Bài 2:

Nghịch lý ổn định dân cư tại Đắk Nông: từ dân định cư trở thành dân di cư

Dương Phong

(Dân trí) - Được cấp nhà và đất sản xuất tại khu tái định cư, nhiều người dân bỏ tất cả, quay về nơi ở trước đây. Từ dân định cư họ bỗng trở thành dân di cư sinh sống trên chính mảnh đất của cha ông mình.

Bám trụ với đất ông cha

10 năm trước, gia đình ông K’Siêu được bố trí một căn nhà và một phần đất sản xuất tại khu tái định cư (KTĐC) xã Đắk P’Lao (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông). Thời điểm ấy, không chỉ ông mà cả xã Đắk P’Lao đã thực hiện một cuộc “di dân lịch sử”, trở về nơi ở mới để nhường đất làm thủy điện.

Thế nhưng, sau đó ông K’Siêu cùng 40 hộ dân khác quyết định bám trụ tại cụm dân cư thôn 1, xã Đắk P’Lao (cũ) để sinh sống. Đây là khu vực gần lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, hiện thuộc quyền quản lý của Vườn Quốc gia Tà Đùng.

Nghịch lý ổn định dân cư tại Đắk Nông: từ dân định cư trở thành dân di cư - 1
Khu tái định cư Đắk P"lao dù được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục

Từ ngày con cái lập gia đình, ông K’Siêu đã tách làm hai hộ. Từ 40 hộ đang sinh sống trên đất của khu vực Vườn Quốc gia Tà Đùng, hiện đã có thêm 8 hộ mới. Cuộc sống tại khu vực vẫn kiểu tự cung, tự cấp và chưa có điện lưới quốc gia.

“Mình ở trong này thấy ổn hơn khu tái định cư, vì có rẫy, có nước sinh hoạt đầy đủ. Chỗ ở mới thì thiếu đất sản xuất, nên mình chỉ để mấy đứa con ở đó để học tập cho thuận lợi thôi”, ông K’Siêu chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình.

Nghịch lý ổn định dân cư tại Đắk Nông: từ dân định cư trở thành dân di cư - 2
Tuy nhiên ông K'Siêu vẫn bám trụ với nơi ở cũ

Trái ngược với ông K’Siêu, ông K’Long cùng với hơn 500 hộ dân khác rời mảnh đất của mình, đến Khu tái định cư xã Đắk P’lao hơn 10 năm qua.

Thế nhưng, đã gần 1 thập kỷ sinh sống trên vùng đất mới, gia đình ông K’Long vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ngoài căn nhà nhỏ được xây dựng theo diện hỗ trợ tái định cư thì gia đình ông cũng chỉ làm thêm được căn bếp nhỏ và khu vực nuôi gia cầm.

Nghịch lý ổn định dân cư tại Đắk Nông: từ dân định cư trở thành dân di cư - 3
Đến nơi ở mới, nhưng 10 năm nay gia đình ông Long vẫn thuộc diện hộ nghèo

Theo ông Long, gia đình ông được cấp 4 sào đất rẫy, rồi khai hoang và mua thêm được 6 sào nữa. Đất dốc, cằn, lại thiếu nước tưới nên cả năm vừa rồi gia đình chỉ thu được một tấn cà phê. Trong khi đó, số tiền được đền bù còn dư một ít thì cả nhà 5 người chỉ tiêu được vài năm là hết sạch.

“Trước đây, gia đình có hơn 2 ha rẫy, mỗi năm trừ chi phí cũng còn 2 tấn cà phê. Cả gia đình 5 người sống cũng tạm ổn. Đất rẫy gần nhà, đi làm rất thuận lợi…”, ông Long nói và bày tỏ nguyện vọng trở lại nơi ở cũ.

Bất cập trong đầu tư?

Phần lớn các dự án ổn định dân cư tại tỉnh Đắk Nông đều được đầu tư với số tiền lớn với nhiều hạng mục thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân. Thế nhưng, việc đầu tư dàn trải, câu chuyện về chất lượng các công trình và công tác ổn định đời sống dân cư còn bất cập, khiến người dân không mấy “mặn mà” với nơi ở mới.

Nghịch lý ổn định dân cư tại Đắk Nông: từ dân định cư trở thành dân di cư - 4
Những căn nhà bỏ không tại làng thanh niên lập nghiệp Quảng Trực

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk P’Lao (huyện Đắk G’Long), dù đã về nơi tái định cư gần 10 năm, thế nhưng đến nay toàn xã hiện vẫn còn hơn 50% là hộ nghèo.

Cái khó nhất của địa phương là tìm giải pháp để thoát nghèo. Thực tế, cả xã còn nhiều hộ dân chưa được cấp tái định canh, nên đời sống rất khó khăn.

“Ngay cả những hộ được cấp đất sản xuất thì cũng chỉ mới cấp được 4-5 sào, bằng khoảng một nửa so với quy định. Cũng vì có nhiều hộ dân còn thiếu đất sản xuất, nên câu chuyện thoát nghèo luôn là vấn đề thường trực ở địa phương”, ông Hùng cho biết.

Nghịch lý ổn định dân cư tại Đắk Nông: từ dân định cư trở thành dân di cư - 5
Người dân xã Đắk P'Lao chấp nhận sống ở nơi ở cũ vì vẫn còn đất canh tác

Cũng là địa phương triển khai nhiều dự án sắp xếp ổn định dân cư, ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức nhận thấy, dự án giao cho các cấp, ngành làm chủ đầu tư và xây dựng không hiệu quả.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, cấp địa phương, nhất là cấp cơ sở sẽ nắm bắt rõ nhất nhu cầu về đời sống sản xuất cũng như tập quán sinh hoạt của người dân.

Hiện Đắk Nông vẫn là một trong những tỉnh chịu áp lực của di dân tự do. Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông), tính đến tháng 6/2018, tổng số dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh là 38.191 hộ với 173.973 khẩu. Còn 11.511 hộ với 51.753 khẩu chưa được bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống.

Nghịch lý ổn định dân cư tại Đắk Nông: từ dân định cư trở thành dân di cư - 6
Thiếu đát sản xuất, ổn định đời sống dân cư vẫn đang là thách thức của các dự án ổn định dân cư

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh này đã lập và triển khai 12 dự án ổn định dân di cư tự do với tổng số vốn đầu tư gần 850 tỷ đồng. Đắk Nông đã bố trí được gần 500 tỷ đồng thế nhưng chỉ có 4 dự án đã hoàn thành. 8 dự án còn dang dở, tức là mới thực hiện được 1/3 tổng số dự án.

Trong năm 2020, từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2020, toàn tỉnh Đắk Nông được đầu tư 3 dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do.

Trong đó, Dự án ổn định dân di cư xã Quảng Phú, huyện Krông Nô có tổng vốn đầu tư 94 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2022, dự án sẽ sắp xếp ổn định cho 258 hộ dân với đầy đủ điện, đường, trường, trạm… Dự án ổn định dân di cư tự do xã Đắk N’Drót (huyện Đắk Mil) có tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.