Làm chết người bởi bẫy chuột điện, xử lý như thế nào?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, có 2 vấn đề mấu chốt cần làm rõ, đó là nơi đặt bẫy có nhiều người qua lại hay không; và người đặt bẫy đã thực hiện đầy đủ biện pháp nhằm ngăn hậu quả đáng tiếc xảy ra hay chưa.

Như Dân trí thông tin, Công an tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự ông Hồ Văn Út (58 tuổi, ở An Giang) để điều tra hành vi giết người. Ông Út là người đã giăng bẫy chuột bằng điện ngoài ruộng và vô tình khiến anh Nguyễn Văn Hải (46 tuổi, cùng trú tại địa phương) mắc phải, bị giật tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, ông Út tới cơ quan công an tự thú. 

Từ sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi vì sao việc đặt bẫy chuột không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống người khác nhưng ông Út vẫn bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Giết người?.

Làm chết người bởi bẫy chuột điện, xử lý như thế nào? - 1

Ông Hồ Văn Út (Ảnh: Tiến Tầm).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC của TAND Tối cao, đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng nhưng dẫn tới hậu quả làm chết người, việc xử lý cần phân chia thành các trường hợp như sau: 

Thứ nhất, nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Giết người.

Theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt cho tội Giết người là 7-15 năm tù. Trường hợp thuộc các tình tiết định khung như bằng phương pháp có thể làm chết nhiều người, có tổ chức hay tái phạm nguy hiểm, mức phạt là phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Thứ hai, nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Vô ý làm chết người.

Theo Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt cơ bản của tội Vô ý làm chết người là 1-5 năm tù. 

"Từ hướng dẫn nêu trên, có thể thấy mấu chốt của việc xử lý đối với hành vi dùng bẫy điện làm chết người nằm ở 2 yếu tố, đó là không gian, địa điểm thực hiện hành vi có phải nơi đông người qua lại hay không; và người mắc bẫy điện có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm hay các động thái khác nhằm cảnh báo cho người khác hay không. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng quyết định số phận pháp lý của người vi phạm", luật sư Giáp bình luận. 

Đối chiếu trường hợp của ông Út, nếu cơ quan chức năng xác định ông mắc lưới điện tại nơi có nhiều người qua lại và không thực hiện đầy đủ các động thái nhằm cảnh báo cho người khác ngoài việc đặt biển cảnh báo nguy hiểm, có cơ sở để xem xét xử lý người này về tội Giết người.