Kho hàng tại Hà Nội bị thiêu rụi, chủ hàng có được yêu cầu bồi thường?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo các luật sư, yếu tố quan trọng cần làm rõ là việc vụ hỏa hoạn có phải sự kiện bất khả kháng hay không. Đây là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường của chủ kho trong vụ việc.

Như Dân trí thông tin, tối 16/10, lửa bùng lên tại kho xưởng rộng khoảng 300m2 gần trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thiêu rụi gần như toàn bộ hàng hóa trong kho bao gồm kính, giấy và mỹ phẩm. 

Từ sự việc trên, một vấn đề pháp lý được nhiều người đặt ra, đó là chủ kho hàng có phải bồi thường cho chủ hàng hóa tập kết trong kho hay không? Những vấn đề pháp lý nào cần làm rõ để xác định trách nhiệm dân sự trong sự việc này?. 

Kho hàng tại Hà Nội bị thiêu rụi, chủ hàng có được yêu cầu bồi thường? - 1

Nhiều sản phẩm trong kho hàng bị cháy rụi hoặc hư hỏng sau vụ hỏa hoạn (Ảnh: Trần Hải).

Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ chỉ được thực hiện khi thỏa mãn ba điều kiện sau: Thứ nhất, có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác (yếu tố lỗi); Thứ hai, có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần và Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người bị thiệt hại đều được bồi thường. Theo pháp luật dân sự, một số trường hợp được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể kể đến như do sự kiện bất khả kháng, hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hay do thỏa thuận giữa các bên.

Trong đó, sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, trong trường hợp xảy ra cháy nổ, công ty kinh doanh kho hàng, kho bãi - đơn vị có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình lưu trữ chỉ phải bồi thường khi thỏa mãn các điều kiện như đã phân tích tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. 

"Để xác định trách nhiệm bồi thường khi kho hàng bị cháy rụi, cần xác định chính xác nguyên nhân gây cháy. Nếu vụ cháy xảy ra do hành vi chủ quan hoặc lỗi trong công tác thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật từ phía công ty thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngược lại, nếu cháy do sự kiện bất khả kháng và công ty dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép mà vẫn xảy ra hỏa hoạn thì đơn vị này có thể không phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần xem xét đến các điều khoản trong hợp đồng giữa chủ hàng và công ty chủ kho để xác định trách nhiệm của các bên trong trường hợp xảy ra sự cố. Nếu hợp đồng quy định chủ kho có trách nhiệm bồi thường khi hàng hóa bị thiệt hại kể cả trong trường hợp xảy ra cháy nổ (do cố ý hay vô ý) thì công ty vẫn sẽ phải bồi thường", luật sư Tuấn phân tích. 

Tổng hợp những căn cứ trên, ông Tuấn cho rằng để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp kho hàng bị cháy, cần xem xét nguyên nhân gây cháy, mức độ lỗi của chủ kho, các thỏa thuận hợp đồng và kết quả giám định tổn thất. Chỉ khi có đủ thông tin và chứng cứ, chủ hàng mới có thể yêu cầu chủ kho bồi thường thiệt hại một cách hợp pháp và có lợi nhất.

Kho hàng tại Hà Nội bị thiêu rụi, chủ hàng có được yêu cầu bồi thường? - 2

Hiện trường ngổn ngang sau vụ hỏa hoạn (Ảnh: Trần Hải).

Cũng theo dõi sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng trong sự việc này, giữa chủ kho và chủ hàng tồn tại mối quan hệ gửi giữ hàng hóa. Theo đó, mọi quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên được thỏa thuận trong hợp đồng gửi giữ hoặc hình thức giao kết gửi giữ khác.

Khi sự kiện cháy kho hàng xảy ra, dẫn đến thiệt hại về tài sản cho phía chủ hàng thì trước tiên cần phải chiếu theo những điều khoản trong hợp đồng, thỏa thuận giữa các bên có cam kết cụ thể như thế nào về quyền, nghĩa vụ trong trường hợp xảy ra cháy kho hàng hay không.

"Trường hợp có thỏa thuận về việc chủ kho phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ hàng đối với số hàng hóa gửi giữ bị mất, bị hư hỏng do cháy, kể cả do bất khả kháng gây ra thì trách nhiệm phía chủ kho có trách nhiệm bồi thường do đây là thỏa thuận tự nguyện theo ý chí của các bên.

Còn nếu các bên không có thỏa thuận cụ thể bồi thường thiệt hại thì cần phải xem xét vụ cháy có được xác định là sự kiện bất khả kháng hay không. Nếu vụ cháy có đầy đủ các dấu hiệu của sự kiện bất khả kháng, trách nhiệm bồi thường có thể được miễn trừ", luật sư Giáp nhận định. 

Ngoài ra, luật sư cho rằng với tính chất sự việc, có thể chuyển hồ sơ để điều tra đối với các điều kiện hoạt động của kho hàng, nguyên nhân cháy hay các biện pháp, điều kiện phòng cháy chữa cháy của kho hàng nói trên. Nếu xác định chủ kho vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện hoạt động kho thì vấn đề đặt ra có cần thiết áp dụng sự kiện bất khả kháng hay không? Hơn nữa, nếu chủ kho có mua bảo hiểm cháy nổ thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ hài hòa hơn do phía Công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả bảo hiểm theo quy định.

Kho hàng tại Hà Nội bị thiêu rụi, chủ hàng có được yêu cầu bồi thường? - 3

Lực lượng chức năng phun nước dập lửa tại hiện trường (Ảnh: Trần Hải).

Hàng trăm người xuyên đêm nỗ lực chữa cháy khu nhà xưởng ở Hà Nội