Ba phút cùng luật sư:

Theo quy định mới, các khoản phụ cấp nào phải đóng bảo hiểm xã hội?

(Dân trí) - Từ 1/1/2016, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được tính theo mức lương và cả phụ cấp lương. Vậy những khoản phụ cấp nào phải đóng BHXH bắt buộc?

Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 sẽ có rất nhiều điểm mới so với luật cũ. Trong đó, mức lương được tính để đóng BHXH được các doanh nghiệp và người lao động quan tâm hơn hết. Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, giám đốc công ty luật Đức Chánh, sẽ tư vấn cho bạn đọc rõ hơn về các quy định mới của việc tham gia BHXH bắt buộc.

Thưa luật sư, hiện rất nhiều doanh nghiệp và cả người lao động rất quan tâm về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Luật bảo hiểm xã hội 2014. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

Còn theo Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2016 thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc bao gồm cả phụ cấp lương. Vậy các khoản phụ cấp nào phải đóng BHXH bắt buộc thưa ông?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 59/2015/TT- BLĐTBXH sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 thì phụ cấp lương theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút; Phụ cấp có tính chất tương tự.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định 103 BLLĐ, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăn xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có người thân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Mức đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới và khu vực.
Mức đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới và khu vực.

Vậy thì những đối tượng người lao động nào phải bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội, thưa luật sư?

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

-  Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên. Kể từ ngày 1/1/2018 thì hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên vẫn bắt buộc tham gia BHXH.

-  Cán bộ, công chức, viên chức;

-  Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

-  Sĩ quan, hạn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ quân đội nhân dân và 1 số vụ trí khác trong quân đội.

-  Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

-  Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

-  Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- Kể từ ngày 1/1/2018 trở đi thì người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động cũng phải đóng.

Vâng, xin cảm ơn luật sư đã tham gia chương trình!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Minh Trọng (thực hiện)