Quy định "Giấy thông hành âm tính" và cái khó của người lao động nghèo

Khả Vân

(Dân trí) - "Giấy xét nghiệm chỉ có giá trị ngay lúc lấy mẫu nên không thể được sử dụng làm giấy thông hành. Chưa kể cách tổ chức không nhất quán, nguồn lực không đủ đã gây ra cảnh quá tải và nguy cơ gây bệnh".

Nhiều cách ứng xử trong việc tiếp nhận người từ nơi khác về

Chiều 7/7, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc gửi UBND 62 tỉnh, thành phố hướng dẫn tiếp nhận người về từ TP.HCM. Theo đó, tất cả người từ TP. HCM đi 62 tỉnh thành phải tự cách ly 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 3 lần.

Tuy nhiên, không phải tỉnh thành nào cũng có cách ứng xử giống nhau trong việc tiếp nhận người về từ nơi khác. Nhiều địa phương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Có tỉnh yêu cầu thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm trong 3 ngày, 5 ngày, có tỉnh cho thời gian 7 ngày. Có tỉnh, ngoài giấy xét nghiệm âm tính người đến đó còn phải đi cách ly tập trung 21 ngày.

Cụ thể: Hải Phòng yêu cầu từ 12h ngày 7/7, cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về từ TP.HCM. Từ 12h ngày 8/7, các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP Hải Phòng chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày vào thành phố.

Trước đó, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ… cũng ra yêu cầu toàn bộ người ngoại tỉnh vào địa bàn phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 72 giờ.

Trong khi đó, từ chiều 6/7, người dân ra, vào TP Vinh không phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2. Quyết định này tỉnh Nghệ An ban hành sau 3 ngày yêu cầu người dân ra vào TP Vinh phải có giấy xét nghiệm.

Quy định Giấy thông hành âm tính và cái khó của người lao động nghèo - 1

Trưa 5/7, hàng nghìn người dân, tiểu thương chen chúc nhau đi xét nghiệm nhanh Covid-19 tại chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) khiến việc giãn cách an toàn trong phòng chống dịch không còn được đảm bảo (Ảnh: Hải Long).

Trao đổi với PV Dân trí về tính cấp thiết của "giấy thông hành" bằng kết quả âm tính và hiệu quả phòng chống dịch, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 chỉ có giá trị một phần nhỏ.

Theo BS Khanh, nếu một người đang trong thời gian ủ bệnh thì "giấy thông hành âm tính" không có giá trị bởi vì có thể vài ngày sau họ sẽ chuyển sang dương tính. Việc định nghĩa sự an toàn căn cứ trên kết quả test nhanh cũng không chắc chắn nếu kéo thời gian càng dài thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao nhưng nếu rút ngắn thời gian thì sẽ tốn rất nhiều chi phí của người dân.

Mặt khác test nhanh Covid-19 nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi bởi người test nhanh có kết quả âm tính và những người tiếp xúc có thể ngộ nhận rằng họ đã an toàn dẫn tới chủ quan không tuân thủ thông điệp 5K.

Mặt khác, trong thời gian "giấy thông hành" còn hiệu lực, người có kết quả test nhanh âm tính có thể đi đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, chính điều đó sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

"Hãy đồng cảm và thương cho những người lao động vất vả"

Có lẽ phải là người trong cuộc, thường xuyên di chuyển vì công việc giữa các tỉnh thành thì mới có thể thấm thía sự ảnh hưởng của những quy định này. Như chia sẻ của bạn đọc gửi về Dân trí dưới đây:

"Tuần trước gia đình tôi có việc tôi phải về Quảng Ninh, do đã tìm hiểu trước về quy định phải có giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào nên tôi đã chủ động đi làm xét nghiệm.

Phải đi hỏi 3-4 bệnh viện công mới có một nơi nhận làm xét nghiệm này, với mức giá 400.000 đồng/người và kết quả chỉ có giá trị trong 3 ngày. Nếu không tới bệnh viện công, tôi sẽ phải chi gần một triệu đồng/người tại một bệnh viện tư.

Rắc rối tiếp tục nảy sinh khi tới chốt kiểm dịch của tỉnh, giấy xét nghiệm âm tính của gia đình tôi do bệnh viện đóng dấu xanh nên không được chấp nhận. Chia sẻ với chúng tôi, một người mách nếu không muốn quay lại Hà Nội thì có thể quay sang bệnh viện ở Hải Phòng để làm dịch vụ xét nghiệm nhanh, lấy kết quả trong 1 giờ. Chấp nhận phương án này, gia đình tôi lại "hành quân" sang tỉnh bạn và mất gần 3 tiếng xếp hàng để làm thủ tục xét nghiệm và chờ lấy kết quả. Tại đây, có rất nhiều người cùng hoàn cảnh giống như chúng tôi, vì nhỡ nhàng mà phải quay vòng mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Do việc chưa giải quyết xong, tôi sẽ phải đi lại rất nhiều lần nữa và mỗi lần đi lại phải làm xét nghiệm như thế này, tôi thực sự thấy mệt mỏi, phiền toái và tốn kém".

Quy định Giấy thông hành âm tính và cái khó của người lao động nghèo - 2
Quy định Giấy thông hành âm tính và cái khó của người lao động nghèo - 3

Giấy xét nghiệm âm tính được thực hiện tại một bệnh viện của Hà Nội nhưng đóng dấu xanh nên không được Chốt kiểm dịch tỉnh Quảng Ninh chấp nhận (ảnh: Bạn đọc cung cấp).

Bạn đọc Tùng Thanh thắc mắc: "Theo thông tư của BYT xét nghiệm PCR giá là 734.000/người/lượt. Nhưng các bệnh viện công được cấp xét nghiệm PCR không nhận xét nghiệm cho cá nhân có nhu cầu đi lại hay làm việc mà chỉ nhận xét nghiệm cho người tại các vùng dịch. Trong khi đó các bệnh viện tư được xét nghiệm giá khá cao, từ 1-1,5 triệu đồng/người/lượt, xét nghiệm PCR lại chỉ có giá trị trong 48h, như vậy chi phí xét nghiệm để có giấy chứng nhận này quá tốn kém. Thử hỏi một người lao động với mức thu nhập 300 ngàn đồng/ngày mà thường xuyên phải đi lại giữa các tỉnh như vậy, họ sống bằng gì?".

Bạn đọc Trần Minh Trung lo lắng: "Cuộc sống của người dân trong đại dịch Covid-19 hiện nay đã vô cùng khó khăn, gian khó, mà nay lại phải tính cách vượt qua các quy định của một số địa phương mà mất thêm thời gian lẽ ra được sử dụng để mưu sinh, đồng thời phải chen lấn trong một đám đông hỗn tạp không biết có bao nhiêu F0 đang hiện diện. Chưa hết, để có được một tờ giấy kết quả xét nghiệm âm tính họ còn mất rất nhiều tiền khi họ đang không kiếm ra tiền, và khi có cái giấy kết quả đó không biết là họ có thể kiếm được những đồng tiền ít ỏi nào không?".

Hãy đồng cảm và thương cho những người lao động vất vả, là ý kiến của bạn đọc Thanh Nga, bởi: "Biết bao nhiêu hàng hóa cần lưu thông và cần có tài xế để vận chuyển chứ chiếc xe không tự động chạy, và còn rất nhiều người vẫn phải đi làm để đảm bảo sản xuất cho Doanh nghiệp chứ ko phải họ không muốn ở nhà. Muốn hay không muốn họ cũng phải chen chúc đi làm xét nghiệm để lấy tờ giấy đi đường. Thậm chí có người đã có giấy xét nghiệm của tỉnh này nhưng tới địa phận tỉnh khác lại không được chấp nhận. Tờ giấy xét nghiệm đó chỉ có giá trị ngay lúc lấy mẫu và sau đó thì có giá trị gì mà được sử dụng làm giấy thông hành. Chưa kể cách tổ chức không nhất quán và nguồn lực không đủ nên gây ra cảnh quá tải ở những nơi xét nghiệm và làm tăng nguy cơ lây bệnh. Xin hãy đồng cảm và thương cho những người lao động vất vả".

Lấy ví dụ cụ thể, bạn đọc Minh Khuê: "Công nhân giáp ranh giữa Bình Dương và Đồng Nai, nơi ở và nơi làm việc ở 2 bên tỉnh thành khác nhau. Sự di chuyển của họ hàng ngày để mưu sinh là điều bắt buộc, tuy nhiên Bình Dương yêu cầu giấy xét nghiệm 3 ngày. Nếu tính ra 1 tháng công nhân qua lại đi làm cần xét nghiệm 10 lần. Mỗi 1 lần là 250.000 đồng thì 10 lần là 2,5 triệu đồng. So với đồng lương công nhân, họ có chịu nổi không? Cần phải có giải pháp tích cực hơn để hỗ trợ tầng lớp công nhân vốn đã khó khăn nay càng lao đao vì dịch bệnh chứ không thể nói là giấy xét nghiệm âm tính có trả phí ít ra sẽ hạn chế tối đa những người di chuyển cho những việc không thiết yếu lắm".

Cho rằng cần xem lại việc áp dụng quy định này, bạn đọc Lê Nguyên: "Thực tế trên đã vô tình tạo điều kiện cho một số một số kẻ cơ hội trục lợi bất minh, kiếm tiền bằng giấy xét nghiệm âm tính giả như báo chí đã thông tin. Nên chăng các tỉnh khác xem xét lại việc coi kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như một thứ giấy thông hành, để dành nguồn lực cho những biện pháp hiệu quả hơn, khi mà việc chống Covid-19 có thể là cuộc chiến trường kỳ".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm