quả đấu giá, không tranh chấp gì về kết quả đấu giá này. Chủ tài sản bán đấu giá và Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên đều đồng ý giao nhà, nhưng lãnh đạo Cục THADS tỉnh Sóc Trăng lại không đồng ý .

Hành vi của ông Hải là hành vi trái pháp luật, cản trở hoạt động tư pháp. Việc này do THADS huyện Mỹ Xuyên thụ lý giải quyết. Cục THADS tỉnh Sóc Trăng không có hồ sơ, không có thẩm quyền nhưng lại can thiệp trái luật nên tôi làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng”, ông Tú bức xúc.

Theo công văn số 19 ngày 3/5/2018 của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Sóc Trăng thì ông Tú là người trúng đấu giá với giá đã trả cao nhất và cao hơn giá khởi điểm. Ông Tú cũng không thuộc trường hợp đấu giá không thành theo quy định của pháp luật.

Người dân tố cáo Cục thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng! - Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Tý.

Ông Đỗ Văn Tý (55 tuổi, ngụ xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cũng phản ánh việc làm “lấn sân” không đúng quy định của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng đối với ông.

Theo hồ sơ, vợ ông Tý là bà Võ Thị Diệu nợ ông Đỗ Trường Hùng 600 triệu đồng, được tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Ngày 27/7/2009, vợ chồng ông Tý đến Cục THADS huyện Kế Sách để xác định tài sản chung của 2 người là 1,1 tỉ đồng (chia đôi mỗi người 550 triệu đồng).

Sau đó, ông Tý dùng tiền cá nhân đưa cho bà Diệu 600 triệu đồng (dư 50 triệu đồng) để thi hành án cho ông Hùng. Chi Cục THADS huyện Kế Sách xác nhận sự thỏa thuận này và kết thúc việc thi hành án. Theo ông Tý, như vậy, tài sản chung của vợ chồng lúc này trở thành tài sản riêng của ông Tý.

Thế nhưng, ngày 24/8/2009, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng ra quyết định thi hành án, buộc bà Diệu phải trả 700 triệu đồng cho một nữ Việt kiều Mỹ. Từ đó, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng lấy nhà và đất của ông Tý (mua qua Chi Cục THADS huyện Kế Sách) để thi hành án thêm một lần nữa, nhằm giao cho nữ Việt kiều.

Ông Tý cho biết: “Khi chi 600 triệu đồng mua phần tài sản của vợ thì toàn bộ nhà, đất ở xã An Lạc Tây là của riêng tôi. Lúc đó có sự chứng kiến của chấp hành viên THADS huyện Kế Sách, vậy mà thi hành án cấp tỉnh lại lấy tài sản của tôi giao cho người khác”.

Không đồng ý với cách làm của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, ông Tý làm đơn yêu cầu TAND huyện Kế Sách công nhận cho ông được sở hữu toàn bộ tài sản như đã nêu. Tháng 1/2018, TAND huyện Kế Sách có thông báo trả lại đơn vì thực tế tài sản trên là của ông Tý (theo biên bản thỏa thuận ngày 27/7/2009 tại Chi Cục THADS huyện Kế Sách).

“Cục THADS tỉnh Sóc Trăng thông báo cưỡng chế nhà tôi vào ngày 18/12/2018 để giao cho nữ Việt kiều. Tôi bỏ công việc ở Bình Dương để về quê khiếu nại thì họ không cưỡng chế, nhưng cũng không thông báo gì với tôi. Đến giờ tôi cũng không biết vụ việc này được xử lý ra sao. Tôi cũng nghe nói Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã rút hồ sơ của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng nhưng không biết mục đích rút để làm gì”, ông Tý cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi về 2 trường hợp trên, ông Lê Trọng Nguyên- Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đối với trường hợp của ông Trịnh Viết Tú, dù ông Tú là người mua đấu giá trúng nhưng do phía người có liên quan đến tài sản và người có tài sản không đồng ý, khiếu nại về bước giá nên Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên có báo cáo với lãnh đạo Cục THADS tỉnh và chúng tôi đã báo cáo về Tổng cục THADS xin chỉ đạo giải quyết. Hiện nay, Tổng cục đang xem xét về bước giá nên khi nào có sự chỉ đạo thống nhất từ Tổng cục sẽ thực hiện thi hành án.

Còn trường hợp ông Đỗ Văn Tý, khi nảy sinh vấn đề khiếu nại ở vụ tranh chấp với nữ Việt kiều, do Tổng cục có công văn hướng dẫn nghiệp vụ không chấp nhận, hủy thỏa thuận giữa ông Tý với bà Diệu cũng như chứng kiến của Chi cục THADS huyện Kế Sách nên tài sản đó được xem là của cả hai vợ chồng, nên cơ quan thi hành án thực hiện đúng theo quy định là kê biên, cưỡng chế bán một căn nhà của vợ chồng ông Tý để đảm bảo thi hành án cho nữ Việt kiều. Tuy nhiên, do ông Tý có khiếu nại nên Viện KSND tỉnh rút hồ sơ xem xét theo thẩm quyền nên chưa thi hành án được. Hiện chúng tôi đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng”.

Khi chúng tôi đề nghị được tiếp cận văn bản của Tổng cục THADS thì ông Lê Trọng Nguyên cho biết: “Đây là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên nên không thể cung cấp cho báo chí. Nếu báo chí cần thì có văn bản yêu cầu, chúng tôi sẽ báo cáo xin ý kiến của Tổng cục, nếu được đồng ý thì sẽ cung cấp cho báo chí theo quy định”.

Bạch Dương