Bắc Ninh:

Kỳ án “chiếc dùi đục tưởng tượng”: Thêm một lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung!

(Dân trí) - Sau phiên xét xử sơ thẩm (lần 2) vào ngày 29/9/2016 và tiến hành nghị án kéo dài ngày 07 ngày, đúng 14 giờ 30 phút ngày 05/10/2016, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án “Chiếc đục tưởng tượng” đã quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số vấn đề.

Tưởng chừng trong buổi làm việc ngày hôm nay, HĐXX vụ án sẽ tuyên ngay một bản án kết tội hoặc tuyên bị cáo vô tội, nhưng rất bất ngờ HĐXX đã quyết định quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số vấn đề.

Đối với bị cáo Đàm Thuận Thao, chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi với Thao rằng bị cáo thấy việc VKSND thị xã Từ Sơn kết luận về vụ án như vậy thế nào. Đáp lại câu hỏi này, vẫn là câu trả lời quen thuộc, Đàm Thuận Thao khẳng định rằng việc kết luận như VKSND thị xã Từ Sơn là hoàn toàn sai sự thật. Tiếp đó, HĐXX đã đặt những câu hỏi với bà Hoàng Thị Hoa xoay quanh việc có tồn tại hay không đơn tố cáo của bà này, cụ thể: Trước đây sau khi bị gây thương tích bà Hoa có làm đơn tố cáo Thao không? Nếu có thì đơn viết ngày nào? Nội dung là gì? Bà Hoa gửi đơn cho ai? Gửi bao nhiêu lần? Có gửi kèm theo bản ảnh phản ánh thương tích không? Bản ảnh này do ai chụp?... Sau khi nhận được những câu trả lời từ phía bà Hoàng Thị Hoa, HĐXX đã tạm dừng phiên tòa vào phòng nghị án.


Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án “Chiếc đục tưởng tượng” đã quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án “Chiếc đục tưởng tượng” đã quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Trở lại phòng xử sau gần 10 phút nghị án, HĐXX đã công bố quyết định trả hồ sơ cho VKSND thị xã Từ Sơn để điều tra bổ sung. Trên cơ sở nhận định: “Theo lời trình bày của bà Hoàng Thị Hoa cũng như Báo cáo của ông Lê Xuân Tỉnh - Cán bộ công an thị xã Từ Sơn thì trước đây, sau khi bị Thao đánh gây thương bà Hoàng Thị Hoa có gửi đơn tố cáo kèm 04 ảnh tới Công an thị xã Từ Sơn theo đường bưu điện, tuy nhiên do sơ xuất nên ông Lê Xuân Tỉnh đã không đưa đơn tố cáo và 04 bản ảnh vào hồ sơ vụ án. Mặc dù không có đơn tố cáo của người bị hại trong hồ sơ vụ án nhưng trong các văn bản kết luận về vụ án trước, CQCSĐT cũng như VKSND thị xã Từ Sơn lại căn cứ vào tài liệu này. Do đây là vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên cần trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề sau: Làm rõ trước đây bà Hoàng Thị Hoa có làm đơn tố cáo hay đề nghị khởi tố vụ án không? Nếu có thì hiện đơn đó đang ở đâu? Tại sao không đưa vào hồ sơ vụ án?”

Kết thúc phiên tòa, trao đổi với báo Dân trí, Luật sư Trương Anh Tú - người nhận lời tham gia bảo chữa cho bị cáo Thao trong hai phiên tòa Phúc thẩm (lần 1) và sơ thẩm (lần 2) cho biết: Việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung là chưa thật sự bản lĩnh, bởi lẽ với những tình tiết mâu thuẫn, bất hợp lý đã được làm rõ tại phiên tòa thì đã có đầy đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Thao không thực hiện hành vi phạm tội, nhưng tôi tôn trọng và thấu hiểu cho họ, dù sao họ chỉ là người giải quyết sau này, nhiệm vụ của họ thực chất là “khắc phục sự cố”.

Trong vụ án này, thiết nghĩ nội dung tình tiết quyết định đến kết quả vụ án không nằm trong hồ sơ mà ở lòng người, vì vậy chỉ khi nào chúng ta thay đổi suy nghĩ, thay đổi nhận thức thì vụ án mới được giải quyết dứt điểm.

Như Dân trí đã phản ánh trong nhiều bài viết trước đây về vụ “kỳ án” này, thì nội dung vụ án có thể được tóm tắt như sau:

Trước thời điểm ngày 27/9/2013, Bà Đàm Thị Hòa (mẹ đẻ của Đàm Thuận Thao) có nợ bà Hoàng Thị Hoa một số tiền khoảng 400 triệu đồng. Ngày 27/9/2013, bà Hoa có nhờ một vài đối tượng dẫn đầu là Trương Đức Tuyên tới tận nhà bà Hòa để ép bà Hòa phải trả ngay số nợ còn lại. Sự việc tiến triển theo chiều hướng xấu, bà Đàm Thị Hòa và bà Hoa đã xảy ra việc cãi vã rồi dẫn tới du đẩy, kéo tóc nhau tại sân nhà bà Hòa khiến bà Hoa bị ngã. Sự việc gây mất trật tự thôn xóm, nên nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, tổ công an trật tự của xã Hương Mạc đã kịp thời có mặt để vãn hồi trật tự, lập biên bản ghi nhận sự việc để làm cơ sở giải quyết.


Bản giám định pháp ý có nhiều yếu tố tưởng tượng đã được Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Ninh xin rút lại.

Bản giám định pháp ý có nhiều yếu tố "tưởng tượng" đã được Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Ninh xin rút lại.

Kỳ án “chiếc dùi đục tưởng tượng”: Thêm một lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung! - 3

Tưởng chừng mọi việc chỉ có như vậy nhưng bất ngờ một thời gian sau, chồng của bà Hoa là người không có mặt chứng kiến sự việc tự mình làm đơn tố cáo, đồng thời tiến hành thu thập chữ ký của 12 người trong thôn vào đơn tố cáo Đàm Thuận Thao gửi tới Công an thị xã Từ Sơn (Quá trình giải quyết, 9 trong số 12 người khai báo rằng không biết nội dung đơn là gì, ông Thành nhờ thì ký). Theo nội dung ông Hòa phản ánh trong đơn thì khi bà Hoa và đối tượng Tuyên đi ra tới sân thì Đàm Thị Hòa có dùng một chiếc dùi đục được áng chừng kích thước “nện” một nhát vào đầu bà Hoa theo chiều từ trên xuống khiến bà Hoa “ngã ngửa” ra sân, ngất đi khoảng 15 phút, nhát đánh khiến bà Hoa bị 2 vết thương tích là đỉnh đầu và vành tai.

Sau 04 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc, CQĐT đã tiến hành khởi tố vụ án, 03 tháng tiếp theo tiến hành khởi tố bị can đối với Đàm Thuận Thao. Quá trình giải quyết vụ án, mặc dù không có đủ chứng cứ để khẳng định bị cáo Thao đã thực hiện hành vi gây thương tích cho bà Hoàng Thị Hoa, tuy nhiên các CQTHTT thị xã Từ Sơn tuyên Thao phạm tội. Trong vụ án này, ngoài hung khí gây thương tích được phán đoán thì Bản giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Ninh là một bản pháp y có nhiều điểm bất hợp lý được các luật sư đấu tranh rất mạnh.

Xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án này, bị cáo Đàm Thuận Thao luôn khẳng định mình không đánh bà Hoa và việc quy kết bị cáo đánh bà Hoa gây thương tích 13% là làm oan cho bị cáo. Quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, với sự vào cuộc quyết liệt của các luật sư cũng như sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan báo chí, Thanh tra Bộ Y tế cũng như Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã làm việc với Trung tâm pháp y tỉnh Bắc Ninh để làm rõ về kết quả giám định của đơn vị này.

Kết quả, đơn vị này đã phải thừa nhận rằng các thương tích được kết luận trong bản giám định pháp y mà mình ban hành là không dựa trên văn bản pháp luật đang có giá trị điều chỉnh. Chính vì vậy, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/7/2015, đại diện của cơ quan này đã phải thừa nhận rằng kết quả giám định là không chính xác và xin rút lại bản kết luận giám định.

Trên cơ sở, Bản kết luận giám định pháp y bị rút lại, TAND tỉnh Bắc Ninh đã phải hủy bản án sơ thẩm để thực hiện điều tra lại.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm