Bạn đọc viết:
Một số vấn đề cần tháo gỡ để phát huy hiệu quả Luật Đất đai 2024
(Dân trí) - Cần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ TNMT vì đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về đất đai rất khó được giải quyết, gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, sử dụng đất không đúng mục đích...
Hiện nay, các cơ quan, tổ chức liên quan đang khẩn trương triển khai các nội dung công việc để đưa Luật Đất đai năm 2024 (sau đây gọi là Luật) sớm đi vào thực tiễn cuộc sống ngay khi có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Tuy vậy, để Luật phát huy hiệu quả trong thực tiễn, có tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả thì theo tôi các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan; đồng thời có các giải pháp hiệu quả, quyết liệt nhằm đảm bảo Luật sát với thực tế xã hội, bắt kịp hơi thở của cuộc sống.
Trước hết, các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2024 với các đạo luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng, Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... cũng như các ngành liên quan khác.
Ví dụ, liên quan đến quy hoạch: Về nguyên tắc, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng phải có sự thống nhất cả về không gian, thời gian, phù hợp mục đích sử dụng đất và hỗ trợ nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại quy hoạch. Tuy nhiên, chưa có quy định về mối liên quan giữa việc thực hiện của 02 loại quy hoạch.
Công tác lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có những điểm khác biệt nhau gây khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện, cụ thể: Thời gian: Kỳ quy hoạch không thống nhất, đối với kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm còn quy hoạch xây dựng có nhiều kỳ gồm 5 năm, 10 năm, 20 năm và dài hơn tùy theo từng tỷ lệ lập quy hoạch...
Bên cạnh đó, trong giao, cho thuê và sử dụng đất: công tác giao đất, cho thuê đất vào mục đích chuyên dùng và đất ở tại các địa phương còn một số tồn tại và bất cập, còn xảy ra tình trạng nhiều công trình sử dụng đất không đúng mục đích so với quyết định giao đất, cho thuê đất gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung cũng như nhiều bất cập khác.
Nhiều trường hợp trước đây giao đất để xây dựng công trình khi chưa có quy hoạch tổng thể hay kế hoạch sử dụng đất dẫn đến không bảo đảm điều kiện kết cấu hạ tầng cũng như các điều kiện về vệ sinh môi trường; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Việc sử dụng đất cũng có nhiều sai phạm, như: sử dụng không đúng mục đích được giao; sai diện tích, vị trí; không đúng tiến độ; không sử dụng đất hoặc bỏ hoang...
Do đó, cần phải có sự thống kê, rà soát, phân loại để xử lý từng trường hợp, vì có sự khác biệt giữa Luật mới và cũ nếu không xử lý triệt để, rốt ráo sẽ rất khó cho việc triển khai các trường hợp tồn đọng về sau.
Ngoài ra, hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là vấn đề bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, Luật mới đã có quy định về tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan nên sẽ rất khó triển khai khi luật có hiệu lực.
Vì vậy, cần sớm ban hành quy trình cụ thể để sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và đơn vị thiết kế, thi công chặt chẽ, hiệu quả nhằm giúp việc triển khai các dự án được đẩy nhanh sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Cùng với đó, cần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ tài nguyên và môi trường, nhất là cán bộ ở cơ sở, cán bộ ở vùng sâu, vùng xa. Quan tâm tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này. Bởi vì, sự yếu kém của đội ngũ này nếu không sớm được củng cố, nâng cao trình độ năng lực, đáp ứng yêu cầu mới thì sẽ ảnh hưởng đến việc đưa Luật vào thực tế cuộc sống.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về đất đai rất khó được giải quyết, gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, đặc biệt trong giao, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; sử dụng đất không đúng mục đích.
Theo tôi, đây là những vấn đề cần tập trung triển khai, tháo gỡ ngay khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành, bởi càng để lâu càng phức tạp, khó giải quyết hơn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, là sớm thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCHTW Đảng tại Hội nghị lần thứ V (khóa XIII) về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"./.
Luật gia Phạm Văn Chung