Hà Nội đề xuất thu phí cao tốc: Cần cân nhắc khả năng chi trả của người dân

PV

(Dân trí) - Hà Nội đề xuất thu phí cao tốc không sai, thậm chí là cần thiết trong bối cảnh giao thông hiện nay. Nhưng chính sách đó chỉ thành công nếu có sự công bằng, minh bạch, đồng thuận xã hội.

Ngày 10/6, TP Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do thành phố quản lý.

Dự thảo nêu rõ, các tuyến đường có thể thu phí đáp ứng điều kiện như: Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan; bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, đưa vào khai thác và có đề án khai thác tài sản được thành phố phê duyệt.

Theo dự thảo, phí đi cao tốc được xác định trên quãng đường thực tế phương tiện di chuyển, mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).

Mục tiêu chính nhằm bù đắp chi phí quản lý, vận hành, bảo trì đường; Tránh tình trạng “hạ tầng xuống cấp do thiếu nguồn”; Kiến tạo nguồn thu bổ sung từ các tuyến đầu tư công.

Đây là một đề xuất không mới trong quản lý giao thông đô thị, từng được nhiều nước áp dụng thành công. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự phát huy hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của người dân, cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là khả năng chi trả của người dân, chất lượng dịch vụ giao thông và tính minh bạch trong thu - chi phí.

Hà Nội đề xuất thu phí cao tốc: Cần cân nhắc khả năng chi trả của người dân - 1

Vành đai 3 trên cao (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cần cân nhắc khả năng chi trả của người dân

Việc thu phí nếu không tính toán hợp lý có thể dẫn tới tác dụng ngược, làm tăng gánh nặng tài chính cho người dân vốn đã chịu nhiều chi phí từ xăng dầu, bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ… Đặc biệt với người lao động thu nhập trung bình và thấp, hoặc những người phải thường xuyên di chuyển vì công việc, mức phí không hợp lý có thể ảnh hưởng lớn đến đời sống.

Do đó, cần phải có lộ trình phù hợp, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội của chính sách. Đồng thời, có thể xem xét các cơ chế ưu đãi, miễn giảm cho một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người khuyết tật, phương tiện công vụ, xe phục vụ y tế…

Bên cạnh đó, không thể yêu cầu người dân “chịu phí” mà không cải thiện hạ tầng hoặc dịch vụ thay thế tương ứng. Người dân chỉ có thể chấp nhận bỏ xe cá nhân nếu xe buýt, tàu điện metro, phương tiện công cộng đủ thuận tiện, an toàn và đúng giờ.

Nếu chỉ thu phí mà không nâng cao chất lượng các phương tiện thay thế thì người dân sẽ cảm thấy bị “ép buộc” thay vì tự nguyện. Vì vậy, trước khi triển khai thu phí, Hà Nội cần tập trung nâng cấp các tuyến giao thông công cộng, hoàn thiện các trạm trung chuyển, tăng tần suất và kết nối các phương tiện…

Điều này không chỉ làm tăng sự hấp dẫn của phương tiện công cộng mà còn tạo niềm tin nơi người dân về sự công bằng trong chính sách giao thông.

Minh bạch trong quản lý và sử dụng nguồn thu

Một trong những điều khiến người dân băn khoăn nhất là: tiền thu phí sẽ đi đâu, được dùng vào việc gì và có minh bạch không? Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, nếu nguồn thu được công khai, sử dụng đúng mục đích như nâng cấp hạ tầng, đầu tư giao thông xanh, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công cộng tốt hơn… thì người dân sẵn sàng ủng hộ.

Ngược lại, nếu thiếu minh bạch, hoặc sử dụng nguồn thu sai mục đích, niềm tin sẽ bị xói mòn và chính sách sẽ vấp phải phản ứng gay gắt. Vì vậy, Hà Nội cần cam kết công khai toàn bộ quá trình thu - chi, có sự giám sát của người dân và các cơ quan độc lập.

Tôi mạnh dạn đề xuất như sau:

Khởi thảo từ các tuyến mẫu. Trước hết, chọn một tuyến đủ điều kiện kỹ thuật (VD: Thăng Long hoặc Vành đai 3), công khai minh bạch trước khi mở rộng.

Xây dựng lộ trình phê duyệt rõ ràng. Khẳng định thời điểm triển khai, công bố rõ các tuyến và hạ tầng tương ứng.

Ban hành phí thử nghiệm hoặc ưu đãi ban đầu. Miễn hoặc giảm phí trong 6-12 tháng đầu để người dân làm quen và ghi nhận phản hồi.

Triển khai thu phí điện tử ETC đa làn. Không gây ách tắc tại trạm. Kết hợp giám sát lưu lượng để giảm ùn tắc.

Các đối tượng đặc thù được miễn/giảm. Các nhóm như xe công vụ, xe tang lễ, xe có đăng ký dài hạn ít lưu hành… nên được xem xét ưu đãi theo Nghị định số 90/2023/NĐ-CP ngày 13/12/2023 của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.Bố trí quỹ bảo trì rõ ràng. Hướng rõ phần phí thu được dùng vào bảo trì nâng cấp, có báo cáo định kỳ và giám sát xã hội.

Đề xuất của Hà Nội có căn cứ mạnh mẽ về pháp lý và khả năng mang lại lợi ích lâu dài cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là chất lượng và khả năng vận hành cao tốc. Song để đảm bảo tính khả thi và sự ủng hộ của người dân, cần đi từng bước chắc chắn, minh bạch, và lấy phản hồi thường xuyên trước khi áp dụng rộng rãi. Đây cũng là hướng đi mẫu mực để các đô thị khác áp dụng khi triển khai thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư.

Hà Nội đề xuất thu phí cao tốc không sai, thậm chí là cần thiết trong bối cảnh giao thông hiện nay. Nhưng đúng không đồng nghĩa với đủ. Chính sách đó chỉ thành công nếu được thiết kế và thực thi dựa trên nguyên tắc: công bằng, minh bạch, đồng thuận xã hội.

Chỉ khi người dân cảm thấy mình được tôn trọng và lợi ích được đảm bảo, họ mới sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề chung của đô thị.

Thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng xác định các tuyến, đoạn tuyến cao tốc đủ điều kiện thu phí, đối tượng và mức thu theo Nghị định số 130/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, thấp nhất 900 đồng, cao nhất 5.200 đồng mỗi km.

                                                            TS. Vũ Thị Minh Huyền