“Lót tay” bác sĩ - “Lệ làng” khó bỏ?

(Dân trí) - Mặc cho cảnh báo, đường dây nóng, hòm thư góp ý… được treo dán khắp các hành lang, phòng bệnh, phòng khám… chuyện chuẩn bị phong bì khi vào viện đã trở thành “lệ”. Trong khi đó, lãnh đạo các bệnh viện thì "bất lực" vì không "bắt được tận tay".

Chuyện thường ngày ở viện

 

Chị Thanh Huyền, Thanh Xuân, Hà Nội kể: Đến khám ở một bệnh viện Phụ sản trên địa bàn thành phố, qua các xét nghiệm, bác sĩ cho biết: chị chửa ngoài tử cung, phải mổ cấp cứu.  Nhận được thông báo, chị vội nhờ chồng đi đóng viện phí và làm các thủ tục theo hướng dẫn, rồi gọi điện nhờ người nhà mang đến một số đồ đạc cá nhân cần thiết và quan trọng nhất là vài phong bì để dùng khi cần (như lời hướng dẫn của những người đã nhập viện trước đó).

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Này nhé, phong bì “nhờ vả” bác sĩ mổ phải 300 - 500 nghìn đồng; nếu không quen ai thì “gửi” cô y tá hướng dẫn 1 trăm nghìn; muốn mặc váy áo của viện sạch, mới một chút phải biếu chị quản lý quần áo 2 chục ngàn; sau khi mổ thì phải tiêm, cứ mỗi lần như thế nhớ nhét vào túi cô y tá 2 chục nghìn kẻo cô ấy lại mạnh tay…!

 

Nhẩm ra cũng là cả 1 khoản tiền không nhỏ nhưng chị cũng không dám “phá lệ” khi thấy tất cả các bệnh nhân xung quanh đều nhất loạt đút cái phong bì vào túi áo blu của bác sĩ khi họ đến gần giường thăm khám. Hơn nữa, cũng là để mong bác sĩ quan tâm đến mình nhiều hơn, được chăm sóc chu đáo hơn!

 

Anh Nguyễn Đức Huy, phố Bạch Mai, thì “đen đủi” hơn bởi không nắm rõ “cái lệ” này nên ngay lập tức thu được “bài học”: Sau khi bị tai nạn giao thông, anh được đưa đến bệnh viện B. trong tình trạng nửa người bên phải đau đớn, chảy nhiều máu ở mặt và đùi nhưng thay vì được cứu chữa, anh phải ngồi đợi hàng giờ đồng hồ mới thấy một nữ y tá trẻ đến hỏi qua loa vài câu rồi dặn anh tiếp tục… ngồi đợi.

 

Chịu không nổi, anh Huy định gọi người nhà đến chở đi bệnh viện khác thì mới được những bệnh nhân xung quanh mách nước. Quả thực, sau khi cuộn tờ bạc 100 nghìn đồng nhét vào túi áo người nữ y tá nọ, anh lập tức nhận được sự chăm sóc khá nhiệt tình và được dẫn thẳng chỗ bác sĩ đáng khám bệnh.

 

Nhờ rút được “kinh nghiệm”, mọi việc, thăm khám, chữa trị sau đó của anh diễn ra khá nhanh chóng, thuận lợi. Sau khi ra viện, anh Huy ước tính: Ngoài tiền viện phí (hơn 3 triệu đồng), anh phải chi thêm gần 800 nghìn đồng khoản phí “lót tay” cho bác sĩ.  

 

Nhắc đến chuyện này chị Lê Thanh Nga (Hà Tây) ứa nước mắt nhớ lại: Cách đây một năm, chị đăng ký sinh tại bệnh viện P. Vì không thích kiểu “dấm dúi” nên chị cương quyết không đưa thêm khoản tiền nào khác ngoài số viện phí phải nộp theo quy định. Không biết có phải vì thế không mà bé sinh ra đã quấy khóc và có những biểu hiện bất thường rồi biến chứng đường hô hấp, phải tiêm kháng sinh liều cao dù suốt cả quá trình đó, cả 2 mẹ con vẫn còn ở trong bệnh viện.

 

Tự mình làm “khó” mình?

 

“Có thể nói, tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi có sự tham gia của bên đưa và bên nhận. Nếu tất cả bệnh nhân và người nhà đều chấp hành quy định, nhất quyết không đưa phong bì “lót tay” cho bác sĩ thì “vấn nạn” này sẽ chấm dứt”, BS Vương Viết Hoà, Trưởng bộ môn Sản - ĐH Y Hà Nội, nhấn mạnh.

 

Không có phong bì thì cán bộ y tế vẫn phải thực hiện trách nhiệm trong công việc. Nếu một bác sĩ hay y tá bị nhiều bệnh nhân phản ánh là không thực hiện tốt công việc thì đương nhiên cán bộ đó không thể tồn tại lâu được.

 

“Rất nhiều người, cứ vào viện là lo chuẩn bị tiền “lót tay”  bác sĩ. Thậm chí, có người chỉ đi rút chỉ, hoặc tiêm rất đơn giản cũng chuẩn bị tiền. Người ta rỉ tai với nhau rằng: không biếu thêm tiền thì bác sĩ moi ruột, hay ngoáy mũi tiêm, đau lắm! Thực sự có phải vậy đâu, rút chỉ thì chỉ có một động tác, người tiêm nhẹ người tiêm hơi đau một chút là do tay nghề. Công việc và tay nghề của bác sĩ là như vậy, không có tiền thì họ vẫn thao tác thế cơ mà!”, ông Hoà bộc bạch.

 

Chính người viết bài cũng tận mắt chứng kiến thói quen “lót tay” bác sĩ của nhiều người đến khám bệnh. Đơn cử như tại Phòng khám dịch vụ thuộc Bệnh viện P, mặc dù là khám dịch vụ, tức mức phí đắt gấp 3 - 4 lần phí thông thường (120.000/lần khám phụ khoa) nhưng phòng khám vẫn đông. Kết quả là cũng phải đợi từ sáng đến trưa mới đến lượt. Nguyên nhân kéo dài sự chờ đợi mệt mỏi ấy là do chốc chốc lại có một nhân viên y tế dẫn một bệnh nhân vào gửi gắm. Thực chất, để được thế, những bệnh nhân này đã “nhờ” bác sĩ trực dẫn vào với cái giá vài chục nghìn đồng. Còn một số người khác thì nếu đủ kiên nhẫn đợi chờ thì lại lo phong bì để khi gặp bác sĩ sẽ được tư vấn cho kỹ hơn (dù trong khoản tiền thu đã bao gồm cả phí tư vấn)!

 

Quả thực, ở một khía cạnh nào đó, chính người bệnh đã tạo thành một tiền lệ xấu trong bệnh viện và đã làm “hư” bác sĩ.

 

Lãnh đạo “bó tay”?

 

Những câu chuyện như trên diễn ra hằng ngày ở khắp các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện sản khi mà thời nay “nhà nào cũng chỉ 1-2 con nên chi tiền không tiếc” và nhờ “kinh nghiệm” của bệnh nhân cũ truyền cho bệnh nhân mới mà dần dần mặc nhiên trở thành thứ “lệ làng” không thể bỏ….

 

Bỗng chốc các nội quy, cảnh báo, đường dây nóng, hòm thư góp ý… được treo dán khắp các hành lang, phòng bệnh, phòng khám… trở thành vật trang trí khi lãnh đạo các bệnh viện chưa từng xử lý bất cứ một vụ việc nào liên quan đến chuyện bác sĩ nhận phong bì “lót tay” từ bệnh nhân.

 

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần đi kiểm tra đột xuất trong giờ bác sĩ, ý tá đang làm việc. Thế nhưng, cứ thấy đoàn kiểm tra đi từ xa họ đã báo cho nhau. Nếu “bắt đúng quả tang” thì chính bệnh nhân sẽ “nói đỡ” rằng: “Đây là tiền trả đồ bác sĩ mua hộ”…”, ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bức xúc nói.

 

TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết: Chính tai ông cũng từng nghe rất nhiều lời than phiền về tệ nạn phong bì “lót tay” bác sĩ trong các bệnh viện. Tuy nhiên, thông tin vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh chứ không có bằng chứng cụ thể nào.

 

Rất thẳng thắn, BS Hoà lý giải: Cần có có cái nhìn toàn diện hơn nữa trong vấn đề này. Đành rằng, đã có quy định chung bác sĩ không được nhận tiền của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhưng thử hỏi, làm sao có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình thăm khám bệnh của bác sĩ, đặc biệt là khi hầu hết các bệnh viện tuyến trên đều quá tải như hiện nay? Bên cạnh đó, việc hô hào toàn bộ hệ thống y bác sĩ trong ngành tự giác trả tiền hoặc không nhận tiền “lót tay” của bệnh nhân cũng quá khó, bởi trên thực tế, đây là nguồn thu riêng không hề nhỏ của mỗi cá nhân làm việc tại các bệnh viện.

 

Vậy phải chăng để có đủ bằng chứng cụ thể, có thể xử phạt được “chuyện hằng ngày ở viện” này sẽ phải cần tới nghiệp vụ của ngành công an? Có lẽ đây là giải pháp duy nhất khi phía Sở Y tế Hà Nội cho biết: Để ngăn chặn tình trạng phong bì “lót tay” bác sĩ, đường dây nóng của Sở (Số máy: 7333071) luôn hoạt động 24/24. Đường dây này sẽ đảm bảo tính bí mật thông tin đối với người cung cấp bằng chứng cụ thể về mọi tiêu cực xảy ra trong hệ thống bệnh viện Hà Nội. 

 

Còn Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì thông báo: Bệnh viện đang nghiên cứu tiến tới áp dụng biện pháp đặt camera theo dõi ở những khu vực nhạy cảm trong bệnh viện đồng thời tăng cường hơn nữa ý thức chấp hành nội quy trong việc khám chữa bệnh. Sẽ có hai loại hình tiêu cực bị xử phạt, đó là người bệnh đưa hối lộ và bác sĩ nhận hối lộ.

 

P. Thanh