Nguyên nhân cội nguồn làm giảm chất lượng môn Ngữ văn

Một môn học chiếm thời lượng lớn nhất trong các môn học, vậy mà vì sao không đạt được những yêu cầu chất lượng tối thiểu cần thiết ? Không những các cô tú, cậu tú mà cả những cử nhân, kỹ sư viết còn sai ngữ pháp, chính tả…

  

Tôi rất tâm đắc với bài viết “Đổi mới cách dạy và học môn ngữ văn” của tác giả Nguyễn Quang Tuấn, Trường Đại học Vinh đăng trên diễn đàn Dân trí ngày 05 tháng 9 năm 2009. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng day và học môn Ngữ văn không đơn giản chỉ đổi mới phương pháp dạy và học. Vấn đề phải bắt đầu từ ngọn nguồn, hay nói cách khác là từ nguyên nhân của các nguyên nhân. Thực tế chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức dạy và học hiện nay rất khó để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy.  Vì sao? Có mấy nguyên nhân chính sau đây:

 

1. Thứ nhất là chương trình môn Ngữ văn ( bao gồm cả phân môn Văn và phân môn Tiếng Việt ) được thiết kế cơ bản theo mô hình đồng tâm. Có thể hình dung chương trình được lặp đi lặp lại theo hình xoáy trôn ốc, chỉ có khác là càng lên những lớp trên thì yêu cầu càng cao hơn. Kiểu thiết kế chương trình như vậy làm cho học trò phải học lại những bài đã học từ các lớp dưới gây nhàm chán, nói gì đến hứng thú, khám phá? Cũng vì cấu trúc “đồng tâm” lặp lại nên rất lãng phí về thời gian, dạy và học vừa thừa, vừa thiếu  thời gian để thực hành dạy và học những điều mới mẻ, bổ ích.

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com  

2. Thứ hai là chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức dạy và học không bám sát đặc thù của bộ môn:

Thực tế hiện nay không chỉ bài viết của học sinh phổ thông, ngay cả công văn của các cơ quan đơn vị từ cấp sở, ngành đến UBND tỉnh, trường Đại học và cả cấp Bộ các lỗi sai về chính tả, ngữ pháp rất phổ biến, mà phổ biến nhất lại là những lỗi sai sơ đẳng nhất : câu chỉ có trạng ngữ, không có chủ ngữ, vị ngữ, sử dụng dấu câu không đúng chỗ… Đến cả người có trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ khi soạn thảo văn bản còn viết sai phổ biến và sơ đẳng như thế trách gì các cháu học sinh phổ thông! Kỹ năng viết đã như vậy, các kỹ năng đọc, nghe, nhất là nói lại còn tệ hơn. Qua làm việc với nhiều giáo viên, trong đó có rất nhiều người đã và đang học thạc sỹ, tôi nhận ra một điều là người Việt Nam ta rất yếu về kỹ năng nói. Nói, hỏi nhưng không có sự chuẩn bị gì nên hỏi không rõ ràng. Người trả lời buộc phải hỏi lại người hỏi để biết chắc chắn họ định hỏi về vấn đề gì. Học sinh và ngay cả giáo viên vẫn có thói quen nghĩ đến đâu viết đến đấy, không có sự chuẩn bị cân nhắc ý tứ, câu chữ khi trình bày một lá đơn. Phải chăng đây cũng là một thói quen từ phổ thông, thói quen không chuẩn bị, nói sao cũng được, diễn đạt sao cũng được?

 

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao một môn học được học với số tiết nhiều nhất trong tất cả các môn học ở trường phổ thông mà hiệu quả lại kém như vậy? Tại sao những lỗi sơ đẳng trên hòan tòan có thể khắc phục được từ cấp THPT, thậm chí từ cấp THCS với số tiết dạy không nhiều nhưng học sinh được học với thời gian nhiều như thế lại không thể khắc phục được? Lỗi không phải tại phương pháp giảng dạy của giáo viên, càng không phải tại các học sinh và cả các cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ mà chính là tại ở chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức dạy và học lâu nay của chúng ta.

 

Chương trình, sách giáo khoa, cách dạy và học thiên về nhồi nhét kiến thức, không chú ý thực hành, nhất là dạy và học phân môn Tiếng Việt như là dạy một môn khoa học, có thực hành cũng chỉ thực hành qua những mẫu câu, những đọan văn khô cứng, không đặt nó trong môi trường giao tiếp sống động của thực tiễn thì hệ quả đọc, nghe, nói viết kém như trên là điều hiển nhiên, không có gì lạ!  

 

Chương trình, sách giáo khoa, cách dạy và học  phân môn Văn  hầu như chỉ chú trọng tiết học trên lớp, chưa quan tâm thích đáng đến việc chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp thì giáo viên còn cách nào khác là “truyền thụ”. Thử hình dung giáo viên nói về nội dung, về vẻ đẹp nghệ thuật của  một tác phẩm văn học cho những hoc sinh chỉ đọc qua, thậm chí phổ biến là không hề đọc, không hề chuẩn bị gì về tác phẩm đó thì học sinh có tiếp thu được gì không? Cho nên điều cần thiết ở đây là chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức học và phương pháp giảng dạy của giáo viên phải có sự kết hợp chặt chẽ theo hướng tăng cường thực hành của học sinh. Học sinh thực hành đọc tác phẩm, thực hành suy nghĩ, chuẩn bị nội dung theo yêu cầu, gợi ý của sách giáo khoa và giáo viên, chuẩn bị nội dung trình bày như trả lời câu hỏi, thảo luận tại lớp… Chỉ có sự chuẩn bị như vậy, học sinh mới tiếp cận được tác phẩm, tiếp cận được bài giảng của giáo viên. Và cũng chỉ có như vậy giáo viên mới thóat khỏi tình trạng dạy chay, “ tự đọc thoại”, tự diễn thuyết để có thể đổi mới phương pháp giảng dạy.

 

Với môn Ngữ văn ( bao gồm cả Văn và Tiếng Việt ) thiết nghĩ không chỉ thay đổi chương trình, sách giáo khoa mà còn phải thay đổi cả cách tổ chức dạy học. Tổ chức học lý thuyết kết hợp với thực hành trên cơ sở học sinh đã chuẩn bị kỹ. Với môn Ngữ văn, vừa phải cho học sinh tự chuẩn bị tại nhà  kết hợp với tổ chức cho học sinh chuẩn bị tại lớp. Các em phải  được tập làm văn, được làm việc theo nhóm, được  thảo luận, được hỏi, được giải đáp cho nhau, được tập trình bày trước tập thể để rèn luyện các kỹ năng : đọc, nghe, nói, viết. Tiết học như vậy sẽ  thật vui vẻ, sinh động và hấp dẫn làm cho học sinh có hứng thú với môn học, tránh tình trạng trong giờ học Ngữ văn các em làm bài tập Toán hoặc lén học bài các môn khác như thực trạng hiện nay.

 

Để đổi mới cách tổ chức dạy và học  như vậy buộc phần hướng dẫn chuẩn bị bài ở sách giáo khoa và cả hướng dẫn của giáo viên vừa phải cụ thể vừa không cứng nhắc. Hướng dẫn phải bảo đảm cho giáo viên và học sinh một không gian rộng rãi để tiệm cận kiến thức và rèn luyện các kỹ năng thông qua các họat động dạy và học trên cơ sở đựợc chuẩn bị chu đáo.  Để học một tiết ngữ văn như vậy học sinh không thể vay mượn các mẫu câu đã có sẵn đối với phân môn Tiếng Việt, càng không thể không đọc tác phẩm đối với phân môn Văn và như vậy sẽ không có hiện tượng cười ra nước mắt  khi học sinh có những nhầm lẫn đến ngô nghê mà báo chí đã trích dẫn nhiều.

 

Khắc phục được những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức dạy và học không bám sát đặc thù của bộ môn như đã nói ở trên sẽ tháo bỏ được vòng kim cô để giáo viên  rộng rãi không gian sáng tạo các phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn trong trường phổ thông.

                                                                  Đinh Xuân Lộc

                                                       Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang

 

LTS Dân trí- Từ thực tiễn của công tác giảng dạy, tác giả bài trên đã tìm đến nguyên nhân cội nguồn làm cho kết quả dạy và học môn ngữ văn trong nhà trường có nhiều hạn chế. Đó là việc thiết kế chương trình chưa hợp lý, lặp đi lặp lại những nội dung đã học ở  lớp dưới, vừa gây nhàm chán, vừa lãng phí thời gian, mà lẽ ra dành được nhiều hơn cho việc thực hành, tìm tòi khám phá những điều mới mẻ của học sinh qua mỗi giờ học.

 

Nhằm nâng cao chất lượng môn ngữ văn, đi đôi với việc thay đổi cách thiết kế chương trình, sách giáo khoa, cần đổi mới cách tổ chức dạy và học theo hướng tăng cường sự chuẩn bị và thực hành của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được rèn luyện cả kỹ năng nói và viết, qua đó các em thấy hứng thú và cảm nhận rõ ý nghĩa thiết thực của môn học này.