Môn Ngữ văn đạt chất lượng thấp là do đâu?

Là một GV Ngữ văn, đọc bài “Nguyên nhân cội nguồn làm giảm chất lượng môn Ngữ văn” của thầy Đinh Xuân Lộc trên Diễn đàn Dân trí ngày 3/10, xin phép được trao đổi cùng tác giả đôi điều.

Có đúng là lỗi tại chương trình, SGK…?

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com

Thầy Đinh Xuân Lộc đã phân tích một số nguyên nhân khiến cho chất lượng dạy học môn Ngữ văn trong trường phổ thông chưa được nâng cao đúng mức. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy một số ý kiến của thầy chưa thực sự chính xác.

 

Thầy Đinh Xuân Lộc viết: “Chương trình môn Ngữ văn (bao gồm cả phân môn Văn và phân môn Tiếng Việt) được thiết kế cơ bản theo mô hình đồng tâm… Kiểu thiết kế chương trình như vậy làm cho học trò phải học lại những bài đã học từ các lớp dưới gây nhàm chán…”

 

Đúng là chương trình Ngữ văn phổ thông được thiết kế theo mô hình đồng tâm, nhưng đây không phải là mô hình duy nhất, mà còn kết hợp với mô hình tuyến tính, kế thừa và nâng cao. Nhiều đơn vị kiến thức chỉ được giới thiệu ở lớp học cao hơn. Ví dụ chỉ bậc THPT mới có các bài học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, “Phát biểu tự do”, “Giá trị văn học và tiếp nhận văn học”…

 

Mô hình thiết kế bài học đồng tâm ở môn Tiếng Việt và Tập làm văn có tác dụng giúp HS (học sinh) rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt thành thục, và mỗi bài học đều được thiết kế khác nhau.

 

Ở phân môn Ngữ văn, các tác giả SGK đã cố gắng để tránh hiện tượng lặp lại các bài học.

 

Chúng tôi đã xem xét chương trình THCS và THPT, không hề có hiện tượng trùng lặp các bài học. Tác phẩm lớn như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) thì mỗi cấp học những đoạn trích khác nhau, “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng học những bài thơ khác nhau.

 

Các tác phẩm văn học Việt Nam qua các thời kì, tác phẩm văn học nước ngoài không hề trùng lặp. Chỉ có duy nhất bài “Bình Ngô đại cáo” được học ở lớp 8 và lớp 10, nhưng ở lớp 8 chỉ là một đoạn trích rất ngắn, còn ở lớp 10 là toàn bộ tác phẩm.

 

Thầy Đinh Xuân Lộc viết “chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức dạy và học không bám sát đặc thù của bộ môn”, và “cách dạy và học thiên về nhồi nhét kiến thức, không chú ý thực hành, nhất là dạy và học phân môn Tiếng Việt như là dạy một môn khoa học…”, “không đặt…trong môi trường giao tiếp sống động của thực tiễn”.

 

Môn Ngữ văn thì “chưa quan tâm thích đáng đến việc chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp…”. Thầy Đinh Xuân Lộc cũng nhận thấy khả năng thực hành tiếng Việt, đặc biệt là kĩ năng nói của HS còn yếu, mặc dù môn Ngữ văn là môn học chính, có nhiều tiết học.   

Chúng tôi đã xem xét kĩ chương trình môn Ngữ văn của cấp THCS và THPT và nhận thấy SGK đã dành một thời lượng thích đáng, thậm chí là khá đậm đặc để rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt, tạo lập văn bản theo các yêu cầu khác nhau cho HS.

 

Giở tài liệu “Phân phối chương trình Ngữ văn THCS và THPT năm học 2008-2009”, chúng tôi thấy các bài thực hành, luyện tập khá dày đặc. Hầu như không có bài giới thiệu lý thuyết thuần túy, các đơn vị kiến thức được chuyển tải thông qua các bài tập hoặc các yêu cầu thực hành.

 

Kĩ năng nói cũng đã được chú trọng rèn luyện qua các bài “Luyện nói kể chuyện” (lớp 6), “Luyện tập kể chuyện tưởng tượng” (lớp 6), “Thi kể chuyện” (lớp 6), “Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả” (lớp 6), “Luyện nói về văn miêu tả” (lớp 6), “Phát biểu tự do” (lớp 12)…Và trong mỗi bài học, tiết học, kĩ năng nói của HS đều được rèn luyện qua các hoạt động trả lời bài cũ, thảo luận, phát biểu xây dựng bài…

 

Vì vậy, ý kiến “chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức dạy và học không bám sát đặc thù của bộ môn” là thiếu cơ sở. 

 

Việc HS ít chuẩn bị bài trước khi đến lớp chủ yếu xuất phát từ ý thức của các em, chứ không phải do chương trình, SGK và cách dạy không hợp lý.

 

Đâu là nguyên nhân?

 

Ai cũng nhận thấy rằng trong thời gian gần đây, chất lượng dạy học môn Ngữ văn có nhiều sa sút, kĩ năng sử dụng tiếng Việt, tạo lập văn bản của HS-SV còn nhiều bất cập, mặc dù đây là môn học chính, có nhiều tiết học.

 

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên? Theo chúng tôi, chủ yếu là do nhu cầu, ý thức của người học. 

 

Cách đây khoảng hơn chục năm về trước, cánh cửa các trường đại học còn rộng mở với khối C, nên khối C rất thịnh, học sinh học khối C nhiều hơn học các khối khác. Phong trào học môn Ngữ văn diễn ra sôi nổi, khí thế.

 

Gần đây, do nhu cầu nhân lực của nền kinh tế - xã hội đã thay đổi, nói chung là nghiêng hẳn về ban KHTN-KT, nên ban A-B “lên ngôi”, HS đổ xô đi học ban A, và các môn KHXH trở nên lép vế, dần dần trở thành môn phụ. Năm học 2009-2010, chỉ có 1,92% HS đăng kí vào ban KHXH.  

 

HS thường nói rằng chán học Văn do chương trình không phù hợp, cách dạy khô khan, áp đặt… chỉ là ngụy biện, đơn giản chỉ vì nó không còn là phương tiện giúp các em kiếm sống dễ dàng hơn!             

 

Ngay từ bậc Tiểu học, nhiều gia đình đã định hướng cho con em học Toán, Ngoại ngữ. Cha mẹ chỉ chú tâm đến kết quả học tập những môn khối A của con. Nhiều em được thầy cô chọn vào đội tuyển HS giỏi môn Văn bị cha mẹ ép buộc rời đội tuyển.                                 

 

Chương trình học quá tải (hiện HS THCS, THPT phải học đến 15 môn), áp lực thi vào đại học lớn nên xẩy ra hiện tượng học lệch. HS chỉ chú trọng các môn thi vào đại học, các môn khác đều coi là “môn phụ” và học theo kiểu đối phó, miễn sao đủ điểm hoặc không bị điểm quá kém là được.  

 

Cho dù chương trình, SGK, cách dạy có tốt đến mấy mà HS học theo kiểu đối phó thì kết quả cũng không thể khả quan. Vì vậy mới có hiện tượng sinh viên đại học vẫn viết sai chính tả, ngữ pháp, không thể tạo lập một văn bản thông thường.    

 

Và một hệ quả tất yếu đã xảy ra, học sinh không học, dẫn đến các thầy cô không thiết tha với việc dạy, không chăm chút trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp, lên lớp với tâm lí chán chường, mệt mỏi… nên ngày càng cùn mòn đi.       

 

Nguyên lí cơ bản của nghề dạy học là vì người học (chứ không phải vì người dạy), nên một khi người học đã không cần học, học đối phó thì động lực tốt đẹp, chân chính của người dạy đã bị triệt tiêu. 

 

Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục sẽ là một nguy cơ của giáo dục.

 

Trần Quang Đại

(Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Ngữ văn là môn học chính yếu trong nhà trường phổ thông, nhằm trau dồi kiến thức văn học cũng như rèn luyên kỹ năng nói và viết cho học sinh; ngoài ra còn góp phần hình thành nhân cách, đạo đức và nuôi dưỡng tâm hồn, ý thức dân tộc cho học sinh. Điều đáng lo lắng là môn học quan trọng này trong những năm gần đây ngày càng suy giảm chất lượng đến mức đáng báo động.

 

Đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nói trên ? Đây là chủ đề cần được  trao đổi thảo luận với cái nhìn trên nhiều bình diện khác nhau để đi tới những nguyên nhân đích thực, cả về phía chủ quan và khách quan. Chỉ trên cơ sở xác định đầy đủ và toàn diện các nguyên nhân, chúng ta mới có thể tìm ra giải pháp đồng bộ để nâng cao  hiệu quả dạy và học môn ngữ văn.

 

Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh ý kiến đóng góp của tác giả viết bài trên đây và mong tiếp tục nhận được những bài viết tham gia thảo luận về chủ đề này.