Đốt pháo, đốt cả tương lai
(Dân trí) - Việc đốt pháo có thể chỉ nhằm mua vui, không gây ảnh hưởng tới ai nhưng đối chiếu các quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Như Dân trí thông tin, Phùng Đức Tài (21 tuổi), Phùng Minh Đức (27 tuổi) và Nguyễn Quang Dũng (31 tuổi, cùng quê Vĩnh Phúc) đang bị Công an TP Vĩnh Yên tạm giữ để xác minh làm rõ hành vi đốt pháo hoa nổ trái phép. Ba thanh niên này là những người tụ tập đốt pháo hoa nổ tại quảng trường thuộc địa bàn phường Khai Quang (TP Vĩnh Yên) vào tối 13/10.
Những hành động chỉ xuất phát từ mục đích "mua vui", nhưng giờ đây đang khiến 3 thanh niên có thể đối diện với những chế tài nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 9 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ, pháo hoa, pháo hoa nổ được sử dụng theo quy định tại Điều 11 và Điều 17 Nghị định này. Theo Điều 17 Nghị định này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Việc mua bán pháo hoa chỉ được thực hiện tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Như vậy, để được phép đốt pháo hoa nổ, người dân cần đáp ứng ít nhất 3 tiêu chí sau đây: Thứ nhất, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Thứ hai, sử dụng tại các dịp theo quy định tại Nghị định như lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật... và Thứ ba, sản phẩm phải được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Mọi hành vi mua bán, sử dụng pháo hoa nổ trái với các quy định trên đều là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý bằng các chế tài khác nhau, tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Về chế tài hành chính, khoản 3, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép là phạt tiền 5-10 triệu đồng và tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, chế tài không chỉ dừng ở xử phạt hành chính, mà người vi phạm thậm chí hoàn toàn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về các tội danh khác nhau quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, Mục II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định người nào đốt pháo nổ thuộc các trường hợp như đốt pháo ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người; ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện đang lưu thông hay gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác ở mức nhất định... thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với các trường hợp như đã bị kết án về tội Gây rối trật tự công cộng; lôi kéo, kích động trẻ em hoặc nhiều người cùng đốt pháo hay cản trở, hành hung người ngăn cản..., người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo khoản 2 Điều này với mức hình phạt có thể áp dụng là phạt tù 2-7 năm.
Ngoài ra, đối với trường hợp đốt pháo gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, người vi phạm còn có thể bị xem xét xử lý thêm về các hành vi như Cố ý gây thương tích hay Cố ý làm hư hỏng tài sản...
Như vậy, có thể thấy việc đốt pháo hoa nổ tại nơi công cộng có thể chỉ nhằm mục đích tạo sự chú ý, "câu like, câu view" trên mạng xã hội và không tác động trực tiếp tới quyền lợi cụ thể của các tổ chức, cá nhân nhưng đây vẫn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm tới một khách thể được pháp luật bảo hộ là an ninh trật tự công cộng.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật, hành vi đốt pháo nơi công cộng dù không gây ảnh hưởng tới ai nhưng người thực hiện vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. Thậm chí, nếu rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện hành vi, người vi phạm còn có thể bị áp dụng tình tiết định khung tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể lên tới 7 năm tù.