Vấn đề quyết định số phận pháp lý của tài xế cán chết người tại Đồng Nai

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, từ kết quả xác minh ý chí chủ quan và trạng thái tinh thần của tài xế sau va chạm, cơ quan điều tra sẽ xác định hành vi của tài xế có dấu hiệu của tội Giết người hay không.

Như Dân trí thông tin, Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang tạm giữ anh Đỗ Minh Tân (28 tuổi, ở Bến Tre), tài xế gây ra vụ tai nạn giao thông làm một người tử vong trên Quốc lộ 51, đoạn qua phường Phước Tân, TP Biên Hòa. 

Theo dữ liệu camera hành trình của một tài xế ghi lại, trưa 28/8, ô tô tải do anh Tân điều khiển va chạm với xe máy của anh Tô Hoàng Dũng (38 tuổi, ở Bình Dương) khiến anh Dũng ngã dưới bánh xe tải. Sau va chạm, tài xế xe tải dừng khoảng vài giây rồi tiếp tục cán lên người khiến anh Dũng tử vong tại chỗ. 

Tiếp nhận thông tin, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương xác minh, củng cố hồ sơ, đánh giá dấu hiệu của hành vi Giết người để xem xét xử lý tài xế xe tải theo quy định của pháp luật. 

Tai nạn trong cơn mưa trên quốc lộ 51

Theo dõi sự việc, nhiều người không giấu được sự phẫn nộ. Độc giả Minh Nguyen bình luận: "Tội này phải là giết người, không phải vô ý làm chết người. Cần nghiêm trị để làm gương, đặc biệt với những kẻ mang tư tưởng khi gây tai nạn thà cán cho chết để không phải bồi thường nhiều. Quá ác độc! Cũng là con người với nhau, sinh mạng ai cũng đáng quý và không có gì có thể so sánh được, sao có thể đối xử tàn nhẫn với nạn nhân như vậy". 

"Hàng trên xe chất đầy, chở quá tải, nếu phanh gấp có thể lật xe nên tài xế đã chấp nhận đánh đổi rủi ro", bạn đọc Tuấn Anh nêu quan điểm. 

"Quá dã man. Tài xế chuyển hướng đột ngột thế, thừa biết sẽ có người chết mà vẫn làm, khổ thân người gặp nạn quá", độc giả Nguyendiep bình luận xót xa. 

Bên cạnh đó, hàng loạt bình luận được gửi về Dân trí cũng thể hiện cảm xúc phẫn uất sau khi theo dõi clip ghi lại sự việc. Nhiều người cho rằng cần xử lý nghiêm, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tài xế này về tội Giết người. 

Vậy dưới góc độ pháp lý, những vấn đề nào cần làm rõ trong vụ việc? Từ đó, tài xế có thể phải chịu trách nhiệm ra sao theo quy định của pháp luật? 

Từng tham gia nhiều vụ án hình sự trong vai trò kiểm sát viên, luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá với những tình tiết hiện có, chưa thể khép tội hay đưa ra bất cứ kết luận nào về trách nhiệm pháp lý đối với tài xế Tân. Quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan điều tra sẽ cần tiếp tục củng cố các tài liệu, chứng cứ liên quan nhằm củng cố hồ sơ, làm căn cứ xem xét xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Theo ông Thắng, đối với trường hợp này, vấn đề mấu chốt cần được làm rõ là trạng thái tinh thần của tài xế ở thời điểm sau va chạm và ý chí chủ quan của người này khi để phương tiện chèn qua người nạn nhân. Từ đó, có thể dẫn tới 2 tình huống pháp lý như sau: 

Thứ nhất, nếu kết quả xác minh cho thấy sau khi xảy ra va chạm mạnh, tài xế rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, mất kiểm soát phương tiện dẫn tới việc để phương tiện tiếp tục lăn bánh, chèn lên người và gây ra cái chết cho nạn nhân, hậu quả chết người khi đó được xác định xuất phát từ lỗi vô ý bởi hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của tài xế Tân. 

Nếu rơi vào trường hợp này, kết hợp với những hành vi có dấu hiệu vi phạm khác như chuyển làn ẩu, thiếu quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn hay không tuân thủ các nguyên tắc xử lý khi xảy ra tai nạn, tài xế có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết định khung làm chết một người, mức phạt cao nhất người phạm tội có thể đối mặt là 5 năm tù. 

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy tài xế dương tính với chất cấm khi điều khiển phương tiện hoặc không có bằng lái xe phù hợp, mức phạt có thể áp dụng là 3-10 năm tù. 

Vấn đề quyết định số phận pháp lý của tài xế cán chết người tại Đồng Nai - 1

Công an tỉnh Đồng Nai họp khẩn để chỉ đạo điều tra, giải quyết vụ tai nạn (Ảnh: Công an Đồng Nai).

Thứ hai, nếu kết quả xác minh cho thấy sau khi xảy ra va chạm, nam tài xế chưa rơi vào tình trạng hoản loạn, mất kiểm soát về tinh thần, biết được việc nạn nhân đã ngã ra đường nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện chèn qua, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, đây là hành vi có tính chất đặc biệt nguy hiểm và có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. 

"Một người bình thường, có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi cần phải hiểu rằng việc tiếp tục để phương tiện di chuyển, chèn qua khi nạn nhân đã ngã xuống đường là hành vi hết sức nguy hiểm, hoàn toàn có thể tước đoạt ngay lập tức tính mạng của người khác. Bởi vậy, nếu tài xế cố tình để phương tiện di chuyển và cán qua nạn nhân, dù có ý chí nhằm tước đoạt mạng sống của người khác hay không, đây vẫn là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Thắng bình luận. 

Tương tự, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng ý chí chủ quan của tài xế khi điều khiển phương tiện sau va chạm sẽ là yếu tố mấu chốt quyết định số phận pháp lý của người này. 

"Cần củng cố, làm rõ nhiều tình tiết trong vụ việc như ý chí của tài xế khi điều khiển phương tiện là gì, thời điểm đó tài xế có bị ai uy hiếp, đe dọa dẫn đến hoảng loạn, mất kiểm soát về hành vi hay không. Nếu kết quả xác minh cho thấy tài xế biết rõ nạn nhân đang nằm dưới gầm xe, vẫn còn sự sống mà vẫn cố tình để xe cán qua người nạn nhân dẫn đến tác động mạnh, việc xem xét dấu hiệu của tội Giết người là có căn cứ", luật sư Giáp nhấn mạnh.