Bài 8:
“Áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất huyện là cách làm trái luật và phi thực tế”
(Dân trí) - Chỉ dựa vào thời điểm xây dựng nhà của bà Lích là năm 1995 và “Phiếu chuyển thông tin địa” để tính tiền sử dụng đất đối với bà Lích trong trường hợp này là không thỏa đáng mà phải căn cứ vào thời điểm bà Lích sử dụng đất ổn định từ năm 1986.
Đó là khẳng định của luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Trước đó, Chi cục thuế huyện Đức Trọng đã có báo cáo giải trình gửi Cục thuế tỉnh Lâm Đồng về việc áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất của bà Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), trong đó nêu những căn cứ thu 5,7 tỷ đồng tiền sử dụng 253m2 đất đối với bà Lích. Theo giải trình của Chi cục thuế huyện Đức Trọng, từ việc đối chiếu với các hồ sơ do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện chuyển xuống và các căn cứ pháp lý nêu trên thì với diện tích 253m2 đất ở đô thị tại số 93 đường Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng là diện tích vượt hạn mức và làm nhà ở sau ngày 15/10/1993. Từ các căn cứ nêu trên và thông tin do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện cung cấp thì trường hợp của bà Đàm Thị Lích thuộc đối tượng phải nộp quyền sử dụng đất. Chi Cục thuế đã xác định nghĩa vụ tài chính và ban hành thông báo về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện theo quy định.
Để rộng đường dư luận, PV Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM xoay quanh các vấn đề nêu trong báo cáo giải trình của Chi cục thuế Đức Trọng có hợp lý, đúng với quy định và có thỏa đáng? Trong báo cáo giải trình đó, chi cục thuế huyện Đức Trọng căn cứ và các giấy tờ xác minh của UBND thị trấn Liên Nghĩa để xác định nguồn gốc sử dụng đất của Bà Lích là sau 15/10/1993 nên phải đóng thuế? vậy có hợp lý? Bên cạnh đó, báo cáo giải trình của Chi Cục thuế huyện Đức Trọng có nêu việc gia đình bà Lích ko đến khiếu nại, phản ánh...về việc ra quyết định áp thuế 5,7 tỷ đồng ngay tại cơ quan quan thế….
Luật sư Hồ Nguyên Lễ phân tích, trong văn bản báo cáo của Chi cục thuế huyện Đức Trọng, đơn vị này cho rằng thành phần hồ sơ của bà Lích không có quyết định giao đất, không thể hiện là đất ở đô thị hay đất sản xuất nông nghiệp, và theo kê khai thực tế của gia đình bà Đàm Thị Lích thửa đất trên được xây dựng nhà ở và sử dụng ổn định từ năm 1995… (mục 4.1). Do đó có thể, cơ quan thuế xác định thời điểm sử dụng đất của gia đình bà Lích là sau 15/10/1993 để tính thuế đất. Điều này là chưa hợp lý. Bởi: Căn cứ Quyết định số 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993 và Quyết định số 477/QĐ-UB ngày 30/7/2001 của UBND huyện Đức Trọng thì có cơ sở xác định gia đình ông Lan, bà Lích đã được UBND thị trấn Liên Nghĩa giao sử dụng 610 m2 đất thổ cư từ năm 1986. Tại tờ khai xác định mốc thời gian sử dụng đất được UBND thị trấn Liên Nghĩa xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của gia đình bà Lích là khai phá trước 1975, xây dựng nhà năm 1995.
Như vậy, về mặt thời gian, chính UBND thị trấn Liên Nghĩa đã xác định gia đình bà Lích sử dụng đất từ năm 1975. Về mặt giấy tờ thể hiện quyền được sử dụng đất từ trước 15/10/1993, bà Lích đã cung cấp được Quyết định số 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993. Tuy quyết định này được ban hành sau ngày 15/10/1993 và chưa phải là quyết định giao đất nhưng văn bản này chính là giấy tờ khẳng định gia đình bà Lích có quyền được sử dụng 610 m2 đất thổ cư do nhà nước giao từ năm 1986 (tức là trước ngày 15/10/1993).
Theo đó, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật đất đai 2003 thì gia đình bà Lích thuộc diện hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định và có giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai nên thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Mặt khác, tại khoản 4 Điều 50 Luật đất đai 2003 cũng qui định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Việc Chi cục thuế huyện Đức Trọng chỉ dựa vào thời điểm xây dựng nhà của gia đình bà Lích là năm 1995 và căn cứ phần III Phiếu chuyển thông tin địa chính ghi: “Đối tượng không phải nộp tiền sử dụng đất: không có” để tính tiền sử dụng đất đối với bà Lích trong trường hợp này là không thỏa đáng bởi không thể chỉ căn cứ vào thời điểm gia đình bà Lích xây nhà mà phải căn cứ vào thời điểm gia đình bà Lích sử dụng đất.
Riêng nội dung tại mục 4.3 của Công văn số 1843/CV-CCT của Chi cục thuế huyện Đức Trọng nêu: Tính từ khi Chi Cục thuế chuyển Thông báo nộp tiền sử dụng đất cho Văn phòng ĐKQSDĐ để giao cho bà Đàm Thị Lích đến nay bà Lích chưa liên hệ làm việc hay có đơn đề nghị, khiếu nại đến cơ quan Thuế. Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng: “Theo tôi Chi Cục thuế nại ra lý do trên chỉ nhằm là để giải trình/báo cáo với cấp trên”.
Luật sư Lễ phân tích thêm, việc bà Lích chỉ khiếu nại đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đức Trọng mà không khiếu nại đến Chi Cục Thuế huyện cũng không có gì sai sót, bởi khá dễ hiểu; Bà Lích nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nộp đến Văn phòng ĐKQSDĐ thuộc Phòng TN&MT huyện và cơ quan này chuyển thông tin đến cơ quan Thuế theo quy trình một cửa liên thông. Bà Lích nhận Thông báo nộp tiền sử dụng đất cũng là từ Văn phòng ĐKQSDĐ thuộc Phòng TN&MT huyện nên bà chỉ biết và khiếu nại đến cơ quan này. Hơn nữa, nguyên nhân dẫn đến việc tính nhầm tiền sử dụng đất đối với bà Lích có thể do bộ phận tham mưu của Phòng TN&MT huyện khi xác định nguồn gốc sử dụng đất của gia đình bà Lích từ ngày 18/12/1993 theo Quyết định số 419/QĐ-UB ngày 18/12/1993 của UBND huyện Đức Trọng về việc giải quyết đơn khiếu nại; và theo tờ xác định mốc thời gian sử dụng đất ngày 23/11/2012 được UBND thị trấn Liên Nghĩa xác nhận. Vì vậy, bà Lích khiếu nại đến Phòng TN&MT và các cơ quan hữu quan là phù hợp.
Trường hợp khiếu nại của bà Lích được giải quyết, cơ quan có thẩm quyền xác định bà Lích thuộc đối tượng không phải nộp tiền sử dụng đất thì hệ quả là Thông báo nộp tiền sử dụng đất ngày 20/02/2013 của Chi Cục Thuế huyện Đức Trọng cũng không còn giá trị thực hiện. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu, bà Lích có đơn phản ánh đến cơ quan Thuế thì chắc chắn cơ hội được cơ quan Thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cho bà Lích sẽ nhanh hơn và đảm bảo khách quan, đúng qui định pháp luật.
“Việc xác nghĩa vụ đóng thuế phải đúng pháp luật nhưng bên cạnh đó cũng phải suy nghĩ thêm rằng: Nếu khi số tiền thuế đất phải nộp còn nhiều hơn mấy lần số tiền mà người dân bán miếng đất đó thì vậy có khuyến khích người dân đóng thuế để cầm được “sổ đỏ” thì có lợi ích gì không? Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền đang trong thời gian điều tra, xem xét lại toàn bộ hồ sơ sử dụng đất của bà Lích, do đó Công văn báo cáo của Chi Cục Thuế huyện Đức Trọng chưa phải là kết quả trả lời chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Với những thông tin Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng quan tâm đến vụ việc của bà Lích và trả lời Báo Dân trí gần đây tôi rất có lòng tin rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ sớm làm rõ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình bà Lích” – Luật sư Lễ chia sẻ.
Trung Kiên