Bài 1:

Hà Nội: Vụ án lạ không giao kết hợp đồng vẫn phải bồi thường?

(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được đơn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hồng Lan (Mã số doanh nghiệp: 0101342779; Trụ sở: số 2/32, ngõ Hòa bình 4, phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) kêu cứu cho rằng mình là nạn nhân của một vụ án lạ, không giao kết hợp đồng vẫn bị toà án buộc bồi thường hơn 65 tỷ đồng.

Đơn kêu cứu cho rằng: Công ty Hồng Lan không giao dịch, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại lô đất số 32 và 33, khu D3B-1 Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội với vợ chồng bà Lưu Thị Hoàng Anh, sinh năm 1964 và ông Phạm Xuân Mừng, sinh năm 1957 (cùng cư trú tại B7, tập thể Học viện Nguyễn Ái Quốc, số 244 Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội), cũng không tiến hành các thủ tục chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa ông Trần Văn Thơm và bà Hoàng Anh theo Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT-CNQSDĐ ngày 23/02/2004 giữa ông Thơm và Công ty Hồng Lan.

Hà Nội: Vụ án lạ không giao kết hợp đồng vẫn phải bồi thường? - 1
Hà Nội: Vụ án lạ không giao kết hợp đồng vẫn phải bồi thường? - 2

Đơn kêu cứu Công ty Hồng lan gửi Báo Dân trí.

Đơn kêu cứu Công ty Hồng lan gửi Báo Dân trí.

Thế nhưng, với 03 lần xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp này, Tòa án nhân dân quận Tây Hồ vẫn buộc Công ty Hồng Lan phải bồi thường thiệt hại lên tới trên 65 tỷ đồng cho bà Hoàng Anh và ông Mừng do lỗi làm hợp đồng vô hiệu (theo Bản án số 04/2016/DSST ngày 12/08/2016). Nhận định trên của Bản án là thiếu khách quan, thiếu công bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hồng Lan.

Theo nội dung Đơn kêu cứu thì: Ngày 09/02/2004, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 676/QĐ-UB về việc phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất tại khu D3B-1 Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội thì để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố, Công ty TNHH Thương mại Hồng Lan (gọi tắt là Công ty Hồng Lan) đã trúng đấu giá lô đất D3B-1 trên.

Ngày 23/02/2004, Công ty Hồng Lan và ông Trần Văn Thơm (Địa chỉ: 16B, tổ 1, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã ký Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT-CNQSDĐ, theo đó Công ty Hồng Lan chuyển nhượng cho ông Thơm hai lô đất số 32 và 33, khu D3B-1 Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội với giá 28.500.000đồng/1m2, diện tích tạm tính là 425m2 (diện tích thực tế là 431 m2), thành tiền là: 12.283.500.000 đồng.

Hà Nội: Vụ án lạ không giao kết hợp đồng vẫn phải bồi thường? - 4


Vụ án từng được TAND Tối cao ra Kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu huỷ nhiều nội dung bản án sơ thẩm yêu cầu xử lại.

Vụ án từng được TAND Tối cao ra Kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu huỷ nhiều nội dung bản án sơ thẩm yêu cầu xử lại.

Sau nhiều lần gia hạn và yêu cầu ông Thơm thanh toán tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông Thơm vẫn không thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT-CNQSDĐ. Hơn nữa, ngày 23/12/2006, ông Trần Văn Thơm lại ký Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất lô đất trên với bà Lưu Thị Hoàng Anh. Ngày 06/01/2007, ông Trần Văn Thơm và bà Lưu Thị Hoàng Anh tiếp tục ký Hợp đồng kinh tế về việc nhượng lại quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở biệt thự lô 32 và lô 33 khu đất đấu giá D3B-1 giữa đường Lạc Long Quân và đường vành đai II-Quận Tây Hồ với tổng diện tích đo đạc trên thực tế là 431m2, tổng giá trị hợp đồng là 13.045.000.000 đồng.

Ngày 02/11/2008, bà Hoàng Anh khởi kiện Công ty Hồng Lan và ông Thơm ra Tòa án nhân dân quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Hồng Lan và ông Thơm cùng có trách nhiệm thực hiện Hợp đồng, làm thủ tục theo quy định của pháp luật chuyển nhượng quyền sử dụng 02 lô đất số 32 và 33 tại D3-B1 vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội với diện tích 431m2 và giao đất cho vợ chồng bà. Điều kỳ lạ: mặc dù Công ty Hồng Lan không giao kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Hoàng Anh, thế nhưng tại 02 Bản án sơ thẩm số 01/2010/DSST ngày 19/01/2010 và Bản án sơ thẩm số 04/2011/DSST ngày 23/9/2011 do Tòa án nhân dân quận Tây Hồ ban hành đều đưa Công ty Hồng Lan là bị đơn là trái quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự. Do đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị số 173/2012/KN-DS ngày 24/5/2012 và nhận định: “ …Tòa án cấp sơ thẩm không giải thích cho bà Hoàng Anh, nhưng lại thụ lý vụ án và xác định Công ty là bị đơn là chưa chính xác…”

Vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên có đến 06 bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền ban hành. Nhưng tại 03 Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Tây Hồ, mà gần đây nhất là Bản án số 04/2016/DSST ngày 12/8/2016 đều nhận định rằng: Công ty Hồng Lan có lỗi trong việc làm Hợp đồng vô hiệu và buộc Công ty Hồng Lan phải bồi thường cho bà Hoàng Anh, trong khi Công ty Hồng Lan và bà Hoàng Anh không giao kết Hợp đồng, không phát sinh quan hệ pháp luật nào; hợp đồng giữa Công ty Hồng Lan và ông Thơm cũng không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện nào.

Nhận định của Bản án số 04/2016/DSST ngày 12/8/2016 là trái với tinh thần của Quyết định kháng nghị số 173/2012/KN-DS ngày 24/5/2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng như Quyết định giám đốc thẩm số 538/2012/DS-GĐT ngày 19/11/2012 của Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tối cao.

Hà Nội: Vụ án lạ không giao kết hợp đồng vẫn phải bồi thường? - 6
Hà Nội: Vụ án lạ không giao kết hợp đồng vẫn phải bồi thường? - 7
Hà Nội: Vụ án lạ không giao kết hợp đồng vẫn phải bồi thường? - 8

Bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ tiếp tục bị phản ứng quyết liệt.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ tiếp tục bị phản ứng quyết liệt.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích:

Thứ nhất, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Hồng Lan với ông Trần Văn Thơm và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trần Văn Thơm và bà Lưu Thị Hoàng Anh là 02 giao dịch dân sự hoàn toàn tách biệt nhau, là 02 quan hệ pháp luật khác nhau. Bởi chủ thể tham gia ký kết Hợp đồng là khác nhau, Công ty Hồng Lan không tham gia ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Lưu Thị Hoàng Anh, do đó, bà Hoàng Anh không có quyền trong việc yêu cầu Công ty Hồng Lan phải có trách nhiệm thực hiện Hợp đồng với bà.

Thứ hai, Trong vụ án này không có sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh với Công ty Hồng Lan. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 315, Bộ luật Dân sự 2005: “Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý …” và khoản 2, Điều 316, Bộ luật Dân sự 2005: “Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.” và khoản 2, Điều 310, Bộ luật Dân sự 2005: “Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Như vậy, có thể khẳng định về nội dung của việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ: Công ty Hồng Lan không liên quan và không đồng ý chuyển giao việc thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT-CNQSDĐ ngày 23/02/2004 giữa ông Thơm và Công ty Hồng Lan cho bà Hoàng Anh. Việc bà Hoàng Anh chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Hồng Lan là việc thanh toán hộ cho ông Thơm theo Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT-CNQSDĐ. Về hình thức, do đối tượng chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng số 18/HĐKT-CNQSDĐ là quyền sử dụng các lô đất số 32 và 33, khu D3B-1, nên pháp luật quy định việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký (khoản 1, khoản 2 Điều 689; Điều 692; Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004).

Luật sư Hà dẫn chứng thêm: Nội dung trên cũng được Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tối cao nhận định trong Quyết định giám đốc thẩm số 538/2012/DS-GĐT ngày 19/11/2012: “Hợp đồng số 18 ngày 23/02/2004 giữa Công ty Hồng Lan và ông Thơm không liên quan đến Hợp đồng ngày 06/01/2007 giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh … Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định đã chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh với Công ty Hồng Lan để cho rằng hai hợp đồng này thực chất là một hợp đồng là không đúng”

Luật sư Hà nhận định: Công ty Hồng Lan và bà Hoàng Anh không giao kết Hợp đồng, không có sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ, không phát sinh quan hệ pháp luật nào; hợp đồng giữa Công ty Hồng Lan và ông Thơm cũng không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện nào. Do đó, bà Hoàng Anh không có quyền trong việc yêu cầu Công ty Hồng Lan phải có trách nhiệm thực hiện Hợp đồng với bà. Ngược lại, Công ty Hồng Lan không có lỗi khiến Hợp đồng vô hiệu nên không phải bồi thường thiệt hại cho vợ chồng bà Hoàng Anh và ông Mừng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm