Giải đáp pháp lý vụ giết người hàng loạt bằng xyanua ở Đồng Nai

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Ngoài trách nhiệm của Bích, việc tìm ra nguồn gốc số xyanua trong vụ án cũng như trách nhiệm của bệnh viện trong điều trị, chẩn đoán cho nạn nhân cũng là những vấn đề pháp lý được đặc biệt quan tâm.

Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đang bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra tội Giết người. Bích là nghi phạm sử dụng xyanua đầu độc khiến 3 người thân (chồng và 2 cháu) tử vong và bị tình nghi liên quan tới 2 trường hợp tử vong khác là cha ruột và con trai Bích.

Ngoài ra, trong số nạn nhân còn có cháu của Bích là N.H.B.T. (18 tuổi). Do được cấp cứu kịp thời, T. may mắn thoát nạn. 

Quá trình điều tra, công an xác định nguyên nhân Bích đang tâm ra tay hạ thủ người nhà xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Ngoài ra, nghi phạm hiện còn nợ nhiều người. Sau cái chết của chồng và con trai, Bích được hưởng 800 triệu đồng tiền bảo hiểm nhân thọ và đã sử dụng số tiền này để trả nợ, tiêu xài cá nhân. 

Từ những tình tiết trên, hàng loạt câu hỏi pháp lý được độc giả Dân trí đặt ra, mong mỏi lực lượng chức năng sớm làm sáng tỏ để xử lý đúng người, đúng trách nhiệm. 

Giải đáp pháp lý vụ giết người hàng loạt bằng xyanua ở Đồng Nai - 1

Nguyễn Thị Hồng Bích (Ảnh: M.H).

Nguồn gốc xyanua từ đâu? 

Một trong những vấn đề đầu tiên được nhiều người hết sức quan tâm, đó là Bích sở hữu lượng xyanua, một chất kịch độc theo quy định của pháp luật, từ đâu? Pháp luật quy định như thế nào về việc mua bán xyanua, và người bán xyanua cho Bích có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không?

Giải đáp vấn đề trên, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Quyết định số 1971/1999/QĐ-BKHCNMT, xyanua được coi là một chất loại cực độc, có thể giết chết một người với một lượng chỉ khoảng 50 mg. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Hóa chất 2007 và Phụ lục III Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ, các hóa chất thuộc họ xyanua lại không được liệt kê vào danh mục hóa chất cấm. 

Do đó, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể mua bán xyanua nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh mà không bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về chuyên môn sử dụng; cơ sở vật chất; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo an toàn hóa chất, an toàn phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, việc mua bán chất độc phải có phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc theo Điều 23 Luật Hóa chất 2007. 

Trường hợp tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật về việc mua bán, kinh doanh hóa chất, cố tình thực hiện giao dịch trái quy định của pháp luật thì tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà có thể bị áp dụng các chế tài xử lý khác nhau. 

Cụ thể, theo Điều 21 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi mua bán chất độc mà phiếu kiểm soát không có xác nhận của các bên hoặc không có đầy đủ các thông tin theo quy định với mỗi phiếu kiểm soát sẽ bị xử phạt 100.000 - 300.000 đồng. Trường hợp mua bán hóa chất độc không có phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, mức phạt là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. 

Về chế tài hình sự, theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị xử lý về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc với khung hình phạt cơ bản 1-5 năm. 

Trường hợp hành vi gây hậu quả làm chết người, tùy thuộc hậu quả và mức độ nghiêm trọng, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất lên tới 15-20 năm tù hoặc tù chung thân. 

Giải đáp pháp lý vụ giết người hàng loạt bằng xyanua ở Đồng Nai - 2

Tiệm cơm tấm tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: A.H.)

Đối với vụ án xảy ra tại Đồng Nai, luật sư Hùng nhìn nhận vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng mà cơ quan chức năng cần tập trung làm rõ là nguồn gốc của số xyanua trên từ đâu ra. Tổ chức, cá nhân bán xyanua cho Bích đã đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng nguy hiểm này hay chưa; và việc mua bán có tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật tại Luật Hóa chất 2007 cũng như Nghị định số 113/2017/NĐ-CP hay không. 

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ ý chí chủ quan của người bán hóa chất cho Bích là gì, có biết về mục đích phạm tội của nghi phạm hay không. Từ đó, các tình huống pháp lý có thể xảy ra như sau: 

Nếu tổ chức, cá nhân chưa đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này, các giao dịch thực hiện trái pháp luật và dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng là 5 người tử vong, cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu hình sự của tội Mua bán trái phép chất độc theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015. 

Nếu tổ chức, cá nhân đó biết về mục đích phạm tội của Bích khi đặt mua lượng hóa chất trên mà vẫn cố tình tiếp tay cho nghi phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm về tội Giết người với vai trò đồng phạm; 

Nếu tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này và hoàn toàn không biết hoặc bị lừa đối về mục đích phạm tội của Bích, trách nhiệm hình sự có thể được miễn đề cập. Tuy nhiên, quy trình mua bán sẽ được làm rõ để xác định quá trình thực hiện giao dịch đã tuân thủ các điều kiện của pháp luật hay chưa. 

Giải đáp pháp lý vụ giết người hàng loạt bằng xyanua ở Đồng Nai - 3

Nguyễn Thị Hồng Bích làm việc cùng cơ quan điều tra (Ảnh: P.T).

Những tình tiết định khung, tăng nặng nào chờ đợi nghi phạm?

Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) có chung quan điểm về việc xyanua là một chất thuộc loại cực độc, có khả năng tước đoạt mạng sống của người hấp thụ phải trong một thời gian ngắn. Do đó, việc sử dụng xyanua để đầu độc người khác là hành vi vô cùng nguy hiểm và cần bị xử lý hình sự về tội Giết người. 

Đối với trường hợp này, ông Tuấn nhìn nhận với những dữ liệu hiện có, Bích có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Giết người với 2 tình tiết định khung là "Giết 2 người trở lên" (điểm a) và "Giết người dưới 16 tuổi" (điểm b) quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. 

Ngoài ra, tùy thuộc quá trình điều tra tiếp theo của cơ quan công an, nghi phạm có thể bị xem xét áp dụng thêm các tình tiết định khung khác tương ứng với các tình tiết của vụ án như "Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình" hay "Vì động cơ đê hèn". 

Đối với các tình tiết định khung trên, khung hình phạt áp dụng theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ là phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

Giải đáp pháp lý vụ giết người hàng loạt bằng xyanua ở Đồng Nai - 4

Hình ảnh tại đám tang ông Nguyễn Văn Hải, cha ruột của Bích và là người nghi bị Bích sát hại bằng xyanua (Ảnh: A.H).

Bệnh nhân 8 lần nhập viện nhưng không phát hiện xyanua, bệnh viện có phải chịu trách nhiệm không? 

Cũng liên quan tới vụ án, một tình tiết đáng chú ý khác là việc chồng của Bích 8 lần nhập viện vì ngộ độc xyanua trước khi qua đời. Tuy nhiên, trong những lần đó, nguyên nhân phát bệnh thực sự của bệnh nhân được không được làm sáng tỏ. Từ đó, nhiều người đặt câu hỏi về việc bệnh viện có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý trong sự việc này hay không. 

Giải đáp vấn đề này, luật sư Tuấn cho biết theo Điều 102 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trách nhiệm này được loại trừ trong 5 trường hợp cụ thể như sau: 

Người hành nghề đã thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh và các quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;

Cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, thiếu người hành nghề mà không thể khắc phục được;

Bệnh chưa có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;

Trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khách quan khác dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh;

Trường hợp tai biến y khoa do người bệnh tự gây ra.

Giải đáp pháp lý vụ giết người hàng loạt bằng xyanua ở Đồng Nai - 5

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), nơi điều trị cho 2 trẻ trong vụ đầu độc người thân bằng Xyanua (Ảnh: Hoàng Lê).

Do đó, để xác định bệnh viện có phải chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm hay không, cần phải thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định người hành nghề có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật. Từ cơ sở đó, mới xem xét đến việc có đặt ra trách nhiệm cụ thể cho bệnh viện nói chung và bác sĩ nói riêng hay không.

Trong trường hợp này, bệnh viện đã điều trị xong nhưng người bệnh lại tiếp tục bị đầu độc dẫn đến tử vong. Nếu muốn xem xét trách nhiệm của bệnh viện, phải xem bệnh viện có trách nhiệm phải xác định nguyên nhân gây bệnh (bị đầu độc) để cảnh báo cho bệnh nhân hay không.

"Trên thực tế, có rất nhiều triệu chứng của bệnh nhân y học hiện tại không xác định được nguyên nhân. Khi đó người hành nghề khám, chữa bệnh sẽ điều trị theo triệu chứng của bệnh nhân. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 cũng không có điều khoản nào quy định người hành nghề khám, chữa bệnh phải có nghĩa vụ xác định nguyên nhân gây bệnh.

Đối với tình huống này, trước tiên cần làm rõ nguyên nhân vì sao không xác định được nguyên nhân dẫn tới sau khi về nhà nạn nhân lại tiếp tục bị đầu độc. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, điều tra có hay không hành vi lơ là, thiếu trách nhiệm của bệnh viện trong việc không xét nghiệm cụ thể, tìm độc chất để xác định nguyên nhân gây nên tử vong của các nạn nhân.

Tùy tính chất, mức độ của hành vi, nếu xác định có vi phạm dẫn đến xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì bệnh viện cũng có thể phải chịu một phần trách nhiệm trong sự việc trên", ông Tuấn phân tích.