Hà Nội: Quận Ba Đình bổ sung quyền lợi cho người dân sau loạt bài của Báo Dân trí!
(Dân trí) - Sau khi Báo Dân Trí có loạt bài thông tin về việc người dân bị thu hồi đất xây dựng đường Liễu Giai - Núi Trúc khiếu nại, không đồng tình với phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư, UBND quận Ba Đình đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tăng mức hỗ trợ tái định cư và tiền hỗ trợ cho các hộ dân.
Cụ thể, ngày 28/12/2018, UBND quận Ba Đình đã ban hành quyết định giải quyết đơn khiếu nại của bà Đặng Thị Kim Thoa, trú tại số 3 ngõ 249/2 phố Kim Mã, phường Kim Mã.
Bà Thoa khiếu nại Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND quận Ba Đình về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình bà để thực hiện dự án Xây dựng đường Liễu Giai - Núi Trúc đoạn từ khách sạn La Thành đến nút Núi Trúc (đợt 2).
Đồng thời, bà Thoa đề nghị UBND quận Ba Đình nâng giá đền bù về đất cho sát giá thị trường; Đề nghị được mua thêm 01 căn hộ tái định cư và hỗ trợ ổn định đời sống cho 03 nhân khẩu; Đề nghị không khấu trừ 40% tiền sử dụng đất; Đề nghị xem xét lại giá bán nhà tái định cư đối với diện tích 47,6m2 mua với giá nhân với hệ số k = 1,1; Đề nghị hỗ trợ các khoản khác như: Thiệt hại về giá mua đất xuất tái định cư, hạn chế về quyền sử dụng đất, tốn kém thời gian, ảnh hưởng đến đời sống vật chất tinh thần, thiệt hại do không được xây dựng…
Sau khi xem xét lại sự việc, UBND quận Ba Đình đã quyết định điều chỉnh bổ sung Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND quận Ba Đình về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình bà Đặng Thị Kim Thoa: Bán bổ sung 01 căn hộ tái định cư cho hộ gia đình bà Đặng Thị Kim Thoa, bổ sung tiền hỗ trợ ổn định đời sống khi nhà nước thu hồi đất cho 03 nhân khẩu theo quy định.
Tuy nhiên, UBND quận Ba Đình giữ nguyên các nội dung khác của Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND quận Ba Đình.
Quận Ba Đình bổ dung quyền lợi cho người dân.
Liên quan đến vấn đề giải quyết khiếu nại của UBND quận Ba Đình, phóng viên Báo điện tử Dân Trí đã có cuộc gặp và trao đổi với Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý. Luật sư Mai Bích Ngân nhận định: Việc các hộ dân tại phường Kim Mã khiếu nại Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của UBND quận Ba Đình liên quan đến các khoản bồi thường, hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất là có cơ sở pháp lý, cụ thể:
Hơn một thập kỷ trôi qua kể từ khi Dự án xây dựng đường Liễu Giai – Núi Trúc bắt đầu được triển khai từ năm 2006 thì đến đầu tháng 8/2018 các hộ gia đình tại phường Kim Mã mới nhận được Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, trong suốt khoảng thời gian này đời sống vật chất và tinh thần của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc dự án kéo dài thời gian thực hiện đã khiến người dân phải chịu rất nhiều thiệt hại, cụ thể:
Thiệt hại về giá mua suất tái định cư: Theo các dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các năm 2008, năm 2013 và năm 2018 thì thấy giá đất bồi thường có hệ số điều chỉnh giá đất giảm dần, còn giá bán căn hộ tái định cư tăng dần, cụ thể: Vào năm 2008 hoặc năm 2013 thì với 1m2 diện tích đất bị thu hồi thì các hộ gia đình có thể được nhận từ 3m2 đến gần 4m2 diện tích căn hộ tái định cư. Thế nhưng đến năm 2018, tại Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì 1m2 diện tích đất bị thu hồi, các hộ gia đình chỉ có thể mua được gần 2m2 diện tích căn hộ tái định cư. Có thể thấy rằng, đây chính là khoản thiệt hại của các hộ dân khi Nhà nước chậm trễ trong việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Hạn chế về quyền sử dụng đất: Vào khoảng năm 2006, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định thu hồi đất của các hộ dân và bắt đầu kể từ thời điểm đó đến nay, các hộ đã bị hạn chế tối đa về các quyền của người sử dụng đất, cụ thể như: Không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không được xây dựng, cải tạo nhà ở… Chính vì vậy, các cơ hội kinh doanh, cơ hội cải thiện đời sống của các hộ gia đình cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước đó, quyết định giải quyết khiếu nại của UBND quận Ba Đình không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Tốn kém thời gian, công sức, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần: Đã 12 năm trôi qua, các hộ dân có đất bị thu hồi luôn phải sống trong tình trạng bất an, lo lắng về chỗ ở, bởi hầu hết các gia đình chỉ có duy nhất một nơi ở tại phường Kim Mã. Đồng thời, trong khi người dân phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục về thu hồi đất theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước nhưng vụ việc lại kéo dài quá lâu đã mất rất nhiều thời gian và công sức của người dân, người dân không thể yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.
Thiệt hại do không được xây dựng ảnh hưởng đến không gian sống và chất lượng cuộc sống: Trong hơn 12 năm qua kể từ khi Dự án bắt đầu được triển khai, trong khi số lượng các thành viên của các hộ gia đình đã có sự thay đổi tăng lên thì các hộ lại bị hạn chế việc xây dựng đã dẫn tới việc các hộ gia đình với nhiều thế hệ phải chung sống không gian chật hẹp, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo. Bên cạnh đó, như đã nêu ở phần trên, phần lớn các hộ gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống chỉ có duy nhất một chỗ ở tại phường Kim Mã và toàn bộ diện tích đất này lại thuộc diện bị thu hồi để thực hiện Dự án. Trong khi đó, việc di chuyển chỗ ở không phải là chuyện một sớm, một chiều và điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của các hộ gia đình.
Căn cứ Điều 25 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất: “Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 của Nghị định này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Như vậy, dựa vào căn cứ này, để sớm ổn định đời sống, sinh hoạt và đặc biệt tạo nên sự công bằng đối với người có đất bị thu hồi thì việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các hỗ trợ khác đối với những thiệt hại cho các hộ gia đình có đất bị thu hồi tại phường Kim Mã là hoàn toàn phù hợp. Do đó, tại Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà UBND quận Ba Đình ban hành không phê duyệt các khoản hỗ trợ khác theo quy định tại Điều 25 Nghị định 47/2014/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế