Kiên Giang: Cụ bà dành nửa đời người ròng rã đi đòi 4500m2 đất!
(Dân trí) - Năm 1983, chính quyền huyện An Biên “vận động” bà Thị Sảnh giao 5.400m2 đất xây công trình công ích nhưng rồi bỏ hoang. Đến 1993, nếu bà Sảnh đồng ý, chính quyền địa phương sẽ giải quyết cho một nền nhà nhưng bà Sảnh không đồng ý và ròng rã đi khiếu nại suốt 33 năm qua.
Ròng rã 33 năm đi đòi 5.400m2 đất
Bà Thị Sảnh có mảnh đất 5.400m2 ở khu phố 2, thí trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Mảnh đất này do ông bà khai phá và để lại cho vợ chồng bà Thị Sảnh canh tác từ trước năm 1975. Và khi Quốc lộ 63 đi qua, chia mảnh đất 5.400m2 bà Thị Sảnh ra 2 phần, phần diện tích 4.500m2 nằm phía trên quốc lộ 63, phần 900m2 nằm cặp kênh Xẻo Rô.
Phần diện tích 4.500m2 bà Sảnh trồng hoa màu, nuôi sống gia đình, phần 900m2 cặp mé sông bà Sảnh cất nhà và buôn bán nhỏ sinh sống. Đến 1983, chính quyền huyện An Biên đến “vận động” gia đình bà Thị Sảnh cho một diện tích đất (nằm ở phần đất 4.500m2) mở lối đi ra sân bóng. Nhưng sau đó, chính quyền nói đất bà Sảnh là đất đồn giặc nên lấy hết phần đất còn lại. Bà Thị Sảnh và các con khiếu nại từ thị trấn đến huyện An Biên nhưng chính quyền địa phương quyết tâm lấy đất nhưng sau đó bỏ hoang đến 1993 mới có quy hoạch xây nhà thiếu nhi.
Đến 1993, huyện An Biên chính thức công cố quy hoạch xây dựng nhà thiếu nhi và có 18 hộ dân có đất trong qui hoạch. Và tại thông báo về kết quả bình xét số hộ chính sách trong khu giải tỏa được tạm cấp nền nhà ở trong khu quy hoạch tổng thể của cụm hoạt động VHTT-TT huyện An Biên tại thị trấn Thứ Ba, ngày 3/3/1993, Ban chỉ đạo xây dựng huyện An Biên lúc bấy giờ đưa ra giải quyết về việc đền bù, hỗ trợ cho gia đình bà Thị Sảnh.
Cụ thể: “đối với diện tích đất cặp kênh Xẻo Rô, UBND huyện quyết định bồi hoàn để mở rộng bến đò. Nếu bà Thị Sảnh chấp hành, Ban chỉ đạo sẽ xét cấp cho bà 1 nền nhà ở trong phạm vi quy hoạch. Còn phần đất phía trên quốc lộ 63, nằm trong phạm vi giải tỏa xây dựng khu văn hóa, giao cho Ban chỉ đạo và thị trấn tiếp tục xác minh nếu rõ bà có quyền sử dụng như đơn yêu cầu là UBND huyện làm thủ tục bồi hoàn hoa lợi đúng như Nhà nước qui định”.
Huyện, tỉnh nói dân bỏ đất…
Về nguồn gốc đất của bà Thị Sảnh, UBND tỉnh Kiên Giang xác định chỉ có 3.741m2. Trước 1971 gia đình bà Thị Sảnh trồng hoa màu trong phạm vi 3.330m2 (phía trên quốc lộ 63) và cất nhà ở phần đất 411m2 (cặp kênh Xẻo Rô). Năm 1971, chế độ cũ xây dựng căn cứ quân sự trên đất giáp ranh phần đất 3.330m2 của bà Thị Sảnh, từ đó gia đình bà Sảnh không sử dụng phần đất này. Sau 1975, Nhà nước quản lý diện tích 3.330m2, đến 1993 quy hoạch xây dựng nhà thiếu nhi và sử dụng cho đến nay.
Riêng phần đất 411m2, gia đình bà Thị Sảnh sử dụng và đến năm 1983, Nhà nước quy hoạch sử dụng làm cửa hàng vật tư nông nghiệp và bến đò với diện tích 315,m2; còn lại diện tích 95,5m2 để trống. Đến năm 1986 gia đình bà Thị Sảnh trở về sử dụng diện tích 95,5m2 làm nhà ở tới nay.
Đến 1995 bà Thị Sảnh có đơn gửi đến UBND huyện An Biên yêu cầu Nhà nước giao trả hoặc bồi thường phần đất có diện tích thực tế 3.741m2 đất, gồm: 3.330m2 phía trên quốc lộ 63 và diện tích đất 411m2 giáp kinh Xẻo Rô, khu vực 2, thị trấn Thứ Ba. Lí do diện tích đất này của gia đình bà khai phá sử dụng, Nhà nước qui hoạch và sử dụng vào năm 1975 và năm 1983 cho đến nay.
Sau khi tiếp nhận đơn của bà Thị Sảnh, từ 1995 đến 2009, UBND huyện An Biên, UBND tỉnh Kiên Giang lần lượt ra các quyết định giải quyết không thừa nhận khiếu nại của bà Thị Sảnh; giao UBND huyện An Biên giao cấp đất và cấp Giấy CNQSDĐ diện tích 95,5m2 (trong số diện tích 411m2 cặp kênh Xẻo Rô) cho bà Thị Sảnh làm nhà ở. Bà Thị Sảnh không đồng ý nên khiếu nại đến cấp trung ương.
Ông Nguyễn Việt Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết: Khi nhận được đơn khiếu nại của bà Thị Sảnh, UBND huyện căn cứ vào các qui đinh pháp luật về đất đai đã ra văn bản trả lời cho người dân và UBND tỉnh cũng không thừa nhận các khiếu nại của Sảnh. Gia đình bà Sảnh có đơn gửi cấp trung ương và tháng 8/2016 vừa rồi Thanh tra Chính phủ đã vào đây xác minh nội dung đơn khiếu nại của gia đình bà Sảnh. Do vậy, vụ việc khiếu nại của bà Sảnh chính quyền địa phương không còn thẩm quyền giải quyết. Địa phương đang chờ kết luận của đoàn thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để sớm giải quyết dứt điểm sự việc này.
…cán bộ trực tiếp lấy đất lên tiếng
Đại diện chính quyền huyện An Biên và UBDN tỉnh Kiên Giang xác định nguồn gốc đất bà Thị Sảnh là vậy. Tuy nhiên, PV Dân trí gặp ông Danh Long - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba cũng là người trực tiếp đến nhà vận động bà Thị Sảnh giao đất cho nhà nước thì khẳng định có việc chính quyền địa phương lấy đất của bà Sảnh.
Gia đình anh Danh Leo ròng rã 33 đi đòi lại mảnh đất của gia đình
Ông Danh Long, nói: Diện tích đất chính xác là bao nhiêu tôi không nhớ rõ nhưng tổng diện tích đất cặp kênh Xẻo Rô và phần đất được nhà nước lấy xây nhà thiếu nhi thì trên 4.000m2. Và trong khoảng thời gian 1975 – 1983, huyện có chỉ đạo đưa 52 hộ đi vùng kinh tế mới nhưng không có hộ bà Sảnh, vì bà Sảnh có đất, nhà tại địa phương. Điều thứ 2 tôi muốn khẳng định, vào thời điểm này tôi là Chủ tịch UBND thị trấn thứ 3, thừa lệnh huyện vận động bà Thị Sảnh giao phần đất nằm trên quốc lộ 63 để xây nhà thiếu nhi. Gia đình bà Sảnh phản đối nhiều lần nhưng vì sự cần thiết nên chúng tôi cưỡng chế lấy đất mà không có bồi hoàn hay hỗ trợ gì cho bà Sảnh.
Còn ông Võ Minh Tý - Nguyên Chủ tịch huyện, nguyên Bí thư huyện ủy An Biên (từ 1989 - 2000) cho biết: “Thời điểm 1989 tôi là Chủ tịch huyện, huyện nhận định cần xây dựng khu vui chơi cho trẻ em là việc cần làm nhưng khi đó đâu có việc lấy ngân sách đi mua đất để làm công ích và cũng không có việc bồi thường… đành lấy lí do đất nền đồn giặc buộc gia đình bà Sảnh giao 4.500m2 để thực hiện công trình. Do vậy hôm nay tôi khẳng định việc nói đất bà Sảnh là đất đồn giặc là không đúng, sự thật đất bà giáp với cảnh sát đồn ngụy. Tôi đề nghị các cấp cần quan tâm giải quyết vụ việc này một cách thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi cho gia đình bà Sảnh để dứt điểm tranh chấp kéo dài, góp phần ổn định tình hình chung. Nếu cơ quan chức năng cần thiết tạm giam tôi để xác minh tôi cũng đồng tình…”.
Nguyễn Hành