Hậu Giang: Dân lo nhà máy giấy tỷ đô nằm cạnh sông Hậu ảnh hưởng đến môi trường

(Dân trí) - Mới đây,bạn đọc phản ánh thông tin tới các cơ quan báo chí tại Cần Thơ cho rằng, dự án nhà máy giấy Lee&Man (có tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD) tại Hậu Giang, tới đây khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút (NaOH)/năm suống sông Hậu.

Trước thông tin trên, chiều 7/6 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh đã làm việc riêng với Công ty TNHH Giấy Lee & Man về tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải của công ty này.

Hậu Giang: Dân lo nhà máy giấy tỷ đô nằm cạnh sông Hậu ảnh hưởng đến môi trường - 1

Nhiều người dân lo lắng khi nhà máy giấy đi vào hoạt động sẽ "bức tử" sông Hậu

Trước đó, người dân tại ĐBSCL hoang mang trước thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man (thuộc tập đoàn Lee & Man Hong Kong) tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A (huyện Châu Thành, Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động và dự án này sẽ xả thải 28.500 tấn xút (NaOH) mỗi năm xuống sông Hậu, gây ô nhiễm môi trường. Do nhà máy này không có hệ thống xả nước thải.

Theo tìm hiểu PV, dự án này không nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL.

Tuy nhiên, vào năm 2007, khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án gắn với thành lập công ty TNHH Lee&Man, UBND tỉnh Hậu Giang đã có văn bản xin ý kiến các bộ như: Tài Chính, KHĐT, Thương mại, TNMT, Công nghiệp và Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Do đây là dự án không nằm trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nên UBND tỉnh Hậu Giang phải gửi hồ sơ xin ý kiến các bộ này và được đồng thuận phê duyệt dự án với tên đầy đủ là “dự án xây dựng nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm sử dụng giấy tái chế”, thời hạn 50 năm.

Dự án này chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng là 200ha, nhưng nay đã giảm xuống còn khoảng 82,8ha. Trong đó, khoảng 41ha hoạt động sản xuất giấy, còn lại dành cho sản xuất bột giấy.

Đến tháng 3/2015, dự án Nhà máy giấy Lee &Man Việt Nam chính thức được khởi công, và dự kiến đi vào hoạt động chính thức từ tháng 8/2016.

Hậu Giang: Dân lo nhà máy giấy tỷ đô nằm cạnh sông Hậu ảnh hưởng đến môi trường - 2

Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động

Công ty Lee & Man cũng có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án gửi ngành chức năng tỉnh Hậu Giang. Nhận thấy, đây là dự án lớn có nhiều vấn đề liên quan đến môi trường nên UBND tỉnh Hậu Giang đã nhờ sự hỗ trợ của Bộ TNMT. Sau đó, Bộ này đã thành lập hội đồng thẩm định tác động môi trường của dự án.

Bên cạnh đó, phía công ty cũng lập báo cáo tác động môi trường của 3 dự án gồm: Dự án nhà máy xử lý nước cấp, dự án bến cảng chuyên dùng quốc tế và dự án nhà máy nhiệt điện Lee&Man công suất 125MW. Các báo cáo này đã được UBND tỉnh Hậu Giang thẩm định và phê duyệt trong năm 2014 và 2015.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên hệ lãnh đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang thì một cán bộ thuộc ban quản lý cho biết: khi triển khai dự án, chủ đầu tư có xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 150.000m3/ngày đêm, giai đoạn 1 là 50.000m3/ngày đêm. Đến nay dự án xử lý nước thải đã hoàn thành các phần xây dựng cơ bản và đang tiến hành lắp đặt các trang thiết bị đến tháng 7 này sẽ hoàn thành và đi vào vận hành thử nghiệm.

“Dự án xây dựng nhà máy giấy của công ty TNHH giấy Lee &Man chỉ sử dụng 215.217kg xút/ngày cho hoạt động sản xuất giấy. Do đó, trong 1 năm, công ty không thể xả hơn 28.000 tấn. Chưa kể xút được sử dụng trong một quy trình tuần hoàn (tái sử dụng) nên lượng xút trong nước thải cũng rất thấp. Thông tin xả hơn 28.000 tấn xút ra môi trường là chưa chính xác” - vị cán bộ này cho biết.

Cũng theo vị cán bộ này, mỗi năm dự án sẽ xả thải 150.000m3 ra sông Hậu, đảm bảo quy chuẩn an toàn loại A, việc giám sát và quan trắc sẽ được kết nối trực tiếp với Sở TNMT để theo dõi liên tục.

Phạm Tâm