Hà Nội:
Được ưu đãi lớn, Keangnam vẫn vi phạm pháp lệnh ngoại hối
(Dân trí) - Là doanh nghiệp được áp dụng hàng loạt ưu đãi, Keangnam Ha Noi Landmark Tower đã trở thành tổ hợp nhà ở, dịch vụ tổng hợp hàng đầu Việt Nam. Được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng Keangnam vẫn nhiều lần vi phạm quy định nhà nước, đặc biệt là vấn đề ngoại hối.
Căn cứ Quyết định xử phạt của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng đã nhiều lần yêu cầu Keangnam điều chỉnh hợp đồng, trong đó quy đổi giá căn hộ từ đồng đô la Mỹ sang đồng Việt nam nhưng phía Keangnam từ chối. Phía Keangnam cho rằng căn cứ vào Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán (đến nay chưa bị bãi bỏ nên vẫn có hiệu lực), hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế thì hợp đồng của Keangnam tuy ký bằng đô la Mỹ, các đợt thanh toán cũng bằng đô la Mỹ nhưng khi khách hàng thanh toán trả bằng đồng Việt nam quy đổi theo tỷ giá đô la Mỹ tại từng thời điểm thanh toán vẫn có hiệu lực, nên các bên vẫn phải thực hiện đúng hợp đồng.
Nhận được giải thích của Keangnam, khách hàng mua căn hộ đều không giấu được bức xúc. Phía khách hàng cho rằng, việc Keangnam viện dẫn Nghị quyết 04 trong trường hợp này là không có cơ sở: Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 04 là các hợp đồng kinh tế được xác lập theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Pháp lệnh HĐKT đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2006. Hợp đồng mua bán căn hộ là hợp đồng dân sự, căn cứ ký kết là Bộ Luật Dân sự nên không phải là đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 04.
Thứ 2, tại thời điểm Nghị quyết 04 được ban hành, các quy định của pháp luật về lĩnh vực ngoại hối, Nghị định 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính Phủ quy định về quản lý ngoại hối tại điều 39 quy định một trong những hành vi vi phạm về ngoại hối là chuyển hay mang ngoại hối ra nước ngoài, mua bán ngoại hối, thanh toán và cho vay ngoại hối nên ở thời điểm đó Nghị quyết 04 phù hợp với các quy định của Chính phủ về quản lý ngoại hối.
Đến thời điểm Keangnam ký hợp đồng với khách hàng (bắt đầu từ tháng 8/2008) thì Pháp lệnh Ngoại hối đã được ban hành (năm 2005). Trong đó, tại Điều 22 về hạn chế sử dụng ngoại hối đã quy định rõ “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”. Như vậy, mọi giao dịch được hiểu là tất cả các giao dịch (từ định giá, ký hợp đồng) đều không được thực hiện bằng ngoại hối.
Ở trường hợp này, khách hàng đã có thiện chí và nhiều lần đề nghị Keangnam điều chỉnh cho đúng luật, nhưng doanh nghiệp này vẫn phớt lờ. Điều này thể hiện Keangnam không có thiện chí, không tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, mặc dù hành vi vi phạm của Keangnam đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ngân hàng Nhà nước) xử phạt. Điều cần đặt ra ở đây là tại sao Keangnam dám cố ý vi phạm pháp luật, phớt lờ các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối, ký hợp đồng bằng ngoại tệ, đã bị xử phạt nhưng vẫn không điều chỉnh hợp đồng, thậm chí còn ngang ngược yêu cầu khách hàng phải tiếp tục thực hiện hợp đồng? Phải chăng Keangnam đang cậy mình có “chống lưng, chính là Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/05/2003 của Hội đồng Thẩm phán?.
Thật đáng tiếc, trong thực tế xét xử Hội đồng thẩm phán đang tiếp tục sử dụng Nghị quyết 04 để áp dụng tràn lan cho cả những hợp đồng ký sau ngày 1/1/2006 (căn cứ ký kết là Bộ Luật Dân sự) và sau ngày Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực (năm 2006).
Ví dụ như Quyết định Giám đốc thẩm số 06/2012/KDTM-GĐT ngày 30/05/2012 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa đã bác cả kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, viện dẫn Nghị quyết 04 và khẳng định hợp đồng ký bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam thì không bị vô hiệu toàn bộ. Trong khi trước đó, Viện trưởng VKSND cao đã kháng nghị bản án với lý do hợp đồng ký bằng ngoại tệ, thanh toán bằng đồng Việt Nam đã vi phạm Pháp lệnh ngoại hối nên phải bị vô hiệu.
Ban Bạn đọc