Cái giá của việc mở cửa xe bừa bãi

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo quy định, hành vi mở cửa xe không đảm bảo an toàn làm chết người có thể bị phạt tới 5 năm tù. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được hậu quả của hành vi này.

Như Dân trí thông tin, khoảng 10h ngày 13/10, bà L.T.H.H. (48 tuổi, ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang lưu thông trên đường Trương Công Định (TP Vũng Tàu) thì va vào cửa xe taxi do nam tài xế mở cửa đột ngột. Vụ va chạm khiến bà H. ngã xuống đường, bị ô tô 4 chỗ cán qua người, kéo lê khoảng 10 m dẫn tới tử vong. 

Lâu nay, việc người ngồi trên ô tô mở cửa bất cẩn gây va chạm, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc không phải chuyện hiếm gặp. Pháp luật đã quy định cụ thể về chế tài đối với hành vi trên, song dường như không phải ai cũng hiểu về hậu quả pháp lý to lớn mà họ có thể gánh chịu đối với một hành động nhỏ như thế này. 

Cái giá của việc mở cửa xe bừa bãi - 1

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm khiến một phụ nữ tử vong ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Người dân cung cấp).

Để nói về chế tài xử lý, trước tiên cần biết được việc mở cửa xe thiếu quan sát có phải hành vi bị pháp luật nghiêm cấm hay không. Theo đó, khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường phải đảm bảo các yêu cầu như có tín hiệu báo cho phương tiện khác; dừng đỗ ở nơi lề đường hoặc khu đất rộng ở ngoài phần đường xe chạy hay chỉ được rời xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn. Ngoài ra, người trên xe không được phép mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn. 

Như vậy, pháp luật đã có quy định về việc người trên xe khi mở cửa xe cần đảm bảo những điều kiện an toàn. Mọi hành vi mở cửa xe hoặc để cửa xe mở mà thiếu quan sát, xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, làm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đều là vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng các chế tài phù hợp, tùy thuộc mức độ và tính chất của hành vi vi phạm. 

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền đối với hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn là 400.000 - 600.000 đồng. 

Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp hành vi mở cửa xe không đảm bảo an toàn và gây ra những hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hay gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên, người vi phạm thậm chí có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Đối chiếu với vụ tai nạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, theo thông tin từ cơ quan chức năng, sự việc bắt nguồn từ việc nam tài xế taxi mở cửa đột ngột khiến nạn nhân ngã xuống đường và bị một ô tô khác cán qua người, kéo lê dẫn tới tử vong.

Như vậy, hành động mở cửa xe của nam tài xế không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, xét trên bức tranh tổng thể vụ việc, đây là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn chết người và nếu không có hành vi bất cẩn nêu trên, hậu quả chết người có thể đã không xảy ra. Do đó, cơ quan chức năng vẫn có cơ sở để xem xét trách nhiệm của người này về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Trong trường hợp bị quy kết trách nhiệm hình sự, mức phạt người này có thể phải đối mặt là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. Về trách nhiệm dân sự, nam tài xế phải bồi thường cho nạn nhân đối với phần thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình gây ra. 

Cái giá của việc mở cửa xe bừa bãi - 2

Toàn cảnh hiện trường vụ tai nạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh cắt từ clip).

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần tập trung làm rõ là trách nhiệm của tài xế xe 4 chỗ cán tử vong nạn nhân. 

Theo đó, việc nạn nhân ngã văng ra đường sau va chạm với xe taxi là sự việc khách quan, bất ngờ, nằm ngoài dự đoán của tài xế này. Tuy nhiên, để đảm bảo vụ việc được giải quyết một cách khách quan và toàn diện, cơ quan chức năng vẫn sẽ mời tài xế này tới làm việc để lấy lời khai, củng cố tài liệu, chứng cứ.

Trong đó, cần tập trung làm rõ những vấn đề như khoảng cách giữa phương tiện và nạn nhân trước thời điểm va chạm là bao xa; thời điểm tài xế quan sát được nạn nhân bị ngã ra đường là khi nào; tốc độ phương tiện trước thời điểm va chạm là bao nhiêu hay tài xế đã xử lý như thế nào để hạn chế tối đa hậu quả xảy ra, đó đã phải phương án xử lý tốt nhất hay chưa... 

Đây sẽ là những căn cứ pháp lý quan trọng để xem xét liệu việc nạn nhân bị ô tô cán qua có phải sự kiện bất khả kháng hay không. Trong trường hợp đây được coi là sự kiện bất khả kháng, trách nhiệm pháp lý của tài xế này sẽ được miễn trừ. 

Ngược lại, nếu cơ quan công an xác định có yếu tố lỗi của tài xế trong vụ việc như thiếu quan sát, chưa làm chủ tốc độ hay xử lý chủ quan dẫn tới tai nạn chết người, trách nhiệm hình sự có thể được xem xét đối với người này.