Nâng cao văn hóa giao thông cho đội ngũ lái, phụ xe

(Dân trí) - Từ vụ tai nạn thảm khốc bên bờ sông Lam ở Hà Tĩnh làm 20 người chết ngày 18/10, cần đặt ra vấn đề nâng cao văn hoá giao thông cho đội ngũ lái, phụ xe.

Tác giả Nguyễn Văn Hải trong bài viết trên Diễn đàn Dân trí ngày 22/10 nêu câu hỏi về trách nhiệm của CSGT, của lái xe và vấn đề nâng cấp QL1A. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của tác giả, song thiết nghĩ cần xem xét đầy đủ hơn về trách nhiệm của tài xế.

Tài xế là người chịu trách nhiệm cao nhất về an toàn cho hành khách trên xe. Bởi vì cho dù sự quản lí của các cơ quan chức năng có chặt chẽ đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể kiểm soát hết hành vi của mọi tài xế. Không sự bảo vệ nào tốt bằng hành vi tự bảo vệ. CGST không thể theo dõi tất cả tài xế trên mọi nẻo đường, mọi lúc, vì vậy, ý thức, trách nhiệm của tài xế đóng vai trò quyết định đối với việc đảm bảo an toàn giao thông.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong vụ tai nạn thương tâm ngày 18/10, theo ý kiến của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh thì tài xế đã cố tình vượt rào chắn, gây nên tai nạn. Cho dù các cơ quan chức năng không lập rào chắn, thì với kinh nghiệm và sự thận trọng cần thiết, đặc biệt là với trọng trách nắm bảo đảm an toàn cho mấy chục con người, tài xế đã không thể liều lĩnh đến như vậy. Hoàn cảnh lúc bấy giờ có nhiều lựa chọn an toàn: dừng xe chờ trời sáng, hoặc đi đường vòng theo QL 8B, chỉ xa hơn vài cây số so với đi theo QL 1A.

Do đó, trách nhiệm của tài xế trong vụ tai nạn này là không thể biện hộ. Hiện nay cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam tài xế Trần Văn Trường. Cho dù tài xế bị trừng phạt ở mức độ nào, thì hậu quả cũng không thể khắc phục được.

Từ vụ việc, chúng tôi thiết nghĩ cần xem lại văn hoá giao thông của đội ngũ lái, phụ xe khách hiện nay. Tài xế xe khách là người được đào tạo rất bài bản, đảm nhận trọng trách bảo vệ an toàn cho sinh mệnh hành khách. Để trở thành một tài xế xe khách đường dài đòi hỏi cá nhân hội tụ nhiều yếu tố như sức khoẻ, sự dẻo dai, phản ứng nhanh nhạy, điềm tĩnh, kinh nghiệm dày dặn và kĩ thuật điêu luyện. Quan trọng là ý thức chấp hành luật giao thông, văn hoá giao thông của mỗi người.

Hiện nay, hầu hết những lái xe, phụ xe đều không tốt nghiệp trung học nghề, một số chỉ học hết THCS hay Tiểu học. Không ít lái, phụ xe sử dụng ma tuý, hoặc điều khiển xe sau khi đã uống bia rượu. Một số tài xế xuất thân từ thành phần bất hảo, đạo đức, tư cách “có vấn đề”. Một số người không được đào tạo bài bản, bằng lái xe không đạt chuẩn, hoặc sử dụng bằng giả. Một số phụ xe lâu năm cũng có thể cầm vô lăng, mặc dù không có bằng lái.

Ý thức chấp hành luật giao thông, văn hoá giao thông của đội ngũ lái, phụ xe cũng còn nhiều bất cập. Là người đi đường, hầu như ai cũng đã từng khiếp đảm khi thấy những chiếc xe khách bóp còi inh ỏi, vượt ẩu và phóng với tốc độ kinh hồn. Đã có không ít vụ tai nạn khủng khiếp do lái xe phóng nhanh, chen lấn giành khách hoặc ngủ gật.

Xe khách nhiều xe chất lượng không đảm bảo nhưng vẫn lưu hành, phụ xe nhoài người ra khỏi xe để xin đường, dẹp đường. Xe dừng đỗ tuỳ tiện, nhiều khi không bật đèn xi-nhan. Không ít xe nhồi nhét khách. Phụ xe đối xử thô lỗ, quát mắng, đe doạ, đánh đập khách khi không vừa ý.

Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để nâng cao văn hoá giao thông cho đội ngũ lái, phụ xe. Trước hết, cần siết chặt khâu tuyển chọn, đào tạo, cấp bằng, chống hiện tượng dùng giấy phép lái xe giả. Cần tổ chức tốt  việc sát hạch, cấp lại bằng theo định kì. Trong chương trình đào tạo lái xe cần bổ sung thêm về nội dung văn hoá giao thông. 

Đẩy mạnh việc phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến đối tượng này. Xử lí nghiêm những hiện tượng vi phạm luật, tích cực phòng tránh những nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến đội ngũ lái, phụ xe. Cần có quy định cấm lái xe vĩnh viễn đối với một số đối tượng.

Có thể hình thành các trạm CSGT túc trực 24/24 ở các tỉnh thành, thiết lập đội phản ứng nhanh, lập đường dây nóng buộc các chủ xe khách phải dán trong xe để hành khách liên lạc khi cần. Tăng cường tuần tra, kiểm soát.

Nên tính đến phương án áp dụng các biện pháp kĩ thuật-công nghệ cao để quản lí các phương tiện ô tô nói chung và xe khách nói riêng. Ví dụ gắn chíp điện tử và thiết lập hệ thống quản lí bằng công nghệ cao. Tính toán khoa học để đề ra quy định tần suất chạy tối đa cho từng tuyến, chống hiện tượng xe chạy quá nhanh để tăng chuyến. Ví dụ, quy định mỗi tháng mỗi xe khách chạy tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh không được chạy quá 5 chuyến chẳng hạn.  

Giao thông luôn là vấn đề nóng của quốc gia, nhất là trong những tháng mùa mưa bão. Tháng ATGT năm nay, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã xác định chủ đề “Văn hoá giao thông vì sự an toàn của Thanh, thiếu nhi và cộng đồng”. Một khi văn hoá giao thông của cộng đồng được nâng cao, tai nạn giao thông sẽ bị đẩy lùi.     

 

Trần Quang Đại

                                                         Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Nội dung bài viết trên đây đề cập một vấn đề thật đáng quan tâm về an toàn giao thông, đó là việc nâng cao ý thức trách nhiệm của lái, phụ xe đối với hành khách. Nhiều tai nạn thương tâm diễn ra gần đây chủ yếu do sự thiếu thận trọng của lái xe, coi thường tính mệnh hành khách cũng như các đối tượng tham gia giao thông nói chung. Điều đó cho thấy những thiếu sót nghiêm trọng trong việc đào tạo cũng như cấp bằng lái xe khách cho những người không đạt chuẩn về đạo đức cũng như ý thức trách nhiệm và thái độ ứng xử.

 

Đề nghị ngành giao thông và công an nên kịp thời chấn chỉnh cách đào tạo và cấp bằng lái xe ô tô nói chung và đặc biệt là lái xe khách cũng như quản lý xe khách nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách đi xe, nhất là trong mùa mưa lũ đang diễn ra khốc liệt ở nhiều vùng nước ta.