Nghịch lý đau lòng tại các dự án ổn định dân cư ở Đắk Nông

Dương Phong

(Dân trí) - Mặc dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thế nhưng nhiều dự án ổn định dân cư tại tỉnh Đắk Nông lại không phát huy hiệu quả. Người dân không mặn mà, thậm chí rời bỏ khu dân cư vì cuộc sống quá khó khăn.

“Khổ” như dân tái định cư

Khu tái định cư Đắk P’Lao (xã Đắk P’Lao, huyện Đắk G’Long) được hình thành sau khi Thủy điện Đồng Nai 3 đi vào hoạt động. Những ngôi nhà kiên cố, nằm san sát nhau, được xây dựng theo một khuôn mẫu từng là nơi ở của các hộ dân xã Đắk P’Lao cũ, trong đó chủ yếu là người đồng bào Mạ và H’Mông.

Thế nhưng, sau gần 10 năm chuyển về khu tái định cư (KTĐC), tất cả người dân ở đây phải sống “mòn” vì thiếu đất sản xuất và không có nước sạch. Cuộc sống khó khăn khiến nhiều người phải rời quê đi nơi khác kiếm sống, thậm chí trở về lại nơi họ từng ở trước đây.

Nghịch lý đau lòng tại các dự án ổn định dân cư ở Đắk Nông - 1

Khu tái định cư Đắk P'lao (xã Đắk P'Lao, tỉnh Đắk Nông)

Là một trong những người tự nguyện giao lại đất để phục vụ công trình thủy điện, cũng là người đầu tiên dọn về KTĐC sinh sống, nhưng 10 năm qua là chuỗi ngày anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ thôn 3) sống trong cảnh khó khăn.

Phần lớn đất sản xuất của gia đình đều nằm trong diện thu hồi, “thế nhưng đến giờ tôi vẫn không được cấp đủ đất để tôi sản xuất. Nhà có 5, 6 miệng ăn nên chỉ trông chờ vào diện tích đất được cấp thì không thể đủ sống”, anh Tuấn nói.

Góp thêm vào câu chuyện thiếu đất, chị H’Sợp (ngụ thôn 3) ngao ngán: “Ngày xưa khi chính quyền đi vận động, cứ nói hay rằng về nơi ở mới không thiếu đất đâu, đất lại tốt nữa. Vậy mà bây giờ vẫn chưa nhận được đất sản xuất, có cục đất ném chim, đuổi gà mà cũng thiếu…”.

Nghịch lý đau lòng tại các dự án ổn định dân cư ở Đắk Nông - 2
Thiếu đất sản xuất, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả đang là tình trạng chung tại khu dân cư này

“Sử dụng hết tiền đền bù nên chồng phải đi làm thuê, còn tôi ở nhà lo việc con cái. Ở đây nhà nào cũng vậy, cuối năm hầu như cả làng đi nơi khác làm thuê, trong làng chỉ toàn phụ nữ, người già và trẻ con”, chị này nói thêm.

Thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và những căn nhà bê tông khác hẳn với những căn nhà truyền thống của đồng bào bản địa, khiến cuộc sống của những người dân ở đây càng bí bách, ngột ngạt.

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Cho đến giờ này, đã 10 năm, qua rà soát toàn bộ thì khu vực Đắk P’Lao đang còn thiếu hơn 200 ha đất sản xuất của người dân. Việc bố trí đất sản xuất là một trong những vấn đề trăn trở nhất ở địa phương những năm qua”.

Làng thanh niên hoang vắng

Làng thanh niên lập nghiệp biên giới xã Quảng Trực (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) cũng rơi vào tình trạng hoang tàn, lạnh lẽo với vài căn nhà gỗ xiêu vẹo, cửa đóng im lìm. Khu vực từng được xem là “trụ sở” của khu làng, giờ cũng đã bỏ hoang.

Ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, hiện tại cũng chỉ có 20 hộ gia đình thuộc diện được bố trí đến sinh sống. Số còn lại khoảng 30 gia đình là những người ở nơi khác đến.

“Nếu nói về những đánh giá của địa phương thì Dự án Làng thanh niên lập nghiệp là không thành công”, ông Quân cho biết.

Nghịch lý đau lòng tại các dự án ổn định dân cư ở Đắk Nông - 3
Dự án nước sạch tại một trong các khu tái định cư nằm bỏ không, hư hỏng

Về nguyên nhân dự án thất bại, theo ông Quân là do triển khai chưa đồng bộ về đầu tư xây dựng hạ tầng, bố trí đất đai sản xuất, tạo kế sinh nhai... nên khó thu hút được các hộ gia đình đến sinh sống, lập nghiệp.

Ngày 31/10/2006, Trung ương Đoàn đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Làng thanh niên lập nghiệp tại xã Quảng Trực, với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng.

Dự án do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư, với mục tiêu bố trí nơi ở cho 150 hộ gia đình thanh niên. Nếu vào sinh sống tại Làng thanh niên này, mỗi hộ gia đình sẽ được cấp 400 m2 đất ở, 600 m2 đất vườn và 2 ha đất sản xuất nông nghiệp, cùng 31 triệu đồng để làm nhà ở, đào giếng nước và khai hoang.

Ngày 22/12/2012, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao hơn 1.170 ha đất tại tiểu khu 1451, xã Quảng Trực cho Tỉnh đoàn sử dụng vào mục đích xây dựng dự án. Từ đó đến nay, dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng một số hạng mục hạ tầng như: Hồ thủy lợi 7 ha; 0,5 km đường nhựa; 2,5 km đường đất; 9 giếng khoan; 80 bồn chứa nước; vườn ươm cây giống 0,2 ha…

Nghịch lý đau lòng tại các dự án ổn định dân cư ở Đắk Nông - 4
“Trụ sở” của Làng thanh niên lập nghiệp hiện giờ cỏ mọc um tùm, bỏ hoang

Thế nhưng, cho đến nay, đất đai trong vùng dự án đã bị người dân địa phương xâm chiếm, mua bán; đối tượng thụ hưởng dự án tham gia ít… nên dự án được điều chỉnh bố trí từ 150 hộ xuống 80 hộ. Trong số này chỉ có 20 hộ là thanh niên làm nòng cốt, còn lại 60 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Đến ngày 6/3/2017, dự án được bàn giao về cho địa phương quản lý. Đến ngày 20/4/2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 609/QĐ-UBND về việc thu hồi hơn 1.170 ha đất thuộc dự án làng TNLN biên giới xã Quảng Trực để giao về cho UBND huyện Tuy Đức quản lý, bố trí sử dụng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.