Bài 2:
Luật sư “bắt bệnh” vụ án lạ không giao kết hợp đồng bị bắt bồi thường 65 tỷ
(Dân trí) - Liên quan đến bản án lạ của TAND Tây Hồ ngày 12/8/2016 về vụ án tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Lưu Thị Hoàng Anh, ông Phạm Xuân Mừng với bị đơn là ông Trần Văn Thơm, có khá nhiều tình tiết lạ và bất ngờ không có thực dẫn đến cái kết khiến cho đông đảo dư luận hết sức bất bình: không giao kết hợp đồng, không bị kiện nhưng bỗng dưng lại bị buộc phải bồi thường một số tiền “khủng” lên đến trên 65 tỷ đồng.
Tại sao Bản án lại cố tình buộc trách nhiệm của Công ty Hồng Lan, người liên quan trong vụ án - vào việc bồi thường thiệt hại cho một giao dịch mà công ty này không hề ký kết, thực hiện? Có lẽ việc đi tìm trả lời cho câu hỏi này sẽ hé lộ được tất cả những bí mật còn mờ khuất của những người liên quan.
Như báo Điện tử Dân trí đã đưa tin về một vụ án tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có đến 05 Bản án được Tòa án có thẩm quyền phán quyết và 01 Quyết định Giám đốc thẩm. Vậy nhưng Bản án sơ thẩm gần đây nhất của TAND quận Tây Hồ vẫn tuyên buộc Công ty Hồng Lan phải bồi thường cho bà Hoàng Anh, ông Mừng số tiền khổng lồ lên đến hơn 65 tỷ đồng.
Theo luật sư Nhâm Mạnh Hà - Đoàn luật sư TP Hà Nội thì Bản án 04/2016/DSST của TAND quận Tây Hồ ngày 12/08/2016 có rất nhiều điểm sai phạm cần phải được xem xét và làm rõ tại cấp xét xử phúc thẩm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, TAND quận Tây Hồ không có thẩm quyền tuyên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 18/HĐKT-CNQSDĐ ngày 23/02/2004 giữa Công ty TNHH Thương mại Hồng Lan với ông Trần Văn Thơm vô hiệu.
Một là, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 18/HĐKT-CNQSDĐ ngày 23/02/2004 giữa Công ty TNHH Thương mại Hồng Lan và ông Trần Văn Thơm là một giao dịch dân sự hoàn toàn độc lập với Hợp đồng kinh tế về việc nhượng lại quyền sử dụng đất giữa bà Hoàng Anh, ông Mừng và ông Thơm.
Một giao dịch dân sự được coi là hợp pháp khi tuân thủ đầy đủ các quy định sau của Bộ luật Dân sự năm 2005: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”(Điều 121); “người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện” (Điều 122); “mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó” (Điều 123); “Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật” (khoản 2 điều 689 BLDS 2005)
Hồ sơ vụ án thể hiện rõ giữa Công ty Hồng Lan và bà Hoàng Anh, ông Mừng không có bất cứ văn bản nào về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó, mà chỉ có bà Hoàng Anh, giao kết Hợp đồng đặt cọc ngày 23/12/2006 và sau đó là Hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên với ông Thơm. Như vậy, theo quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế thì Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT- CNQSDĐ giữa Công ty Hồng Lan với ông Trần Văn Thơm ngày 23/02/2004 và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trần Văn Thơm và bà Lưu Thị Hoàng Anh ngày 06/01/2007 là 02 giao dịch dân sự hoàn toàn tách biệt nhau, là hai quan hệ pháp luật khác nhau. Do vậy TAND quận Tây Hồ không thể “trộn lẫn” hai giao dịch này thành một được, càng không thể lấy đó làm căn cứ để buộc Công ty Hồng Lan phải bồi thường cho bà Hoàng Anh, ông Mừng một cách bất hợp pháp và bất hợp lý như vậy.
Vụ án từng được TAND Tối cao ra Kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu huỷ nhiều nội dung bản án sơ thẩm yêu cầu xử lại.
Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 538/2012/DS-GĐT của Tòa dân sự - TANDTC ngày 19/11/2012 cũng khẳng định: “Đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm cần phải xác định vụ án này có hai quan hệ pháp luật cần phải giải quyết, là Hợp đồng số 18/HĐKT-CNQSDĐ ngày 23/02/2004 giữa Công ty Hồng Lan với ông Trần Văn Thơm và Hợp đồng ngày 06/01/2007 giữa ông Trần Văn Thơm với bà Lưu Thị Hoàng Anh. Nếu vợ chồng bà Hoàng Anh khởi kiện đối với ông Thơm, thì ông Thơm là bị đơn và Công ty Hồng Lan là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu ông Thơm khởi kiện đối với Công ty Hồng Lan thì Công ty Hồng Lan là bị đơn và vợ chồng bà Hoàng Anh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu cả hai quan hệ đều có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì cần nhập thành một vụ án để giải quyết”. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm lại, ông Thơm không có bất cứ khiếu kiện hay yêu cầu nào về Hợp đồng số 18/HĐKT-CNQSDĐ giữa ông và Công ty Hồng Lan. Vì thế, trong vụ án này, Công ty Hồng Lan chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do Công ty đang có quyền sử dụng 02 lô đất – là đối tượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép của Hợp đồng giữa ông Thơm với bà Hoàng Anh, ông Mừng.
Có thể khẳng định, xuất phát từ việc Công ty Hồng Lan không tham gia ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Hoàng Anh và ông Mừng, ông Thơm không có bất cứ khiếu kiện hay yêu cầu nào về Hợp đồng số 18/HĐKT-CNQSDĐ cho nên giữa Công ty Hồng Lan với bà Hoàng Anh đương nhiên sẽ không phát sinh bất cứ quyền và nghĩa vụ nào và Công ty Hồng Lan không phải chịu trách nhiệm đối với những giao dịch trái pháp luật mà ông Thơm và vợ chồng bà Hoàng Anh đã xác lập.
Hai là, giữa Công ty Hồng Lan, ông Thơm và vợ chồng bà Hoàng Anh không phát sinh quan hệ chuyển giao quyền và chuyển giao nghĩa vụ.
Điều 315 Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự là việc bên có nghĩa vụ chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý và khi đó người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ. Điều 316 BLDS 2005 quy định việc chuyển giao đó phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực – do đối tượng của việc chuyển giao nghĩa vụ đó là giá trị quyền sử dụng đất.
Theo hồ sơ vụ án thì giữa Công ty Hồng Lan, ông Thơm và vợ chồng bà Hoàng Anh không có bất cứ văn bản nào thể hiện việc chuyển giao nghĩa vụ. Thông báo số 45/TB-HL thể hiện việc Công ty Hồng Lan đã nhận tiền của bà Hoàng Anh là do bà gửi vào tài khoản Công ty với nội dung là trả tiền đất thay cho ông Thơm. Vậy căn cứ Điều 293 BLDS 2005 quy định về thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba: “Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, trong quan hệ Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT, bà Hoàng Anh chỉ có vai trò là người thứ ba thay ông Thơm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền theo Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT giữa ông Thơm và Công ty Hồng Lan nên không làm phát sinh quyền của bà Hoàng Anh trong Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT.
Điều 309 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc chuyển giao quyền yêu cầu là việc bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền và Điều 310 Bộ luật Dân sự 2005 quy định phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu và văn bản thông báo đó phải được công chứng, chứng thực - do đối tượng của việc chuyển giao quyền yêu cầu là giá trị quyền sử dụng đất. Hồ sơ vụ án cho thấy giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh không phát sinh quan hệ chuyển giao quyền yêu cầu, bởi Công ty Hồng Lan không nhận được bất kỳ văn bản thông báo nào của ông Thơm về việc chuyển giao quyền yêu cầu đó.
Căn cứ vào quy định pháp luật và hồ sơ vụ án có thể thấy rõ giữa Công ty Hồng Lan và bà Hoàng Anh, ông Mừng không có việc giao kết hợp đồng, không phát sinh việc chuyển giao quyền yêu cầu hay chuyển giao nghĩa vụ. Vì vậy, bà Hoàng Anh, ông Mừng không có quyền yêu cầu Tòa án buộc Công ty Hồng Lan thực hiện nghĩa vụ đối với vợ chồng bà. Đồng thời, trong phạm vi xét xử, Tòa án không có quyền tuyên Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT – CNQSDĐ giữa Công ty Hồng Lan và ông Thơm vô hiệu, vì Công ty Hồng Lan và ông Thơm – là chủ thể của Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT – CNQSDĐ đều không có yêu cầu hay tranh chấp liên quan đến Hợp đồng đó, từ đó không thể tuyên buộc Công ty Hồng Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho vợ chồng bà Hoàng Anh.
Bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ tiếp tục bị phản ứng quyết liệt.
Thứ hai, Tòa án đã dự tính số tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu của các đương sự trong vụ án không khách quan, thiếu công bằng.
Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng 431m2 đất tại lô số 32 và 33, khu D3B-1 Vườn Đào của bà Hoàng Anh, ông Mừng, TAND quận Tây Hồ chỉ yêu cầu bà Hoàng Anh, ông Mừng nộp tạm ứng án phí 10.000.000 đồng là hoàn toàn không phù hợp với giá trị thực tế của 02 lô đất, cũng như tính chất một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Năm 2011, tại Biên bản định giá của Hội đồng định giá tài sản quận Tây Hồ tổng 02 lô đất là 142.471.000.000đồng, thiệt hại 129.426.000.000đồng (là thời điểm gần nhất khi Tòa án thụ lý lại vụ án này, sau khi đã bị TANDTC hủy Bản án sơ thẩm) và năm 2015, tại Biên bản định giá của Hội đồng định giá tài sản quận Tây Hồ với 02 lô đất là 99.696.000.000đồng, thiệt hại 86.651.000.000đồng (là thời điểm Tòa án đang xét xử lại vụ án theo Quyết định giám đốc thẩm).
Việc TAND quận Tây Hồ căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP: “Giá tài sản theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” để dự tính số tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu đòi bồi thường của bà Hoàng Anh, ông Mừng là không chính xác về căn cứ áp dụng, chưa kể đến nếu áp dụng căn cứ này thì số dự phí phải đóng là 10.244.000 đồng (bao gồm 200.000 đồng đối với yêu cầu khởi kiện về việc thực hiện tiếp Hợp đồng và 10.044.000 đồng về yêu cầu bồi thường thiệt hại) chứ không phải là 10.000.000 đồng như Toà đã thông báo.
Rõ ràng Toà án phải căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Nghị quyết này: “Giá tài sản tại thị trường địa phương” để làm căn cứ tính tiền tạm ứng án phí thì mới phù hợp với giá trị thực tế của 02 lô đất cũng như tính chất của một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại. Nếu căn cứ vào Biên bản định giá 02 lô đất theo Biên bản định giá tài sản của Hội đồng định giá quận Tây Hồ năm 2011, số tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu của bà Hoàng Anh phải là: 125.235.500 đồng hoặc theo Biên bản định giá của Hội đồng định giá tài sản quận Tây Hồ năm 2015, số tiền tạm ứng án phí sẽ là: 91.325.500 đồng. Có thể thấy có một sự khó hiểu ở đây khi Toà án ra thông báo yêu cầu bà Hoàng Anh nộp án phí ở mức thấp hơn từ 9 đến 12 lần? Để đòi được số tiền trên 65 tỷ mà chỉ phải bỏ ra có 10 triệu tạm ứng án phí, quả là việc quá dễ dàng và bất hợp lý.
Còn đối Công ty Hồng Lan khi đưa ra yêu cầu độc lập: Yêu cầu ông Mừng và bà Hoàng Anh bồi thường số tiền vốn đầu tư và phí quản lý doanh nghiệp là 22.689.000.000 đồng thì TAND quận Tây Hồ lại yêu cầu phải nộp tạm ứng án phí lên tới 65.344.500 đồng.
Chính từ việc TAND quận Tây Hồ xác định số tiền tạm ứng án phí đối với hai yêu cầu trên không công bằng: tài sản trị giá 99.696.000.000 đồng (Biên bản định giá ngày 27/01/2015) nhưng bà Hoàng Anh chỉ phải nộp tạm ứng án phí 10.000.000 đồng, trong khi yêu cầu bồi thường 22.689.000.000 đồng thì Công ty Hồng Lan phải nộp tạm ứng án phí lên tới 65.344.500 đồng đã cho thấy sự nhìn nhận, đánh giá vụ án của Tòa án từ khi bắt đầu thụ lý đã không khách quan.
Một vụ án với quá nhiều diễn biến kỳ lạ: không giao kết Hợp đồng, không có sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ nên không phát sinh quan hệ pháp luật nào; cũng không hề bị khởi kiện hay buộc vào một yêu cầu độc lập nào của người trực tiếp ký kết Hợp đồng với mình, thế nhưng “bỗng dưng” Công ty Hồng Lan lại bị buộc vào một trách nhiệm “từ trên trời rơi xuống”: buộc phải bồi thường trên 65 tỷ đồng cho một bên trong một giao dịch bất hợp pháp không được pháp luật bảo hộ, trong khi đó, yêu cầu độc lập của Công ty Hồng Lan lại không được Tòa án xem xét mà chỉ bị cuốn vào vụ án với hết vai trò là bị đơn cho đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan suốt 08 năm ròng rã. Rõ ràng cần phải làm rõ sự cố ý làm trái của các cá nhân, tập thể liên quan trong vụ án kỳ lạ này để không chỉ bảo vệ quyền - lợi ích hợp pháp của các bên đương sự mà còn bảo vệ tính thượng tôn, công bằng của pháp luật.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế (thực hiện)