Không thể chần chừ trước những tiêu cực ở bệnh viện
(Dân trí) - Thực tế hiện nay, không chỉ nhân dân mà cả những cán bộ vốn đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng, lúc về hưu mới hay ốm đau phải đến bệnh viện thì bị “hành” nhiều quá.
Chắc ai cũng nghĩ rằng Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) chuyên điều trị cho cán bộ trung cao cấp, chắc là phải khá nhất, mẫu mực nhất trong số các bệnh viện. Nhưng thật ra lại không phải như thế. Tôi xin nêu ra một dẫn chứng mà chính mình là “người trong cuộc”.
Cách đây ít lâu, do u xơ tuyến tiền liệt tôi bị bí tiểu tiện từ đêm hôm trước, nhưng phải chờ đến sáng hôm sau mới gọi xe taxi đi cấp cứu. Phải nửa giờ sau xe mới đến cổng Bệnh viện Hữu nghị, nói khó với bảo vệ cho xe chạy thẳng vào phòng cấp cứu. Tôi gắng gượng lom khom ra khỏi xe, ôm bụng đi vào phòng trực cấp cứu, và được đón tiếp bằng gương mặt lạnh tanh của những thầy thuốc ở đây.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Sau khi nghe tôi nói bị bí tiểu tiện từ đêm qua, một nam bác sĩ liền bảo: Ông phải lên phòng khám bệnh xếp hàng. Năn nỉ với bác sĩ phòng cấp cứu không được, tôi bảo vợ dìu ra cổng để đành mất tiền “khám tự nguyện”. Nhưng tiếc rằng ở đây không có dịch vụ thông bí tiểu tiện. Đành trở lại phòng khám theo đúng tuyến của Bệnh viện Hữu Nghị, lúc này chồng sổ đã xếp cao, mà ở đây không có số ưu tiên dành cho bệnh tình cần cấp cứu.
Chờ mãi mới lấy được số vào phòng khám 10, lại phải nói khó với các bệnh nhân có số khám trước về tình trạng bí tiểu tiện của mình để được vào khám ngay. Cũng may gặp được BS Phan Lạc Tuyên, Phó chủ nhiệm khoa, liền ký giấy cho tôi nhập viện.
Dù đã có chữ ký của BS Phó chủ nhiệm khoa cho nhập viện, nhưng không có ai chỉ dẫn làm thủ tục hồ sơ, cho nên phải đi lại rất nhiều lần trong tình trạng bí tiểu tiện như vậy thì phải nói là rất khổ cho người bệnh. Và trước khi vào nằm viện lại phải trở lại phòng cấp cứu để thông tiểu tiện.
Như vậy là phải đi lòng vòng hết một buổi sáng để quay lại chính cái nơi mình đã tìm đến ban đầu, mà lẽ ra phòng cấp cứu có thể giải quyết ngay cho tôi từ lúc sáng sớm. Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn phải nén lòng và lễ phép trình đủ giấy tờ cho nhập viện và chuyển cho phòng cấp cứu giải quyết trước tình trạng bí tiểu tiện.
Đã hết giường, tôi được một nữ BS hay y tá gì đó bảo nằm lên một cái cáng đẩy đưa vào một căn phòng ẩm mốc, nhìn lên trần nhà đầy những vết rỉ nước loang lổ. Trong lúc cùng đẩy cáng với người thầy thuốc đó, vợ tôi vội nhét vào túi áo blu một chiếc phong bì và nói thông tiểu tiện giúp cho ngay kẻo sợ để lâu quá nước tiểu tràn lên thận làm hư thận.
Quả thật “đồng tiền đi trước” có hơn, tôi được thông tiểu tiện ngay chứ không bị từ chối như lúc sáng. Sau đó được chuyển lên điều trị ở khoa E4. Phải chờ qua mấy ngày nghỉ phép (nghỉ chủ nhật liền với các ngày nghỉ 30-4 và 1-5), tôi mới được rút ống thông. Hôm ấy lại phải chứng kiến một chuyện không vui, chị bác sĩ sau khi rút ống thông ra cho tôi thì để nhây máu ra giường, liền bảo: “Bác lau sạch những vết máu này đi nhé và vứt luôn mấy cái này đi” - tức là cái túi đựng nước tiểu dính liền vói bộ phận ống thông. Đang bị đau vì mới rút ống thông, tôi vẫn phải nén chịu thu mấy thứ lòng thòng đó vứt vào thùng rác ở phòng vệ sinh, rồi quay vào giường nằm gột đi gột lại cho sạch hết những vết nhơ do BS để lại!
Nhìn thấy tôi làm những công việc đó, hai ông bạn bệnh nhân nằm cùng phòng đều tỏ ý bất bình về cách đối xử của người thầy thuốc.
Nhớ lại hôm ở phòng cấp cứu mới lên đây, tôi bị chảy máu ra quần do phải đi xa và leo lên tầng 4 của nhà E4, khi đổi quần áo liền bị trả lại bảo phải tự giặt hết máu mới được đổi quần áo mới. Những khó dễ ấy chẳng qua là vì thiếu phong bì lót tay cho người giữ quần áo, còn ông bạn bệnh nhân nằm cạnh tôi lại được ưu tiên nhiều thứ, hỏi ra mới biết ông ấy đã lót tay 100 nghìn đồng cho chị phát quần áo, chăn màn.
Tình cảnh trên đây đâu riêng tôi phải gánh chịu mà là tình cảnh chung của tất cả những ai khi phải đặt chân vào bệnh viện.
Thiết nghĩ sự mất nền nếp, kỷ cương, sự xuống cấp của y đức cũng như những hiện tượng tiêu cực diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở nơi bệnh viện chính là một trong những điều bức xúc hiện nay mà đông đảo người dân phải gánh chịu, trong đó bao gồm cả những cán bộ có tiêu chuẩn khám bệnh và điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị, một bệnh viện tuyến trên và không xa Bộ Y tế bao nhiêu.
Đã đến lúc phải có biện pháp đồng bộ và quyết liệt lập lại trật tự và đẩy lùi những tiêu cực diễn ra hằng ngày hằng giờ ở nơi dành làm chỗ hành nghề của những Thầy Thuốc có đủ y đức, xứng đáng là một trong hai Người Thầy (cùng với Thầy Giáo) luôn luôn dược xã hội ta kính trọng.
Thiện Tâm
(37 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội)
LTS: Chúng tôi đồng tình với ý kiến đề xuất của tác giả bài báo nói trên. Trước sự mất nền nếp, kỷ cương và hiện tượng tiêu cực diễn ra phổ biến ở các bệnh viện, một lần nữa chúng tôi khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế hãy phát động trong toàn ngành cuộc vận động “nói không với tiêu cực”, thực hiện những biện pháp đồng bộ và quyết liệt, để trả lại môi trường trong sạch nơi bệnh viện.