Bài 2:

Bí ẩn sổ đỏ trên mảnh đất “ma” tại huyện Hoài Đức: “Giả mạo hồ sơ có hệ thống”

(Dân trí) - “Có rất nhiều điểm nghi vấn trong việc tiến hành các thủ tục chuyển nhượng và cấp sổ đỏ cho các cá nhân trong vụ mảnh đất “ma” tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), thậm chí rất có thể đã có sự giả mạo hồ sơ, giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của công dân. Và nếu như vậy, việc giả mạo phải có hệ thống với sự “bắt tay” của nhiều cán bộ chính quyền địa phương”, luật sư Nguyễn Hoàng Việt nhận định.

Như Dân trí đã thông tin về vụ việc bà Nguyễn Thị Ái mua một mảnh đất đã có sổ đỏ tại xã Đức Thượng - Hoài Đức (Hà Nội), bà Ái tiếp tục được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức hoàn thiện thủ tục sang tên sổ đỏ, chính danh là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất. Hơn 10 năm đóng thuế, bà Ái “ngã ngửa” khi phát hiện mảnh đất trên sổ đỏ của mình không phải là mảnh đất có thật.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Hoàng Việt (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội-- Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định phân tích: Có rất nhiều điểm nghi vấn trong việc tiến hành các thủ tục chuyển nhượng và cấp sổ đỏ cho các cá nhân trong vụ việc, thậm chí rất có thể đã có sự giả mạo hồ sơ, giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của công dân.

Rõ ràng vào đầu năm 2002, các con trai ông Tác đã được cấp sổ đỏ từ việc tách thửa số 75, như vậy có nghĩa là cũng tại thời điểm này, sổ đỏ số A490094 đối với thửa số 75 tờ bản đồ 4B của ông Tác không còn do đã bị thu hồi. Do đó, tại thời điểm xuất hiện Hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ (tháng 12/2003) thì ông Tác không đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất do không có sổ đỏ và không phải là người đứng tên trên sổ đỏ.

 

Bí ẩn sổ đỏ trên mảnh đất “ma” tại huyện Hoài Đức: “Giả mạo hồ sơ có hệ thống” - 1

Hai cuốn sổ đỏ được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức thẩm định, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký, đóng dấu cấp cho một mảnh đất không có thật.

Hai cuốn sổ đỏ được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức thẩm định, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký, đóng dấu cấp cho một mảnh đất không có thật.

Theo các quy định pháp luật thì đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên, UBND các cấp có trách nhiệm thẩm tra, xác minh về hiện trạng sử dụng đất. Tuy nhiên, việc UBND các cấp không thẩm tra, xác minh rõ về điều kiện chuyển nhượng mà đã tiến hành xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng và tiến hành các thủ tục khác để cấp sổ đỏ cho ông Thọ là vi phạm các quy định của pháp luật. Sai phạm này đã được tiếp tục lặp lại khi UBND huyện Hoài Đức tiến hành cấp sổ đỏ cho bà Ái.

Nghiêm trọng hơn, việc không hề có sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B giữa vợ chồng ông Tác và ông Thọ, ông Tác vẫn đang quản lý và sử dụng thửa đất của mình nhưng vẫn xuất hiện Hợp đồng chuyển nhượng có chữ ký của các bên, tiếp đó lại có Quyết định số 3871 của UBND huyện Hoài Đức về việc cấp sổ đỏ cho ông Thọ và cuối cùng là việc sổ đỏ được cấp cho ông Thọ cho thấy đã có sự gian dối trong việc chuẩn bị hồ sơ và cấp sổ đỏ đối với thửa đất số 75 cho ông Thọ, từ đó làm cơ sở để ông Thọ tiếp tục rao bán thửa đất số 75 này và chiếm đoạt của bà Ái 616.000.000 đồng.

Hành vi trên của ông Thọ và một số cá nhân liên quan có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự: Ông Thọ đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho bà Ái nhầm tưởng ông Thọ là chủ sở hữu quyền sử dụng thửa đất số 75 nên đã tin tưởng ký kết Hợp đồng chuyển nhượng, giao cho ông Thọ 616.000.000 đồng.

Ngoài ra, cần phải điều tra, xác minh kỹ xem trong trường hợp này có hay không có sự hợp tác, liên kết của những cán bộ địa chính tại UBND xã Đức Thượng, UBND huyện Hoài Đức trong việc làm giả hồ sơ, giấy tờ để từ đó xác định trách nhiệm hình sự của những cán bộ này. Nếu không có sự câu kết nói trên thì tùy theo kết quả điều tra, xác minh, những người cán bộ có hành vi thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ có thể bị xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức, viên chức.

Bí ẩn sổ đỏ trên mảnh đất “ma” tại huyện Hoài Đức: “Giả mạo hồ sơ có hệ thống” - 3

Chủ nhân thật sự của thửa đất được cấp sổ đỏ khống choáng váng cho biết đất được ông cha để lại và chưa hề bán cho ai.

Chủ nhân thật sự của thửa đất được cấp sổ đỏ "khống" choáng váng cho biết đất được ông cha để lại và chưa hề bán cho ai.

Cần phải có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến quá trình cấp các sổ đỏ trong vụ việc này. Tuy nhiên chúng ta đã thấy rõ một điều rất đáng nghi vấn: phải chăng đã có sự lợi dụng việc sỏ đỏ số A490094 đã được thu hồi năm 2002 khi gia đình ông Tác tiến hành thủ tục tách sổ, một số cá nhân, cán bộ có chức vụ, quyền hạn đã làm giả Hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ, để cấp sổ nhằm hợp thức hóa thửa số 432, tờ bản đồ số 05 từ đất nông nghiệp do ông Ngô Khắc Quy bán cho ông Thọ thành đất ở lâu dài có “sổ đỏ”, để từ đó ông Thọ tiếp tục chuyển nhượng cho bà Ái nhằm chiếm đoạt tài sản?

Như Dân trí đã thông tin, ngày 25/02/2004 ông Ngô Đăng Thọ (trú tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội)) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 474/CN để chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Ái thửa đất số 75, tờ bản đồ số 4B phần diện tích 308m2 đất ở tại Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Thửa đất này ông Thọ được cấp sổ đỏ số S726276 theo Quyết định số 3871/QĐ-UB ngày 18/12/2003.

Sau khi mua mảnh đấy, ngày 30/3/2004, bà Ái làm thủ tục sang tên sổ đỏ và được UBND huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ số S726928 do ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND huyện ký. Những năm sau đó, bà Ái đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế hàng năm cho Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Tháng 5/2014, do không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thửa đất, bà Ái muốn bán cho người khác. Tuy nhiên, khi đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng thì bà Ái được UBND xã Đức Thượng thông báo thửa đất của bà nhận chuyển nhượng từ ông Thọ không có trong bản đồ địa chính đất thổ cư của xã.

Quá bất ngờ, ngày 19/12/2014, bà Ái đã gửi đơn yêu cầu UBND xã Đức Thượng xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất này.

Ngày 28/12/2014, bà Ái nhận được Công văn số 45/UBND của UBND xã Đức Thượng về việc trả lời đơn yêu cầu, trong đó có những nội dung xác định: thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B có địa chỉ tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, có diện tích 321m2 được cấp GCNQSDĐ ngày 15/5/1991 cho ông Nguyễn Văn Tác. Hiện ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất này.

Còn thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái vào tháng 3/2014 là thửa đất có địa chỉ tại khu Rảnh, thôn Cao Xá, xã Đức Thượng với diện tích 285m2, mục đích sử dụng là đất canh tác. Nguồn gốc của thửa đất này là do ông Ngô Khắc Quy chuyển nhượng cho ông Thọ theo Hợp đồng chuyển nhượng số 485 ngày 09/9/2003. Thửa đất này được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số S726276 và vẫn đứng tên ông Thọ cho đến thời điểm này trên hồ sơ quản lý đất của địa phương.

Cho tới thời điểm này, bà Ái không hiểu lý do tại sao mình ký hợp đồng mua quyền sử dụng đất ở và đã được các cấp chính quyền huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ là đất ở mà nay vị trí thửa đất bà nhận chuyển nhượng lại được UBND xã Đức Thượng xác định là đất canh tác, điều đặc biệt là thửa đất này vẫn đứng tên ông Thọ trong sổ quản lý đất đai của địa phương.

Bà Ái càng không hiểu được tại sao vào thời điểm năm 2004, UBND xã Đức Thượng lại xác nhận thửa đất ông Thọ bán cho bà Ái là “đất thổ cư, không có tranh chấp, đủ điều kiện chuyển nhượng”?

Theo điều tra của PV Dân trí, trong tài liệu của các cơ quan chức năng thể hiện: Ngày 05/12/2003, ông Nguyễn Văn Tác và bà Đỗ Thị Đào (vợ ông Tác) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng cho ông Thọ thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B (GCNQSDĐ số A490094 cấp ngày 10/5/1991) có địa chỉ tại xóm Rảnh, thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng cho ông Thọ. Trong hồ sơ cũng bao gồm cả giấy tờ về việc nộp tiền sử dụng đất, quyết định của UBND huyện Hoài Đức về việc cấp sổ đỏ số S726276 cho ông Thọ.

Tuy nhiên, theo nội dung trả lời tại Công văn số 45 của UBND xã Đức Thượng thì thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B đã được cấp sổ đỏ số A490094 cho ông Nguyễn Văn Tác ngày 15/5/1991 chứ không phải ngày 10/5/1991 như nội dung hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Tác, bà Đào và ông Thọ. Bên cạnh đó, địa chỉ thửa đất là tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng chứ không phải tại xóm rảnh, thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng như Hợp đồng trên đã nêu.

Qua xác minh của PV Dân trí, sự thật là hiện gia đình ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất số 75 này. Theo Vi bằng số 238/2015/VB-TPLHĐ do Văn phòng thừa phát lại quận Hà Đông lập ngày 18/11/2015 tại nhà ông Tác (thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) thì ông Tác đã xác nhận rằng: Thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B có nguồn gốc do cha mẹ ông để lại. Ông sinh sống trên thửa đất này từ năm 1939 đến nay, năm 1991 thì được UBND huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ. Đến năm 2002 ông Tác đã tiến hành tách thửa và chia thửa đất trên cho hai con trai, cơ quan nhà nước đã tiến hành đo đạc và xác định diện tích thực tế của thửa đất là 330m2, tách thành hai thửa: thửa 75a tờ bản đồ số 4B mang tên anh Nguyễn Văn Phong có diện tích 177m2 (đã được cấp GCNQSDĐ số S553413 ngày 25/2/2002); thửa 75b tờ bản đồ số 4B mang tên anh Nguyễn Văn Luyến có diện tích 153m2 (đã được cấp GCNQSDĐ số S553414 ngày 25/2/2002). Ông Tác và các con dâu là chị Nguyễn Thị Phương, chị Đàm Thị Hoa đều khẳng định gia đình không hề chuyển nhượng thửa đất này cho bất cứ ai.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm