Kiên Giang: Đề nghị làm rõ vụ án có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ!
(Dân trí) - Phát hiện hồ sơ vụ việc có nhiều điểm bất thường, doanh nghiệp đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra cấp cao. Kết quả giám định của ngành chức năng cho thấy hố sơ có dấu hiệu bị làm giả chữ ký, làm sai lệch để ra bản án trái pháp luật…
Thụ lý sai thẩm quyền?
Theo hồ sơ (HS) vụ việc, năm 2014 Cty CP Núi Ngọc (huyện Phú Quốc) được Ban Quản lý phát triển đảo Phú Quốc cấp phép đầu tư Dự án Moutanin Pearl Resort and Boutique Hotel tại núi Ông Quán (thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc) với vốn đầu tư 160 tỉ đồng. Quá trình thực hiện dự án, Cty CP Núi Ngọc có ký hợp đồng với ông Lê Minh Huê (xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc) và bà Phan Thị Thanh Tú (xã Xuân Đỉnh, quận Từ Liêm, Hà Nội) về việc góp vốn và nhượng cổ phần. Sau đó, các bên xảy ra tranh chấp, ông Huê và bà Tú đồng đứng đơn kiện Cty CP Núi Ngọc ra TAND huyện Phú Quốc.
Trong vụ việc này, ngoài nguyên đơn và bị đơn, còn có một cá nhân (xin không nêu tên) là thành viên góp vốn của Cty CP Núi Ngọc. Tại các văn bản của tòa đều xác định người này là đương sự tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vụ việc được thụ lý ngày 14/9/2015 theo Thông báo thụ lý số 13/2015/TB-TLVA của TAND huyện Phú Quốc, nhưng đương sự đã được cấp thẻ thường trú nhân định cư lâu dài tại nước ngoài từ ngày 29/8/2014. Tại thời điểm tòa thụ lý vụ việc, đương sự cũng không có mặt tại Việt Nam.
Tại khoản 3, Điều 33 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự 2011 quy định rõ: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện”.
Tuy nhiên, TAND huyện Phú Quốc vẫn thụ lý vụ việc; và sau nhiều lần hòa giải, tạm dừng, đến ngày 21 và 25/7/2016, TAND huyện Phú Quốc mở phiên sơ thẩm dân sự xét xử vụ việc và tuyên xử Cty CP Núi Ngọc thua kiện, buộc Cty này hoàn trả số tiền góp vốn và bồi thường thiệt hại cho ông Huê và bà Tú số tiền trên 10 tỉ đồng.
Có dấu hiệu giả mạo chữ ký
Nghiêm trọng hơn, trong một lần đối chiếu các HS sao chụp tại TAND huyện Phú Quốc, Cty CP Núi Ngọc bất ngờ phát hiện trên nhiều tài liệu vụ việc, chữ ký và chữ viết của bà Phan Thị Thanh Tú có dấu hiệu bị giả mạo.
Từ tố cáo của doanh nghiệp, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã vào cuộc xác minh vụ việc. Trên cơ sở này, Phân viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát) đã tiến hành giám định những tài liệu có liên quan trong vụ án. Ngành chức năng đã so sánh các văn bản gồm: “Biên bản (ghi nhận vắng mặt đương sự trong phiên hòa giải lần 1) đề ngày 18/12/2015”, “Biên bản không hòa giải được” đề ngày 5/1/2016, “Biên bản tạm tính thiệt hại” đề ngày 21/1/2016, “Đơn đề nghị xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” đề ngày 20/1/2016, “Đơn yêu cầu (về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời)” đề ngày 20/1/2016; qua đó xác định chữ viết và chữ ký của bà Tú không phải do cùng một người viết và ký ra.
Như vậy, chữ viết và chữ ký của bà Tú trên các tài liệu nói trên đã có dấu hiệu bị giả mạo. Đặc biệt, trong 3 biên bản vừa kể đều có chữ ký (có mộc đỏ) của Thẩm phán Trương Ngọc Hồng và Thư ký tòa Trương Văn Kiệt (TAND huyện Phú Quốc). Sau đó, từ các “văn bản bất thường” này, TAND huyện Phú Quốc đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản của Cty CP Núi Ngọc.
Luật sư Nguyễn Hoài Bảo (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Vụ việc đã cho thấy có dấu hiệu bất thường về chữ ký của bà Phan Thị Thanh Tú trên các văn bản tố tụng. Cần nói thêm rằng, thủ tục hỏi đáp đương sự để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và thủ tục hòa giải là những hoạt động tố tụng trực tiếp buộc có thẩm phán trực tiếp tham gia điều hành thực hiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Vậy chủ thể nào làm giả chữ ký, làm sai lệch HS VA? Và chủ thể nào giúp sức và nhằm mục đích gì? Cơ quan cảnh sát điều tra Viện KSND tối cao cần tiến hành xác minh, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật…
Ngoài ra, căn cứ bản án sơ thẩm Dân sự số: 32/2016/DS-ST ngày 25/07/2016 của tòa án nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và các tài liệu do bị đơn: Công ty Cổ phần Núi Ngọc cung cấp (thông qua cơ quan truyền thông), Luật sư Nguyễn Văn Đức (văn phòng Ls.Vạn Lý, đoàn Luật sư tp. Cần Thơ) có ý kiến sau:
Do đây là bản án chưa có hiệu luật pháp luật, do bị đơn: Công ty Cổ phần Núi Ngọc kháng cáo. Vì vậy tòa án cấp phúc thẩm TAND tỉnh Kiên Giang sẽ xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.
Bản án Dân sự số: 32/2016/DS-ST ngày 25/07/2016 nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm – TAND tỉnh Kiên Giang không thể khắc phục được. Việc cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện để rút lên thụ lý lại theo trình tự sơ thẩm là cần thiết, bởi: thẩm quyền thụ lý và giải quyết đối với vụ án này không thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện. (Căn cứ: khoản 3 Điều 33 BLTTDS năm 2004 và khoản 1 điều 7 Nghị quyết: 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao)
Luật sư Đức còn cho rằng: Căn cứ Kết luận giám định của phân viện Khoa học hình sự số: 3639/C54B ngày 17/11/2016 cho thấy có dấu hiệu “làm sai lệch hồ sơ vụ án” để “ra bản án trái pháp luật” của quan tiến hành tố tụng, hay nói cách khác có dấu hiệu xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Cụ thể Điều 300 và 295 BLHS.
Vì vậy thiết nghĩ Cục Điều tra hình sự VKSND tối cao vào cuộc và có văn bản để yêu cầu TAND tỉnh Kiên Giang tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm, để điều tra xác minh để làm rõ nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Hành