Nghệ An: Địa phương bán đất trái thẩm quyền, “tội nợ” người dân lĩnh đủ
(Dân trí) - Người dân mua đất và sống ổn định từ 1,2 thập kỷ nay, và hàng năm hoàn thành các nghĩa vụ thuế cho nhà nước…Nhưng trớ trêu ở chỗ, nguyện vọng chính đáng và bức thiết của họ mong được cầm tấm bìa quyền sử dụng đất của chính mình thì …đó đang là ước mơ xa xôi.
Liệu người dân…. có thể xây nhà trên giấy?
Việc bán đất trái thẩm quyền của địa phương qua các thời kỳ với nhiều lý do khác nhau khiến hàng trăm hộ dân đã hàng chục năm nay vẫn chưa cầm được tấm sổ đỏ (GCNQSDĐ) trong tay, thậm chí những hộ đã mua đất chỉ có giấy tờ nhưng không có đất, thực trạng đó đang xảy ra ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Hành trình đi đòi đất của các hộ dân xã Tây Thành.
Trước đây, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, là một vùng đất đồi núi hoang vu bao quanh rậm rạp, người dân nơi đây khai hoang mở rộng diện tích đất ở và tăng gia sản xuất. Cũng từ đó, chính quyền địa phương luôn có những chính sách vận động nhân dân mua đất làm nhà và phát triển kinh tế.
Năm 1999, thực hiện đề án của Chính phủ, xã Tây Thành được tách ra từ xã Quang Thành. Cho đến nay, toàn xã Tây Thành đã có 1500 hộ dân và hơn 8.000 nhân khẩu. Dù đã thành 1 đơn vị địa phương độc lập, nhưng việc bán đất trái thẩm quyền từ trước khi chia tách xã đã khiến cho trăm hộ gia đình của xã Tây Thành chưa nhận được GCNQSDĐ, chính quyền lúng túng trong cách xử lý còn dư luận người dân thì bất bình.
Ông Nguyễn Hữu Trâm, 50 tuổi, trú xóm Trung Tâm, xã Tây Thành có mua 120m² đất ở gần khu chợ Láng, làm thủ tục nghĩa vụ với Nhà nước đầy đủ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bìa. Ông Trâm cho biết: “Xã gọi tôi lên 2,3 lần, đóng các khoản lệ phí đầy đủ và được anh Lê Văn Lam - cán bộ địa chính - thu hồ sơ nói là để nạp lên huyện nhưng đến tận giờ khi tôi hỏi thì anh Lam nói chưa thấy huyện có ý kiến chi cả”.
Trường hợp anh Nguyễn Công Chín, 59 tuổi, ở xóm Thành Sơn, xã Tây Thành cũng tương tự. Ngày 10/02/2003, sau khi nạp 6 triệu đồng mua đất, anh được UBND xã Tây Thành giao đất ở với diện tích 500m².
Nhưng năm 2012, xã có đợt đo đạc lại đất, anh phát hiện số diện tích của mình đã mua thiếu khoảng 87m². Anh Chín khẳng định phần đất của mình bị “lấn chiếm” bởi hàng tường rào của ông Mai Văn Mười (nguyên chủ tịch UBND xã Tây Thành) cùng với đó là số diện tích bị đường nội đồng lấn vào. Các hóa đơn, chứng từ liên quan đến phần đất ở đã được anh Chín nạp cho cán bộ địa chính xã để làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng sự việc cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.
Thông tin mà chúng tôi tiếp nhận được, ngoài những trường hợp cụ thể nêu trên, tại địa bàn xã Tây Thành, gần trăm hộ dân sinh sống chủ yếu dọc tuyến đường Dinh - Lạt (nối từ thị trấn Yên Thành lên các xã của huyện Đô Lương và huyện Tân Kỳ) đã được chính quyền xã này bán đất rải rác qua nhiều năm. Dù các hộ dân đã nạp tiền đầy đủ và nhận được văn bản giao đất nhưng cho đến nay họ vẫn chưa có bìa đỏ phần đất của gia đình mình. Tiếp cận với PV, nhiều người dân tỏ ra rất bức xúc.
Tại các buổi gặp gỡ, làm việc với PV Dân trí, hầu hết các hộ dân phản ánh và cho biết: Hiện xã đã thu hết giấy tờ mua bán đất và hứa sẽ làm GCNQSDĐ nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy gì dù thời gian đã trải qua nhiều năm, nhiều lần… Thế nhưng khi mọi người gặp chính quyền hỏi bìa đỏ của mình nhưng chỉ nhận được câu trả lời chưa thỏa đáng hoặc phải chờ một thời gian nữa.
“Treo” đến bao giờ?
Sau đó, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Tây Thành. Tại UBND xã Tây Thành, tiếp xúc với các cán bộ phụ trách, chúng tôi nhận được những lời giải thích về hiện trạng và lý do tồn đọng việc cấp GCNQSDĐ.
Ông Phan Đức Thường - Chủ tịch UBND xã Tây Thành cho biết: “Toàn xã có 162 hộ có đất tồn đọng nhưng đã giải quyết được 47 hộ, hồ sơ của các hộ khác đã được chuyển lên huyện. Nhưng việc giải quyết đất đai ở địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ, phối hợp của cấp trên”. Rồi ông Thường giới thiệu chúng tôi làm việc với ông Lê Văn Lam - cán bộ địa chính xã Tây Thành.
Trao đổi với PV, Ông Lê Văn Lam giải thích: “Việc không làm được sổ đỏ được cho người dân là do nhiều lý do khác nhau, như trong phiếu thu và văn bản giao đất ghi là đất “quán” (đất dịch vụ - PV). Hoặc không có biên bản giao đất xác định diện tích là bao nhiêu cùng với đó là các thửa đất không thể hiện trên bản đồ 299 (bản đồ 299 được thông qua bởi Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất) - tức là trước thời điểm bán đất của địa phương thì làm sao mà thể hiện được các thửa đất. Rồi huyện Yên Thành yêu cầu đối chiếu sổ quỹ của xã giai đoạn 1993 - 1994, nhưng khi chúng tôi tìm lại thì sổ không còn nữa…”.
Có lẽ một người làm cán bộ địa chính lâu năm như ông Lam thừa biết rằng bản đồ 299 có trước thời điểm cắt đất bán cho dân gần cả chục năm trời. Nên việc các thửa đất thể hiện trên bản đồ 299 là điều không thể. Vậy tại sao ông Lam lại trả lời như thế? Câu hỏi này may chăng chỉ có mình ông Lam mới biết được?!
Ông Lam cũng khẳng định về trách nhiệm của chính quyền: “Việc bán đất ở thời điểm đó, khoảng thời gian những năm 1993, 1994 trở về sau của địa phương là trái thẩm quyền. Số tiền thu được lại dùng vào việc xây dựng một số công trình của địa phương mà không nạp vào ngân sách của huyện Yên Thành. Đó là những lý do khiến địa phương không có cơ sở để giải trình cho cấp huyện về việc hoàn thiện các thủ tục cho người dân”.
Vì việc làm trái thẩm quyền của cấp xã, cộng với chuyên môn trình độ của cán bộ yếu kém không xác định diện tích, ranh giới, việc bàn giao không có văn bản theo kiểu “cầm tay chỉ đất” khiến cho cả trăm hộ dân xã Tây Thành lâm vào cảnh không được thừa nhận trên mảnh đất của mình.
Thời gian càng trôi đi, dư luận nhân dân càng trở nên bức xúc. Đi khiếu kiện khắp nơi, khiếu kiện vượt cấp, đây là hệ luỵ của lối làm việc tắc trách của chính quyền xã Tây Thành?. Trên đây chỉ là một trong rất nhiều điều tréo ngoe ở xã Tây Thành.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nhóm PV