Một sự việc, 2 bản án khiến người dân hoang mang tại Sóc Trăng!
(Dân trí) - Một vụ tai nạn lao động do một người thợ học việc gây ra khiến một người học việc khác bị bỏng nặng. Điều đáng nói, cùng một sự việc nhưng lại có 2 bản án hình sự và dân sự khiến người trong cuộc hoang mang, lo lắng vì không biết đúng sai ra sao.
Theo trình bày của anh Nguyễn Văn Bằng (SN 1982, ngụ ấp Tân Thắng, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng): Anh Bằng và Bùi Xuân Em (SN 1994, ngụ cùng địa phương) được ông Nguyễn Thanh Vũ (SN 1977, ngụ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, là chủ cơ sở đóng tàu Thanh Vũ) thuê tiến hành đóng mới sà lan bằng sắt tại cửa hàng của ông Vũ.
Ngày 21/9/2016, Bằng thực hiện công việc hàn cắt gió đá, còn Em sơn sà lan. Vào khoảng 11h cùng ngày, Em sơn xong phần hầm của sà lan và bước lên thì Bằng thấy Em nên không hàn cắt nữa. Sau vài phút, cho rằng Em đã bước lên khỏi miệng hầm sà lan nên Bằng tiếp tục hàn khiến cho lửa từ mũi hàn văng ra, rớt xuống miệng hầm sà lan, trúng vào một thùng nước sơn gây cháy, khiến Em bị bỏng tỉ lệ 51%.
Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan CSĐT Công an thị xã Ngã Năm đã tiến hành điều tra vụ việc theo quy định của pháp luật.
Ngày 9/4/2018, TAND thị xã Ngã Năm mở phiên tòa hình sự sơ thẩm và tuyên Nguyễn Văn Bằng phạm tội “Vô ý gây thương tích”, xử phạt Bằng số tiền 10 triệu đồng. Về trách nhiệm dân sự, buộc ông Nguyễn Thanh Vũ có trách nhiệm bồi thường cho bị hại Bùi Xuân Em số tiền hơn 156,6 triệu đồng.
Bản án sơ thẩm bị ông Nguyễn Thanh Vũ kháng cáo yêu cầu xem xét nguyên nhân dẫn đến hậu quả và lỗi có phải của ông không, đồng thời yêu cầu không buộc ông bồi thường cho bị hại Bùi Xuân Em.
Ngày 13/6/2018, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Thanh Vũ, tuyên y án sơ thẩm.
Theo nhận định của tòa phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Văn Bằng là người làm công cho ông Nguyễn Thanh Vũ, mặc dù 2 bên không có hợp đồng bằng văn bản rõ ràng nhưng bị cáo đã được ông Vũ thuê làm việc thường xuyên, ông Vũ trả tiền công cho bị cáo hằng ngày. Ông Vũ biết rõ bị cáo không có bằng cấp cũng như không được đào tạo trong việc hàn tiện nhưng vẫn giao cho bị cáo thực hiện công việc dẫn tới (tai nạn) bị hại (Bùi Xuân Em) bị tổn hại sức khỏe thương tật 51%. Đồng thời, khi thỏa thuận công việc giữa ông Vũ và bị cáo Bằng đối với công việc hàn cắt trên tàu ngày 21/9/2016 không rõ ràng dẫn đến bị cáo hiểu là bị cáo có nghĩa vụ làm tất cả các việc trên tàu.
Tại tòa, ông Vũ khai Bằng và Em là người làm công và ông là người đang dạy việc cho 2 người này, nhưng xảy ra tai nạn do Bằng và Em không làm đúng công việc mà ông yêu cầu. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng công việc hàn cắt trên tàu được thực hiện theo bản vẽ thiết kế nhưng ông Vũ không đưa bản vẽ cho bị cáo xem. Do đó, ông Vũ là người có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 622 Bộ Luật Dân sự 2005.
Sau khi bị tòa phúc thẩm tuyên không chấp nhận kháng cáo của mình, ông Vũ đã nộp hồ sơ đến TAND huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) khởi kiện bị cáo Nguyễn Văn Bằng, yêu cầu tòa buộc Bằng phải có trách nhiệm thanh toán lại cho ông số tiền hơn 165,6 triệu đồng.
Ngày 26/10/2018, TAND huyện Thạnh Trị đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm và tuyên buộc Nguyễn Văn Bằng bồi thường thiệt hại tổng cộng hơn 165,6 triệu đồng cho ông Vũ. Ngoài ra, Bằng còn phải chịu án phí với số tiền hơn 8,2 triệu đồng.
Theo nhận định của TAND huyện Thạnh Trị: Nguyễn Văn Bằng là người làm công cho ông Vũ, việc làm hàng ngày của Bằng là do ông Vũ phân công. Ngày 21/9/2016, Bằng tự ý cắt sắt để hàn, không được ông Vũ phân công, gây tai nạn cho Bùi Xuân Em, nên đây là lỗi của Bằng, vì thế Bằng phải bồi thường thiệt hại cho ông Vũ.
Anh Nguyễn Văn Bằng cho biết: “Tôi là người làm công, đang được ông Vũ dạy nghề. Ông Vũ biết rõ tôi không biết chữ, không có bằng cấp cũng như không được đào tạo trong việc hàn tiện nhưng vẫn giao cho tôi thực hiện công việc dẫn tới tai nạn. Hơn nữa, là người làm công, được giao hàn cắt trên tàu thì tôi nghĩ mình phải làm tất cả các việc trên tàu. Tại tòa, ông Vũ thừa nhận công việc hàn cắt trên tàu được thực hiện theo bản vẽ thiết kế nhưng ông Vũ không đưa bản vẽ cho tôi xem nên tôi không biết thế nào, chỉ làm theo thói quen mà thôi. Tòa xử buộc tôi phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại cho ông Vũ khiến tôi và nhiều người hoang mang. Chẳng lẽ ông Vũ không có trách nhiệm gì trong vụ tai nạn này hay sao ?”.
Theo ông Hồ Chí Bửu (nguyên thẩm phán TAND tỉnh Sóc Trăng): “Cùng một sự việc nhưng vừa có nội dung hình sự vừa có nội dung dân sự. Phần hình sự được TAND thị xã Ngã Năm xử sơ thẩm và TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm. Ở đây, về trách nhiệm dân sự, tòa buộc ông Vũ có trách nhiệm bồi thường cho bị hại Bùi Xuân Em theo quy định tại Điều 622 Bộ Luật Dân sự 2005.
Việc ông Vũ khởi kiện ông Bằng cũng đúng vì tại điều 622 còn quy định “cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Nếu ông Bằng không đồng ý thì có quyền kháng cáo đến tòa phúc thẩm để được xem xét”.
Bạch Dương