Hậu Giang:Nhiều giáo viên bức xúc vì bị “bỏ sót”chế độ trợ cấp của Chính phủ
(Dân trí) - Một số cán bộ, viên chức đang công tác ở một số sở, ngành của Hậu Giang, bức xúc phản ánh với Dân trí về việc tỉnh này thực hiện chính sách cho cán bộ, viên chức ở các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo nghị định 116 của Chính phủ quá chậm.
Ngày 24/12/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 116, về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang. Theo đó, Hậu Giang có 1.045 đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, một số trợ cấp và thanh toán tiền tàu xe…với tổng số tiền 101.239 triệu đồng trong 3 năm (2011, 2012 và 2013).
Tuy nhiên, trong suốt thời gian từ khi Nghị định số 116 có hiệu lực thi hành đến giữa tháng 6/2014 tỉnh Hậu Giang không triển khai chính sách này đến các đối tượng được thụ hưởng trong ngành giáo dục.
Một giáo viên ở trường THPT Tầm Vu 2, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A đề nghị dấu tên cho biết: sau hơn 3 năm kể từ khi Nghị định số 116 có hiệu lực thi hành thì gần cả trăm giáo viên của trường mới biết Chính phủ có chính sách này. Sau đó, các giáo viên trong diện được hưởng trợ cấp đã làm hồ sơ gửi lên cấp trên để được xét duyệt, nhưng đến nay thời gian đã trôi qua gần 1 năm chúng tôi vẫn chưa được giải quyết.
Trả lời báo chí về sự chậm trễ này, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang lý giải, ngày 23/9/2014 tỉnh Hậu Giang có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 100% nguồn kinh phí chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng theo nghị định 116 (tương đương 101.239 triệu đồng), nhưng Trung ương thẩm định duyệt chi cho ngân sách tỉnh Hậu Giang chỉ 45.803 triệu đồng, phần còn lại 55.436 triệu đồng, chiếm 54,76% Trung ương đề nghị tỉnh Hậu Giang rà soát lại.
“Trên cơ sở rà soát, báo cáo của các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, Sở Tài chính đã đề nghị Trung ương tiếp tục thẩm định lại và bổ sung đối với phần kinh phí còn lại để đầy đủ nguồn cấp một lần cho các đối tượng thụ hưởng tránh sự so bì. Nhưng do quá trình thẩm định của Trung ương kéo dài, nên việc cấp phát kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng còn chậm so với yêu cầu”- Ông Hoàng nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ khi triển khai Nghị định 116, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn Trung ương chỉ cấp 40% cho tổng số đối tượng được hưởng từ nghị định, số còn lại 60% địa phương phải trích 50% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương, 10% trích từ tiết kiệm chi thường xuyên.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lại cho biết: Trong lúc UBND tỉnh đang đề nghị với Trung ương cấp thêm số tiền còn lại khoảng trên 55 tỉ, để trợ cấp đủ cho các đối tượng thì lúc này cũng có một vài người gửi đơn thắc mắc lên Bộ Tài chính nên cơ quan này có văn bản gửi cho UBND tỉnh đề nghị tỉnh triển khai cấp tiền cho các đối tượng gấp vì Bộ đã hướng dẫn rất cụ thể, Trung ương chỉ hỗ trợ 40%, số còn lại 60% chi từ nguồn ngân sách địa phương. Hiện tỉnh đang chuyển tiền về cho các địa phương để cấp cho các đối tượng.
Ông Thanh cho biết thêm: Do Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh chậm trễ. Sắp tới để chặt chẽ hơn cho việc triển khai nghị định này, UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc với các cơ quan có liên quan và Sở Tài chính để rút kinh nghiệm thực hiện thời gian tới… Thế mà, cách đây 2 ngày khi trả lời với báo chí về lý do chậm trễ này sở Tài chính Hậu Giang vẫn nói đang đề nghị với Trung ương cấp thêm nên mới dẫn tới chậm trễ?!
Hoàng Tùng