"Lạ lùng" người đi xe máy ủng hộ nhiệt tình bus nhanh BRT!

Khả Vân

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, mặt đường rộng như đường Nguyễn Trãi, Võ Chí Công, ô tô còn chiếm hết làn của xe máy thì đừng nên trách BRT... Đáp số của phương trình tắc đường hình như không phải là BRT!

Bài viết mới đây của một bác tài chia sẻ sự bất tiện khi di chuyển trên tuyến đường có làn riêng cho bus nhanh BRT được đăng trên một diễn đàn mạng xã hội đã thu hút bình luận sôi nổi, đa chiều của nhiều thành viên, trong đó nhiều người đã chỉ ra ưu thế của BRT với... người đi xe máy.

Chủ nhân bài viết cho rằng, Hà Nội đã sai khi quy hoạch hai trục bên Lê Văn Lương lại thêm sai khi làm tuyến bus nhanh BRT. Người này phân tích: "Buổi sáng vào giờ cao điểm mọi người cùng đổ ra đường đi làm thì mình BRT 1 làn, thỉnh thoảng mới có xe chạy qua, tôi nhìn lên thấy lèo tèo vài khách. Trong khi 2 làn còn lại xe chen lấn rất khổ, đặc biệt ở những điểm giao cắt (nhất là đoạn Giảng võ rẽ vào Khách sạn Hà Nội, hay cuối đường Giảng Võ - Cát Linh).

Nếu 1 ô tô chờ đèn đỏ để rẽ trái, thì ô tô sau muốn di chuyển thẳng khi có đèn xanh sẽ phải lấn sang làn thứ 2, vậy là xe máy sẽ bị dồn vào một chút rất hẹp, người đi xe máy rất khổ, thậm chí không còn đường để đi. Chưa kể nếu hỏa hoạn, cấp cứu, vào các khung giờ tan tầm liệu các xe cứu hỏa, cứu thương có thể di chuyển hay kịp thời ứng cứu vì tắc đường? Chưa kể nếu cháy trên trục Giảng Võ - Lê Văn Lương giờ tan tầm thì xác định là khỏi cứu".

Lạ lùng người đi xe máy ủng hộ nhiệt tình bus nhanh BRT! - 1

Các bài viết chia sẻ góc nhìn về tuyến bus nhanh BRT luôn thu hút lượng quan tâm, bình luận của nhiều người (Ảnh: Tiến Nguyên).

Trước đây, chủ đề này thường khiến người tham gia bình luận bày tỏ sự bức xúc với việc dành hẳn một làn đường cho xe BRT chạy, trong khi hàng trăm ngàn phương tiện phải chịu chen chân, ùn ứ trên 2 phần đường còn lại thì tại bài viết này lại có đến hơn 50% người "quay xe", ủng hộ duy trì làn đường dành riêng cho xe bus nhanh.

"Đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng... có làn BRT đâu mà vẫn tắc?"

Đó là quan điểm của nhiều người khi tham gia bình luận vào bài viết.

"Đường Nguyễn Trãi to đùng có BRT đâu, vẫn tắc đó bạn. Đường Trần Duy Hưng nhỏ hơn đường Nguyễn Trãi, rộng hơn đường Lê Văn Lương cũng vẫn tắc như thường, các tuyến phố khác có tắc không?. Đáp số của phương trình tắc đường hình như không phải là BRT bạn ạ".

"Muốn đỡ kẹt xe thì phải hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng khi triển khai, những người như bạn không ủng hộ còn nói vậy thì bao giờ mới phát triển phương tiện công cộng được? Hạ tầng nào chịu nổi tốc độ phát triển phương tiện cá nhân như bây giờ? Vài năm nữa sẽ thấm hơn nữa bạn nhé!".

"Mọi người cứ kêu bỏ, bỏ, bỏ… BRT, đường sắt trên cao nhưng mình thấy được mà. Các phương tiện giao thông công cộng như bus, BRT, tàu trên cao mình thấy càng ngày càng đông khách. Không chỉ các bác trên 60 tuổi, các cháu học sinh, sinh viên mà công nhân viên chức đi làm bằng phương tiện công cộng cũng nhiều. Khách tham dự các sự kiện mặc đẹp, lịch sự, áo truyền thống (áo dài) cũng rất đông (trước kia thường là gọi taxi). Trong điều kiện thời tiết rét buốt như thế này, giá xăng dầu tăng cao, đường phố tắc nghẽn, mọi người thử tạm dừng phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng đi, sẽ thích ngay".

Lạ lùng người đi xe máy ủng hộ nhiệt tình bus nhanh BRT! - 2

Nhiều ý kiến cho rằng, đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng hay Võ Chí Công... dù không có làn BRT vẫn tắc như thường, vì vậy đáp số của phương trình tắc đường hình như không phải là BRT (Ảnh: N.Hân).

"BRT tầm 6h-7.30 và 17h-18.30 rất đông khách chứ không có lèo tèo đâu bạn, và cũng chỉ ở khung giờ cao điểm này họ mới tăng chuyến dày lên để phục vụ khách thôi nhé. Bạn nhìn vào đoạn Giảng Võ rẽ vào khách sạn Hà Nội là đoạn của bến cuối cùng thì khách đã xuống gần hết rồi.

BRT đầu tư cao, chưa tối đa được công năng sử dụng nhưng cái gì mới cũng có những bất cập nhất định, phải từ từ rồi rút kinh nghiệm. Ai cũng muốn dùng phương tiện cá nhân cho tiện thì còn mãi tắc!

Hơn nữa, với ý thức giao thông của đại đa số người dân bây giờ, bỏ làn BRT thì vẫn tắc thôi, ô tô lại dàn thành 3 hàng, ít ra bây giờ nếu có việc gấp xe ưu tiên đi vào BRT còn nhanh hơn. To như cái đường Võ Chí Công các bác ô tô còn chiếm hết làn của cả xe máy thì trách cái BRT ở đây làm gì cho mất công ạ".

"Không có BRT, xe máy làm gì có làn nào mà đi!"

Nhiều người đi xe máy tham gia bình luận đã cho rằng, có lẽ chủ nhân bài viết đang nhìn theo hướng tiêu cực, chứ nhìn theo hướng tích cực thì có làn BRT xe máy mới có lối mà đi.

"Dạ thôi xin bác, em cảm ơn thành phố vì đã có sáng kiến làn bus nhanh BRT này giúp giảm ách tắc giao thông đấy ạ. Không có làn BRT thì các bác lái ô tô điền vào đấy hết lâu rồi, có cái làn đấy mà xe bus với xe máy còn có đường mà về tới nhà đấy ạ. Các bác đi ô tô phải xếp hàng đi lần lượt, không chen được vào làn BRT vì sợ bị phạt nguội thì mới kêu. Xin đừng ý kiến để xe máy bọn em còn có làn mà đi ạ".

Lạ lùng người đi xe máy ủng hộ nhiệt tình bus nhanh BRT! - 3

Giờ cao điểm trên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu ô tô dàn thành 2-3 hàng bịt kín phần đường dành cho xe máy. Nhiều người đi xe máy cho rằng làn BRT chính là cứu cánh cho họ.

"Em là người đi xe máy, nếu không có làn đường đó chắc còn lâu em mới đến được chỗ làm. Ô tô các bác dàn 3 hàng, có xe còn đi sát vào vỉa hè không còn lối cho xe máy đi, xe máy đành leo lên vỉa hè. Chính vì các bác ô tô không được đi vào làn BRT thì chúng em mới có đường mà đi đấy ạ".

"Cứu hỏa cứu thương thì cứ làn BRT mà đi, ưu tiên thế còn gì. May có cái làn BRT nên đi đón con bằng xe máy nhàn và đỡ nguy hiểm hẳn. Tôi ủng hộ duy trì làn đường BRT để xe máy có chỗ mà đi và để cho ai đi tuyến công cộng còn được đi tiếp.

Nhà nước đầu tư tuyến bus BRT để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, các bạn không đi thì thấy nó bất cập thôi, còn bao nhiêu người vẫn đi, coi nó là phương tiện chính hàng ngày thì đâu có thấy vấn đề gì? Bỏ BRT đi thì lại thêm một làn ô tô khác vào đó và xe máy vẫn không có chỗ, bởi đường có bao nhiêu làn thì ô tô xếp hàng tăm tắp kín hết, chưa tính lấn sang chiều ngược bên kia, xong 2 bên còi nhìn nhau cả tiếng lại vui.

Hơn nữa, bác đi ô tô sao không nghĩ cả cái đường to thế, các bác một người ngồi trên cái xe to oành, 3 cái xe dàn ra đường là xe máy không có chỗ mà đi, phải nhảy lên vỉa hè. Giờ cao điểm đa số ô tô ở làn dưới, xe máy làn vỉa hè. BRT giờ cao điểm nó chở được bao nhiêu con người, giúp giảm ùn tắc cho bác đấy nhé, bác đừng chỉ nhìn lúc BRT vắng người mà kêu than. Nhà em mà tiện BRT là em đi BRT luôn rồi".

"Trước và sau khi có BRT nó khác hẳn đấy. Không có BRT thì ngày nào cũng tắc do xe bus thường ra vào điểm đón, cộng thêm ô tô đi thành 3 hàng, chưa kể trước không cấm taxi giờ cao điểm nữa. Không biết bác trải nghiệm trước đây chưa, chứ chúng tôi thấy từ khi có BRT đỡ tắc hẳn".

"May có làn BRT nên xe máy còn chỗ mà chạy, sáng nào mẹ con tôi xe máy cũng phải vào làn BRT để đi, chứ các bác đi ô tô lấn hết đường rồi còn đâu mà đi. Cá nhân tôi thấy tắc là do chỗ lên cầu xe máy cứ chen vào nên ô tô bị ách lên chậm thôi.

Hơn nữa, quan trọng là ý thức, chứ có đến 10 làn mà ý thức kém thì vẫn tắc vậy thôi. BRT nói riêng và phương tiện công cộng nói chung là để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, chỉ khi mọi người đồng lòng sử dụng".

Những tranh luận kiểu như vậy vẫn diễn ra từ nhiều năm nay, mỗi khi có  những đề xuất liên quan đến việc quản lý các loại phương tiện cá nhân, hay phân chia làn đường. Liên quan đến sự thay đổi góc nhìn của nhiều người về BRT, cụ thể là ủng hộ duy trì nó để xe máy có thêm sự lựa chọn mỗi khi bị "cướp làn", phóng viên Dân trí đã có trao đổi nhanh với Tiến sĩ Lê Bình, chuyên gia giao thông.

Ông Bình cho biết, từ quan điểm của một chuyên gia giao thông, trước đây ông vẫn có quan điểm khá cứng về việc phải giữ làn BRT và đảm bảo mức độ thông thoáng cho xe bus tham gia giao thông. Tuy nhiên gần đây quan sát thực tế, ông Bình bắt đầu "lung lay" theo hướng, nên chăng làn đường BRT chấp nhận cho xe máy chạy chung.

"Theo tôi đây là phương án khá mềm dẻo, hợp tình hợp lí dựa trên thực trạng giao thông của Việt Nam: xe máy chiếm số lượng rất đông, linh hoạt, gia tốc giảm tốc nhanh so với ô tô nên mức độ cản trở với BRT không nhiều như ô tô. Bên cạnh đó, tình trạng ô tô hóa diễn ra quá nhanh, chúng ta không tách được làn ô tô với xe máy, nên khi ô tô tràn ra chiếm hết diện tích mặt đường thì xe máy không còn chỗ để đi nữa".

Tiến sĩ Lê Bình dẫn chứng thực tế việc phân làn đường Nguyễn Trãi cho xe bus và xe máy đi chung làn bên phải, làn trái ô tô đi, đã cho kết quả là mật độ lưu thông trên tuyến đường này khá thông thoáng, cũng tránh được va chạm giữa ô tô với xe máy.

"Việc chấp nhận cho xe máy đi chung làn với bus nhanh BRT, ít nhiều sẽ giảm tốc độ lưu thông, mất đi bản chất của nó là bus nhanh nhưng bù lại đạt được sự chấp nhận cho xã hội trong bối cảnh ô tô phát triển quá nhiều và chiếm hết phần đường để lưu thông!", Tiến sĩ Lê Bình chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm