Không đăng ký kết hôn, khai sinh cho con như thế nào?

(Dân trí) - Việc quan hệ tình dục trước hôn nhân trở nên phổ biến hiện nay. Việc tổ chức đám cưới nhiều trường hợp vì lý do “bác sĩ bảo cưới”. Vậy việc có con khi chưa đăng ký kết hôn có ảnh hưởng gì?

Khi khai sinh cho con sẽ không có tên cha

Con cái sẽ là người chịu thiệt thòi bởi nếu không có giấy đăng ký kết hôn, việc khai sinh cho con chỉ được khai sinh theo họ của mẹ. Bởi, pháp luật chỉ công nhận cuộc hôn nhân hợp pháp khi hai bên thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX) cho biết: Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì việc mẹ đi đăng ký khai sinh cho con mà không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì phần ghi tên cha sẽ bị bỏ trống. Nếu việc đăng ký kết hôn tiếp tục không tiến hành, thì người con sẽ không có cha phần đăng ký khai sinh. 

Điều 9. Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh

1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.

Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

Còn trường hợp, sau này người cha muốn được ghi nhận tên cha trong giấy khai sinh của con thì phải thực hiện hai thủ tục:

Thủ tục nhận cha con

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con

Thủ tục nhận cha con

Việc nhận lại con là quyền của cha mẹ theo quy định pháp luật dân sự. Cha mẹ có con khi chưa đăng ký kết hôn, mà con đã làm giấy khai sinh trống phần cha trước đó, thì thủ tục nhận cha con là bắt buộc nhằm xác định tư cách của người cha. Căn cứ theo Điều 25 Luật Hộ Tịch 2014 thì thủ tục nhận con bao gồm các bước sau:

Bước 1: Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Tờ khai được cấp theo mẫu. Các chứng cứ chứng minh quan hệ cha con như xét nghiệm ADN được thực hiện tại cơ sở y tế.

Bước 2: Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Thời hạn giải quyết là 3 ngày, Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Cụ thể Điều 25 Luật Hộ Tịch 2014:

“Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con

Bước 1: Người đi đăng ký khai sinh chuẩn bị những giấy tờ sau:

Bản chính Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Nếu không có giấy chứng sinh khi tự sinh thì phải có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; Biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập (trường hợp trẻ em bị bỏ rơi); văn bản chứng minh việc mang thai hộ (trường hợp trẻ em sinh ra do mang thai hộ).

Các giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng) để chứng minh về nhân thân;

Giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn);

Sổ Hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể,

Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ).

Sau khi chuẩn bị được các giấy tờ, hồ sơ trên, người đi đăng ký khai sinh Điền và nộp mẫu tờ khai đăng ký khai sinh theo hướng dẫn.

Bước 2: Nộp và xuất trình các giấy tờ trên tại UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.

Theo quy định của luật Hộ tịch 2014, thì UBND xã phường có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra trên địa bàn mình quản lý. UBND có thẩm quyền quản lý ở đây có thể là UBND nơi cha mẹ đăng ký thường trú, tạm trú, hoặc UBND xã nơi trẻ đang sinh sống thực tế. Theo đó, thủ tục làm khai sinh cho trẻ được quy định thẩm quyền rộng rãi. Giúp thủ tục này được diễn ra nhanh và dễ dàng hơn.

Điều 13: Thẩm quyền đăng ký khai sinh:

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai

Trường hợp lý lịch của trẻ có yếu tố nước ngoài. Tức là trẻ em sinh ra tại Việt Nam mà cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người còn lại là công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch; cha và mẹ là công dân VN định cư ở nước ngoài… thì người đi đăng ký sẽ nộp giấy tờ đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh

Công chức tư pháp – hộ tịch có trách nhiệm nhận và kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, xét thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp thì tiến hành ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch, trình Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh.

Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch

Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính. Tùy thuộc vào yêu cầu của người đăng ký, Cán bộ tư pháp-Hộ tịch sẽ tiến hành cấp bản sao.

Thời hạn giải quyết: 01 ngày. Trường hợp cần xác minh thì không quá 05 ngày làm việc.

Lệ phí: Thủ tục làm giấy khai sinh không mất lệ phí.

Xin cảm ơn luật gia!