Mọi chuyện rồi sẽ ổn

Ngày nào mẹ tôi ở quê cũng gọi điện chỉ để hỏi anh em chúng tôi đúng một câu: "Các con ổn không? Giữ gìn sức khỏe nhé, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi".

Sáng nay, anh bạn tôi nhắn tin trong hoang mang rằng, ngày nào cũng cả nghìn ca nhiễm thế này, có khi nào rơi vào thảm cảnh như Indonesia hay Ấn Độ không? Tôi chỉ biết trả lời: Thành phố vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, mọi chuyện rồi sẽ ổn.

Không biết từ bao giờ, những câu an ủi, động viên kiểu như thế lại được nhiều người dùng để hỏi thăm nhau khi tình hình dịch Covid-19 đang tăng nhanh ở TPHCM. Có lẽ họ đang nói như để trấn an chính sự lo lắng, bất ổn trong lòng mình, trước tình hình dịch bệnh với mỗi ngày có cả nghìn ca dương tính và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bản thân tôi đã thành thói quen, ngày 3 lần hóng và cập nhật bản tin Covid-19 để nắm bắt tình hình. Hơn thế, là hy vọng số ca nhiễm mới sẽ giảm đi. Thế nhưng, suốt nhiều ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại TPHCM đã bắt đầu vượt ngưỡng hơn 1.000 ca mỗi ngày. Có những ngày lên tới gần 1.700 ca. Cho đến hết ngày 11/7 thành phố đã vượt ngưỡng 13.000 ca dương tính với SARS-CoV-2.

15 ngày cho trận chiến với "giặc" Covid-19 lần này của chính quyền và gần 12 triệu người dân thành phố được xem là quyết liệt xen lẫn cam go. Chỉ thị 16 diễn ra một cách "đặc biệt" theo kiểu của thành phố, đó là thực hiện 3 vòng cách ly, kìm tỏa sự lây lan của dịch. Vòng 1 là giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16+ trên địa bàn toàn thành phố. Vòng thứ 2 là vùng cách ly y tế, phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và vòng thứ 3 là vùng cách ly tập trung, tăng cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung. Vòng kìm tỏa này, hy vọng thành phố sẽ có đủ thời gian để truy vết, xét nghiệm diện rộng để khu biệt F0 một cách nhanh nhất có thể.

Nhớ cách đây hơn 1 tháng, lãnh đạo TPHCM mới tính đến phương án cách ly, điều trị cho khoảng 3.000 ca bệnh. Có lẽ lúc đó, không ai nghĩ chưa đầy 20 ngày, số ca mắc COVID-19 lại tăng nhanh như thế. Phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng được thay đổi cho 10 - 15 nghìn ca và bây giờ đang chuẩn bị sẵn sàng cho 50 nghìn giường bệnh. Nhiều người hoang mang, nhưng tôi tin vẫn còn nhiều điều để lạc quan khi mà thành phố hy sinh nhiều thứ cho 15 ngày phải giãn cách.

Các chuyên gia vẫn liên tục đưa ra khuyến cáo, lúc này tại TPHCM vẫn chưa phải là đỉnh của dịch? Vậy đỉnh sẽ là lúc nào? Bao giờ thì thành phố sẽ khống chế được dịch bệnh? Thay vì hỏi những câu đó, chúng ta hãy tập trung và đồng lòng chống dịch. Nên nhớ, "mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi" chỉ là câu người ta an ủi động viên nhau, còn có thực sự ổn hay không, lại phụ thuộc chính vào ý thức của mỗi người dân thành phố.

Đã 3 ngày qua, tôi ngồi bó gối trong nhà bởi nơi đây đang phong tỏa y tế. Ngoài kia, tiếng xe cứu thương chở bệnh nhân Covid-19 vẫn đều đặn hú còi cho tới 12 giờ đêm. 15 ngày giãn cách qua đi, hy vọng âm thanh của những chuyến xe ấy sẽ không còn vang lên nơi thành phố này nữa. Chắc chắn rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi!