Méo mó, lệch lạc từ chuyện đấu giá đất: Cần giải quyết ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Từ những sự méo mó, lệch lạc trong hoạt động đấu giá đất, nhiều độc giả đã hiến kế để cơ quan có thẩm quyền đưa ra các giải pháp, thậm chí điều chỉnh luật nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động đấu giá.

Những ngày qua, kết quả các phiên đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội khiến nhiều người không khỏi choáng váng. Đơn cử như tại huyện Hoài Đức, giá đất trúng đấu giá dao động trong khoảng từ hơn 90 triệu đồng tới hơn 130 triệu đồng mỗi m2. Tại huyện Thanh Oai, giá trúng đấu giá đất dao động từ 60-100 triệu đồng/m2, cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bức xúc hơn cả là giá các lô đất sau khi có người trúng đấu giá đều tăng phi mã với mức giá chênh lệch mỗi lô thậm chí cao nhất lên tới 800 triệu đồng.

Sự méo mó, lệch lạc của hoạt động đấu giá đất đang khiến dư luận bất bình và buộc các cơ quan quản lý có thẩm quyền phải vào cuộc, đưa ra các chỉ đạo nhằm giải quyết vấn đề trên. Nhiều độc giả đã hiến kế để cơ quan có thẩm quyền đưa ra các giải pháp, thậm chí điều chỉnh luật nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động đấu giá.

Méo mó, lệch lạc từ chuyện đấu giá đất: Cần giải quyết ra sao? - 1

Toàn cảnh những lô đất được đấu giá tại huyện Hoài Đức, Hà Nội (Ảnh: Dương Tâm).

"Tôi nghĩ vấn đề duy nhất của việc đấu giá là tiền đặt cọc. Nên để tiền cọc thật cao, ít nhất bằng 1/2 giá trị lô đất với giá khởi điểm để nếu bỏ cọc thì Nhà nước vẫn có tiền để tổ chức đấu giá tiếp. Còn việc đầu cơ, thổi giá, ai dại mà bỏ tiền ra mua thì tự chịu, không có gì phải bàn. Đối với người có nhu cầu mua thật để ở thì có thể chọn khu vực khác hoặc phân khúc khác để mua. Thị trường mà, người ôm lâu quá không bán được thì cũng phải cắt lỗ mà ra hàng thôi", chủ tài khoản NTS phân tích dưới góc nhìn thị trường và đưa ra phương hướng giải quyết.

Tương tự, chị Nguyen Thi Hien nêu quan điểm: "Cần nâng tiền cọc lên đến 70% để ngăn kẻ lướt sóng kiếm lời, thổi phồng giá trị thật của đất hay những kẻ đầu cơ. Còn với những người có nhu cầu mua thực tế để ở thì tiền đặt cọc có là 70% hay cao hơn cũng không phải vấn đề, vì tiền đó nếu họ trúng giá đất thì sẽ được khấu trừ".

Bên cạnh việc nâng mức đặt cọc quy định, nhiều người cũng đưa ra giải pháp về việc đặt ra thời hạn tối thiểu để có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi trúng đấu giá. Độc giả Hiên Lê bình luận: "Có thể nghiên cứu theo hướng: Quy định đất đấu giá không được phép giao dịch chuyển nhượng tối thiểu trong 2 năm sau khi đấu giá thành công. Khi đó, người có nhu cầu mua thật sự thì họ cũng sẽ không ngại bị cấm chuyển nhượng, còn cò đất, môi giới bị cấm chuyển nhượng trong ít nhất 2 năm sẽ bị đọng vốn và không dám làm liều. Như thế mới ngăn chặn được đấu giá ảo, chứ như bây giờ thị trường hỗn loạn quá!".

Có chung quan điểm với những luồng ý kiến nêu trên, độc giả có nickname Noi That Hoa Phat nhận định: "Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường lập đoàn thanh tra đấu giá đất là cần thiết, nhưng bên cạnh việc thanh tra thì cần thay đổi các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động đấu giá đất cũng như đưa ra các chế tài để tránh hiện tượng thổi giá, lướt sóng đất như trước đây. Trước tiên, cần tăng giá khởi điểm gần sát giá thị trường qua điều tra, tăng tỷ lệ cọc lên mức 70-80% giá trị lô đất. Ngoài ra, cần quy định phải xây nhà trên đất đấu giá ở đó 3-5 năm sau mới được sang nhượng. Quy định này đảm bảo các phiên đấu giá đất sẽ nguội ngay lập tức, đưa giá về đúng giá trị thực của lô đất đó".

Méo mó, lệch lạc từ chuyện đấu giá đất: Cần giải quyết ra sao? - 2

Ngay sau khi trúng, nhiều người lập tức rao bán chênh hàng trăm triệu đồng (Ảnh: Dương Tâm).

"Nhà nước phải quy định, phân tách khu vực nào đấu giá để cho dân sử dụng thì cần có quy định sau tối thiểu 3 năm mới được chuyển nhượng cho người đấu giá F2. Ngoài ra, cần nâng mức đặt cọc và quy định nộp đầy đủ tiền cọc sau 3 ngày làm việc, thay vì 30 ngày như hiện nay. Ví dụ lô đất trị giá 15 tỷ đồng, đề nghị lập tức nộp 3 tỷ đồng trong thời hạn 3 ngày làm việc, nếu không sẽ hủy kết quả đấu giá", anh Nguyen Tuan tiếp lời.

Độc giả Trần Hữu Nghị đề xuất áp dụng các chế tài hình sự đối với hành vi bỏ cọc hoặc "lướt sóng" đất sau khi trúng đấu giá. "Đấu giá thành công mà bỏ cọc phạt thêm 20% giá trị đấu giá đất thành công. Ngoài ra, cần quy định trong 3 năm sau khi trúng đấu giá không được phép sang tay cho người khác. Nếu vi phạm cần xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hình sự".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm