Tôi chọn đi bộ 1 km để dùng tàu điện Cát Linh - Hà Đông còn hơn đi xe máy
(Dân trí) - "Nắng đã có mũ, mưa đã có ô và bệnh lười thì chưa có thuốc chữa, tại sao đi bộ khoảng 1-2 km các bạn đã than thở trong khi sẵn sàng chôn chân trong biển xe 2 giờ đồng hồ mỗi khi tắc đường?".
Sau hơn 10 năm chờ đợi, sáng 6/11, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã chính thức bắt đầu vận hành thương mại. Nhà sát ga tàu, bến cuối lại cách trụ sở cơ quan khoảng 700 m nên niềm mong mỏi của tôi đối với tuyến tàu này có lẽ nhiều hơn nhiều so với những người khác, về một tương lai chỉ mất khoảng 20 phút là đến cơ quan mà không khói bụi, ách tắc và trên hết là an toàn.
Một vài người bạn của tôi tuy không tiện tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông nhưng vẫn chọn đi, rồi đến ga cuối chọn tiếp một tuyến buýt nữa để đến cơ quan, cũng vì sợ cảnh tắc đường và rủi ro về an toàn khi tham gia giao thông bằng xe máy.
Tôi đã bỏ đi xe máy được 4 năm để chuyển sang đi xe buýt, hiện tôi cũng có ô tô riêng nhưng tôi vẫn giữ thói quen đi lại bằng xe buýt từ nhà đến văn phòng. Thật vui vì từ nay Hà Nội đã có thêm một lựa chọn nữa để di chuyển ngoài xe buýt. Hy vọng hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội ngày càng phát triển hơn, để mọi người có thể từ bỏ thói quen sử dụng xe máy.
Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông giải quyết hoàn toàn những nhược điểm của giao thông trên tuyến đường Yên Nghĩa - Cát Linh, chỉ có điều sẽ có một số không nhỏ người dân phải đi bộ. Tuy nhiên ở các nước phát triển cũng vậy, người dân có thói quen đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng từ rất lâu. Để hướng đến thành phố xanh, sạch, đẹp chúng ta hãy nên học hỏi họ, bắt đầu bằng việc đi bộ, rất tốt cho sức khỏe.
Có nhiều ý kiến nói rằng, khí hậu miền Bắc thì mùa hè nóng bức ngột ngạt, mùa đông thì mưa phùn rét mướt, cộng thêm ý thức người dân chưa cao như lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh hoặc xe cộ giờ đông đúc coi vỉa hè như lòng đường nên không có đường cho người đi bộ… vì vậy việc lưu thông bằng phương tiện công cộng là không phù hợp.
Tôi nói vui rằng "Nắng đã có mũ, mưa đã có ô và bệnh lười thì chưa có thuốc chữa", tại sao đi bộ khoảng 1-2 km các bạn đã than thở trong khi sẵn sàng chôn chân trong biển xe 2 giờ đồng hồ mỗi khi tắc đường? Đi xe máy mà chịu cảnh kẹt xe trong trời nắng nóng còn lấy khói bụi làm không khí để thở trực tiếp? Còn chưa kể trời mưa, "đặc sản" ở Hà Nội thì cứ mưa là tắc, là ngập. Chỉ khi ngồi trên tàu điện trên cao, nhìn biết bao nhiêu dòng xe đang nhích từng chút phía dưới đường, chúng ta mới nhận ra 1-2 km cuốc bộ chẳng thấm vào đâu.
Bên cạnh đó, tính tiền xăng xe với gửi xe cộng tiền khấu hao xe là bao nhiêu rồi nhỉ? So với đi tàu điện: một tháng 200 nghìn đồng, tính ra 8.000 đồng/ngày là quá rẻ. Đi bộ 2 km, nếu không đi bộ đi xe ôm 10 ngàn mỗi lượt, tổng 28.000 đồng thì vẫn kinh tế hơn là tự đi xe. Và điều đặc biệt nữa là đi tàu điện trên cao không bao giờ lo tắc đường.
Tôi nghĩ đây chính là thời điểm thay đổi thói quen người người, nhà nhà dùng phương tiện cá nhân, đi chỉ 100-200 m cũng phải bằng xe máy. Từ việc sử dụng phương tiện công cộng, chúng ta sẽ phát huy được cái gọi là văn hóa đi bộ như các nước phát triển, vừa khỏe người tác phong lại nhanh nhẹn.
Sử dụng phương tiện công cộng để giảm ách tắc, muốn khí hậu sạch sẽ giảm khói bụi thì phải bớt xe cá nhân. Bụi mịn, ô nhiễm không khí ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân nhưng cũng có một phần do lượng phương tiện giao thông quá nhiều.
Mong một cuộc cách mạng về giao thông để thay đổi thói quen và hình ảnh đất nước.