Người phụ nữ ở Sóc Trăng đi đòi đất hết cả tuổi thanh xuân!

(Dân trí) - Vào tháng 1/1975, gia đình bà Châu Thị Yến Nhi (hiện ngụ tỉnh Sóc Trăng) vừa mua xong phần đất, chưa kịp sử dụng thì đất nước thống nhất. Cứ tưởng cuộc sống sẽ bình yên nhưng bất ngờ toàn bộ đất "được" cán bộ Ủy ban quân quản địa phương cho người đến tuyên bố “nhà nước trưng dụng”. Tuy nhiên, cho đến nay phần đất vẫn không sử dụng, bị bỏ hoang, trong khi gia đình bà Nhi đã nhiều lần làm đơn xin lại nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo trình bày của bà Châu Thị Yến Nhi (SN 1964, hiện ngụ tại phường 1, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng): Gia đình bà (và 2 hộ khác) có thửa đất diện tích 5.688m2 thuộc tờ bản đồ số 201, thửa địa bộ 788, tọa lạc tại đường Kênh Xáng, khóm 4, phường 8, TP Sóc Trăng , tỉnh Sóc Trăng.

Thửa đất này là của cha bà Nhi là ông Châu Bình Khung cùng các ông Phạm Thông và ông Tạ Hùng Huy (hiện nay đã ủy quyền cho bà Nhi) cùng nhau góp tiền mua của vợ chồng ông Lý Nhựt vào ngày 31/1/1975. Tài sản kèm theo thửa đất là một số vật dụng cùng xác nhà máy xay xát lúa gạo chạy bằng hơi nước đã bị hư hỏng, ngừng sử dụng từ năm 1972. Việc mua bán được thực hiện đúng thủ tục sở hữu theo luật pháp lúc bấy giờ (có chứng thư Đoạn mãi bất động sản hiện gia đình bà Nhi vẫn đang giữ).

Sau khi hoàn thành việc mua bán, gia đình bà Nhi và các hộ trên đóng thuế trước bạ tại Ty thuế vụ tỉnh Ba Xuyên (nay là tỉnh Sóc Trăng) và có kế hoạch sẽ tháo dỡ nhà máy hư hỏng bán phế liệu, lấy đất xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, ý định này chưa thành thì miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Bà Châu Thị Yến Nhi trước phần đất đang khiếu nại đòi lại cho gia đình mình.
Bà Châu Thị Yến Nhi trước phần đất đang khiếu nại đòi lại cho gia đình mình.

Tháng 10/1975, ông Tiêu Mười là cán bộ của Ủy ban quân quản Sóc Trăng (sau này là Trưởng phòng Kế toán - Tài vụ Công ty lương thực Hậu Giang) cho người đến thửa đất nói trên, tháo dỡ nhà máy mang đi nơi khác và tuyên bố bằng miệng là “nhà nước trưng dụng nhà máy này”, nhưng không đưa ra quyết định mượn hay tịch thu, trưng thu, trưng dụng nào.

Thấy vậy, gia đình bà Nhi yêu cầu ông Tiêu Mười làm biên bản ghi nhận việc tháo dỡ nhà máy, lấy tài sản của họ nhưng ông Tiêu Mười không làm mà chỉ hứa sẽ gửi sau. Việc ông Tiêu Mười cho người đến tuyên bố lấy nhà máy có sự chứng kiến (và xác nhận) của ông Nguyễn Văn Bào (Trưởng ban tự quản ấp Vĩnh Khánh, nay là phường 8, TP Sóc Trăng).

Sau khi ông Tiêu Mười cho người chở nhà máy đi, gia đình bà Nhi tiếp tục thực hiện quyền sử dụng đất của mình thì bị nhân viên của ông Tiêu Mười ngăn cản không cho vào khu đất trên.

Theo đơn của bà Nhi, ngày 24/3/1976, Chính phủ ban hành Nghị định sáp nhập 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang thì bà Nhi được biết UBND thị xã (nay là thành phố) Sóc Trăng giao toàn bộ diện tích đất nói trên cho Xí nghiệp đường rượu là đơn vị cuối cùng, giải thể năm 1992. Cũng từ đó đến nay, diện tích đất nói trên bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, không ai sử dụng. Cũng từ khi bị lấy đất đến nay, bà Nhi đã gửi rất nhiều đơn đến UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) và UBND tỉnh Sóc Trăng xin lại đất nhưng không được giải quyết với lý do “chưa có chủ trương giải quyết”.

Đến năm 2001, khi nhà nước có chủ trương trả lại nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991, bà Nhi tiếp tục làm đơn yêu cầu giải quyết trả lại đất nhưng UBND tỉnh Sóc Trăng không chấp nhận, bác đơn yêu cầu của bà với lý do: “Chúng tôi thuộc diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và không có giấy tờ thể hiện việc cho nhà nước mượn đất”, bà Nhi bức xúc.

Trong khi đó, theo báo cáo số 1072/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 18/5/2016, ông Châu Bình Khung, Phạm Thông và Tạ Hùng Huy mua nhà máy xay lúa Dũ Phong có giấy tờ, có xác nhận của chính quyền chế độ cũ, đã sang tên trước bạ xong. Trị giá tài sản lúc mua là 2 triệu đồng bạc Việt Nam (tương đương gần 1.000 cây vàng). Sau giải phóng, tháng 10/1975, nhà nước quản lý toàn bộ đất và nhà máy (không có giấy tờ) và giao cho Phòng Công nghiệp thị xã Sóc Trăng. Đến năm 1989, ông Châu Bình Khung làm giấy ủy quyền cho con là bà Châu Thị Yến Nhi xin lại 1/4 giá trị nhà máy.

Năm 2000, UBND tỉnh Sóc Trăng có công văn thu hồi đất do Xí nghiệp đường rượu quản lý và tạm giao cho Công ty kinh doanh hàng công nghiệp và thực phẩm quản lý sử dụng đất. Năm 2002, Công ty này bàn giao toàn bộ diện tích đất và tài sản về Sở Tài chính quản lý cho đến nay. Năm 2009, các chủ phần hùn còn lại ủy quyền cho bà Châu Thị Yến Nhi xin lại giá trị nhà máy.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, khi bà Nhi có đơn xin lại đất, ngày 29/10/2009, UBND tỉnh Sóc Trăng bác đơn yêu cầu của bà Nhi. Không đồng ý, bà Nhi tiếp tục khiếu nại và UBND tỉnh Sóc trăng báo cáo Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT). Ngày 29/8/2012, Bộ TN-MT có văn bản đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng làm rõ nội dung: “Văn bản của Nhà nước chứng minh gia đình bà Châu Thị Yến Nhi thuộc diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; văn bản nhà nước quản lý, bố trí sử dụng thửa đất 5.688m2, việc gia đình bà Nhi khó khăn về chỗ ở,…”. UBND tỉnh Sóc Trăng không làm rõ được các nội dung này vì hiện nay không còn tài liệu gì liên quan.

“Qua thẩm tra, xác minh, Thanh tra Chính phủ thấy: Gia đình bà Nhi không thuộc diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo các chính sách cải tạo của Nhà nước sau ngày giải phóng miền Nam 1975 (toàn bộ diện tích nhà máy xay lúa là 5.688m2, chia cho 4 phần hùn thì mỗi phần hùn cũng chỉ có hơn 1.000m2, là diện tích không lớn ở ĐBSCL); Từ khi việc chuyển nhượng nhà máy xong xuôi đến khi nhà máy bị quản lý, các chủ sở hữu mới (gia đình bà Nhi và 2 người bạn của cha bà) chưa được thụ hưởng gì từ nhà máy, vì nhà máy đang trong giai đoạn sửa chữa; hiện nay nhà máy có hàng rào xung quanh, Sở Tài chính Sóc Trăng có thuê người trông coi khu đất, các nhà kho đã xuống cấp, không sử dụng”, trích báo cáo số 1072/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 18/5/2016.

Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận gia đình bà Nhi có đơn khiếu nại từ năm 1989 nhưng không được xem xét, giải quyết, vì để kéo dài nên sau này bị vướng Nghị quyết số 23 và Nghị quyết 755 (của Quốc hội) không thể xem xét, giải quyết được.

Người phụ nữ ở Sóc Trăng đi đòi đất hết cả tuổi thanh xuân! - 2
Phần đất với xác nhà máy xay xát đã bị bỏ hoang nhiều năm qua.
Phần đất với xác nhà máy xay xát đã bị bỏ hoang nhiều năm qua.

Kết luận là như vậy nhưng Thanh tra Chính phủ lại cho rằng: “Mặc dù UBND tỉnh Sóc Trăng không ban hành văn bản quản lý đối với cơ sở của nhà máy, nhưng thực tế tỉnh đã quản lý, bố trí sử dụng từ sau ngày giải phóng năm 1975. Do vậy UBND tỉnh Sóc Trăng bác đơn đòi quyền sở hữu nhà máy của bà Nhi là có cơ sở nên Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết khiếu nại của bà Nhi theo hướng: Công nhận quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc bác đơn khiếu nại của bà Nhi; UBND tỉnh Sóc Trăng hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân đối với khu đất nói trên và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; giao UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét, hỗ trợ gia đình bà Nhi cải thiện nhà ở để bớt thiệt thòi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Lâm (Ban Tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Sau khi có kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và có văn bản của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, UBND tỉnh Sóc Trăng đã xem xét để giải quyết vụ việc nhưng lại bị vướng vì bà Nhi chỉ là đại diện ủy quyền của cha là ông Châu Bình Khung và ủy quyền của các phần hùn là ông Tạ Hùng Huy, ông Phạm Thông. Nếu xem xét, hỗ trợ cho bà Nhi thì có thể phát sinh khiếu nại của ông Huy và ông Thông.

Mặt khác, bà Nhi được anh chị em ủy quyền đại diện phần hùn của ông Châu Bình Khung, nếu chỉ hỗ trợ cho bà Nhi sẽ phát sinh khiếu nại của các con ông Khung. Vì vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình để các cơ quan này có văn bản hướng dẫn thực hiện. Khi nào có văn bản hướng dẫn, tỉnh sẽ thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo”.

Bà Châu Thị Yến Nhi bức xúc: “Chúng tôi không thuộc diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, không thuộc đối tượng bị trưng dụng tài sản. Hơn nữa, trong văn bản xác nhận của ông Lý Ngọc Cung (nguyên Chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng từ 1975-1980) cũng khẳng định thời kỳ Ủy ban quân quản chủ trương đánh tư sản mại bản ở thị xã Sóc Trăng có 11 hộ được xác định là tư sản mại bản kinh doanh nhiều ngành nghề, trong 11 hộ này không có tên các ông Châu Bình Khung, ông Phạm Thông và ông Tạ Hùng Huy.

Thanh tra Sở TN-MT Sóc Trăng cho rằng chúng tôi không có giấy tờ thể hiện việc chính quyền cách mạng lúc đó mượn tài sản để bác yêu cầu chính đáng của chúng tôi là ngụy biện, thiếu công tâm. Vào thời điểm đó, cán bộ muốn lấy tài sản của ai là lấy chứ làm gì có giấy tờ. Khi bị lấy, chúng tôi cũng yêu cầu làm văn bản nhưng họ không làm. Bây giờ đòi chúng tôi có giấy đó thì chẳng khác nào đánh đố người dân. Trong khi Thanh tra Chính phủ đã thừa nhận chúng tôi không thuộc diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, chính quyền không có giấy tờ nào quản lý đất của chúng tôi. Vậy mà chúng tôi xin lại tài sản của mình thì bị bác bỏ”.

Bà Châu Thị Yến Nhi đi đòi đất nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Bà Châu Thị Yến Nhi đi đòi đất nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Có mặt tại thửa đất nói trên, PV ghi nhận toàn bộ diện tích đất này vẫn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhà xưởng đã bị hư hỏng hoàn toàn. Một người dân cho biết từ mấy chục năm nay, chỉ có một người dân địa phương được thuê giữ khu đất này không cho ai vào cả.

Hoàn cảnh của gia đình bà Châu Thị Yến Nhi hết sức bi đát khi cả gia đình bà 5 người sống trong một căn nhà khoảng 80m2, nhưng căn nhà này đã bị cơ quan thi hành án phát mãi. Do bà Nhi thế chấp vay tiền sản xuất kinh doanh không có hiệu quả nên trong một ngày không xa, khi nhà bị cưỡng chế giao cho người mua thì cả nhà bà Nhi sẽ không còn chỗ ở nữa.

Bạch Dương