Khủng hoảng cán bộ ở đại học?

Đọc bài "<a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Vi-sao-toi-danh-tu-bo-nghe-day-hoc/2008/7/244026.vip"> Vì sao tôi đành từ bỏ nghề dạy học?</a>" tôi thực sự thông cảm với bạn Nguyễn Thanh Mai. Là một giảng viên lâu năm tại một trường ĐH, tôi đã nhiều lần, nhiều năm trăn trở về vấn đề này.

Tôi cũng nhiều lần tâm sự với các đồng nghiệp ở cương vị lãnh đạo (Hiệu trưởng, Hiệu phó) nhưng đều ở tình thế... lực bất tòng tâm!

Theo sự điều chỉnh tất yếu của thị trường lao động hiện nay, nhiều cán bộ giảng dạy đai học có trình độ tốt đang tìm cách chuyển ra các công ty nước ngoài và các công ty tư nhân để tìm kiếm một cuộc sống đảm bảo hơn. Việc này thật không khó với họ vì thị trường lao động lúc này đang thiếu trầm trọng những cán bộ có chuyên môn giỏi và biết ngoại ngữ.

Tiêu chuẩn để những sinh viên tốt nghiệp đại học dự thi trở thành cán bộ giảng dạy ở trường tôi là có điểm bình quân 5 năm học 7,5 trở lên và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS 6.0 hoăc TOFEL 550 trở lên). Với tiêu chuẩn trên, ứng viên có thể dễ dàng kiếm được một công việc có mức lương khoảng 7 đến 10 triệu ở một công ty nước ngoài, có môi trươờng làm việc văn minh, hiện đại. Vậy lý do nào để họ phấn đấu trở thành giảng viên đại học với mức lương khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng? Làm thế nào để sống được với mức lương ấy trong thời “bão giá” này?

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Hiện nay, các em xin ở lại trường tôi làm cán bộ giảng dạy đa số là nữ, những người xác định chọn một công việc phù hợp để sau này có điều kiện... chăm sóc gia đình. Một số các em khác xin ở lại trường để có cơ hội học hành, đạt được các bằng cấp cao hơn. Tuy nhiên, học xong mà mức thu nhập như hiện nay liệu họ có về trường không vẫn còn là một dấu hỏi lớn? Trong những năm qua, một số cán bộ giảng dạy của trường tôi cũng đã lần lượt... ra đi.

Ở thế hệ chúng tôi, việc được giữ ở lại trường là một vinh dự lớn vì lúc bấy giờ một khoá học 300 sinh viên ra trường chỉ có khoảng 2-3 người được vinh hạnh ấy. Còn lương bổng ư? Ở thời ấy mọi người đều sống nghèo khổ như nhau, lương giống nhau thì có việc gì phải nghĩ?

Nhưng hiện nay, nhiều học sinh không muốn ở lại trường, hoặc ở lại rồi lại tìm cách xin đi. Do không có ứng viên đủ tiêu chuẩn xin vào, tôi đã đề nghị hạ thấp tiêu chuẩn để lấy được người giảng dạy nhưng cũng thật khó khăn. Nhiều lúc tôi băn khoăn tự hỏi: cứ đà này rồi đến một lúc nào đó sẽ phải lấy kĩ sư tốt nghiệp loại trung bình... làm công tác giảng dạy đại học sao? Ảnh hưởng của ngành giáo dục đại học ở tầm mức cấp số nhân. Là một người đã gắn bó lâu năm với ngành giáo dục đào tạo, tôi không khỏi lo ngại về tương lai của ngành.

Trường tôi tình hình có khá hơn trường hợp mà bạn Mai đề cập là môi trường làm việc, các bạn trẻ được tạo điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, lương bổng thì vẫn ở chung tình trạng mà bạn đã nêu. Ngay cả những trường hợp công tác lâu năm, có học hàm, học vị như tôi, tổng thu nhập hàng tháng cũng không vượt quá 5 triệu. Cuộc sống của gia đình tôi trong thời "bão giá" này phần lớn vẫn nhờ vào công việc làm thêm của tôi.

Cách đây 2 năm, trường tôi có nghị quyết phấn đấu đến năm 2008 sẽ tăng lương gấp đôi để cán bộ chú tâm vào công tác giảng dạy. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là... lâu đài trên cát vì "dự án" đó chờ vào việc xã hội hoá (Tăng học phí) nhưng... Chính phủ không duyệt, Quốc hội không đồng ý.

Cứ đà này tôi cho rằng đến một lúc nào đó những người làm ở trường đại học và cơ quan nhà nước bị đánh giá là kém năng lực... cho nên đành phải yên vị tại đây, còn những người giỏi giang thì đã tìm cách chuyển đi làm nơi khác.

Đã đến lúc Chính Phủ cần phải có hành động cụ thể hơn đối với ngành giáo dục, nhất là đối với đại học, nếu không sẽ quá muộn. Không có cách nào khác là phải đầu tư nhiều hơn, phải xã hội hoá mạnh dạn hơn để nâng cao đời sống giáo viên, vì suy cho cùng con người vẫn là yếu tố quyết định của mọi vấn đề.

Vũ Minh
mk@v.trac.com


LTS Dân trí - Đại học luôn giữ vị trí đầu tầu trong hệ thống giáo dục quốc dân, chính nơi đây đào tạo ra đội ngũ trí thức có vị trí đặc biệt quan trọng cho đất nước, bao gồm cả những người thầy dạy ở các trường phổ thông, chuyên nghiệp và dạy nghề.

Một điều rất đáng quan tâm hiện nay là điều kiện hành nghề, nhất là đời sống của các thầy giáo dạy đại học còn gặp nhiều khó khăn, khiến họ nản lòng, tìm cách chuyển đi làm công việc khác.

Bài viết trên đây của một cán bộ giảng dạy lâu năm, có học vị học hàm, cũng như nhiều cán bộ giảng dạy khác đã viết bài cho Diễn đàn Dân trí đều nêu lên thực trạng rất đáng quan tâm đó.

Điều cấp thiết hiện nay là phải tìm mọi cách chăm lo đời sống và tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho cán bộ giảng dạy đại học. Nếu không làm được điều này thì không thể nói đến việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, mà ngược lại chất lượng sẽ ngày càng sa sút vì những cán bộ giỏi chuyên môn bỏ đi hết và không tuyển dụng được thêm những cán bộ trẻ có triển vọng.

Đấy là dấu hiệu báo trước của tình hình khủng hoảng cán bộ giảng dạy ở bậc đại học mà hình như lãnh đạo cấp trên chưa có cái nhìn thấu đáo và chưa có biện pháp khắc phục kịp thời.