Ký hợp đồng không thời hạn vẫn bị ép thôi việc, người lao động nên làm gì?
(Dân trí) - Dù tôi đã ký hợp động lao động không thời hạn nhưng công ty đã thay đổi người đại diện pháp luật mới nên bắt tôi phải viết đơn nghỉ việc nhưng tôi không đồng ý. Thấy vậy, công ty đã tìm mọi cách để ép tôi phải nghỉ việc, tôi phải làm như thế nào?
Bạn Tạ Thị Thanh Xuân (email: thanhxuan1010@gmail.com), địa chỉ 5.1 chung cư Bình Trưng, Q2, HCM:
“Tôi kí hợp đồng không xác định thời hạn với công ty mình đang làm việc. Vừa rồi công ty thay đổi người đại diện pháp luật mới bắt tôi phải viết đơn nghỉ việc nhưng tôi không đồng ý. Thấy vậy, công ty đã tìm mọi cách để ép tôi phải nghỉ việc: Khóa email công ty, khóa cửa phòng làm việc của tôi, bắt tôi phải bàn giao lại các công việc mình đang phụ trách cho người không liên quan. Bên cạnh đó phía công ty còn bắt tôi phải làm rất nhiều giải trình về những việc tôi không hề biết.... Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?”
Luật sư Trương Quốc Hoè - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
Để xác định trong trường hợp này, bạn cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trước hết cần xem xét việc chấm dứt hợp đồng của công ty bạn với bạn có đúng theo các quy định về đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của người sử dụng lao động hay không. Cụ thể như sau:
Tại Điều 38 Bộ luật lao động quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:
“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.
Bên cạnh đó, tại Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn về các lý do quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động như sau:
“Điều 12. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại các Điểm a và c Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
2. Lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Do địch họa, dịch bệnh;
b) Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”.
Như vậy, công ty của bạn chỉ được cho bạn nghỉ việc nếu có một trong các lý do nêu trên. Bên cạnh đó, để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn khi có một trong các lý do nêu trên, công ty của bạn phải báo trước cho bạn ít nhất 45 ngày vì hợp đồng giữa bạn và công ty là hợp đồng không xác định thời hạn.
Ở đây, theo thông tin bạn cung cấp, người quản lý đã yêu cầu bạn tự viết đơn xin nghỉ việc. Đây là vấn đề thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do là thoả thuận nên bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý viết đơn xin thôi việc.Nếu bạn không tự nguyện viết đơn, người quản lý đó cũng không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 BLLĐ 2012.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 132 Bộ luật lao động và Điều 33 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, nếu xét thấy việc công ty bắt bạn giải trình và xử lý kỷ luật bạn là không đúng thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể lựa chọn việc khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án để để nghị giải quyết. Cụ thể như sau:
Về việc khiếu nại: Bạn có quyền gửi đơn khiếu nại lần đầu đến lãnh đạo công ty. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại hoặc không được giải quyết khiếu nại khi đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, bạn có quyền khiếu nại lần 2 đến Chánh thanh tra Sở lao động – thương binh và xã hội nơi công ty bạn đặt trụ sở chính. Việc giải quyết khiếu nại sẽ tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 119/2014/NĐ-CP.
Về việc khởi kiện tại Tòa án: Vụ việc giữa bạn và công ty là tranh chấp lao động liên quan đến vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật do đó căn cứ theo quy định tại Điều 201 Bộ luật lao động thì vụ việc của bạn không bắt buộc phải qua hòa giải của hòa giải viên lao động. Vì vậy, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để đề nghị giải quyết. Thẩm quyền và trình tự giải quyết sẽ được xác định theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011.
Xin cảm ơn luật sư!
Thanh Trầm (ghi)