Dùng súng giả đe doạ, cướp của phải chịu hình phạt như thế nào?

(Dân trí) - Dừng xe tâm sự với bạn gái ở khu vực vắng người anh Tùng đã bị hai thanh niên lạ mắt tấn công và giơ súng đe doạ tính mạng. Sau khi được bạn gái động viên, anh Tùng đã trình báo công an. Sự việc được cơ quan điều tra làm rõ, khẩu súng trong vụ án chỉ là đồ giả.

Bạn đọc Trương Quang Tùng, trú tại Thanh Miện (Hải Dương) hỏi: “Vụ việc mới diễn ra, tối đó tôi và bạn gái đi chơi, đến đoạn đường vắng chúng tôi dừng xe tâm sự. Trong thời điểm đang trò chuyện thì chúng bị hai thanh niên lạ mặt tiến đến tấn công. Một trong hai thanh niên này rút trong người một khẩu súng và doạ bắn chết nếu không đưa hết tiền bạc, tư trang và xe máy (loại đắt tiền). Sợ gặp nguy hiểm cho tính mạng, cả hai chúng tôi phải làm theo lời những thanh niên này. Giá trị tài sản bị cướp đi trên 100 triệu đồng.

Sau khi tôi trình báo, cơ quan công an đã truy bắt được 2 thanh niên gây án. Phía cơ quan điều tra cũng đã mời tôi lên để trao trả tài sản bị cướp và cho biết khẩu súng mà một trong hai thanh niên dùng để đe dọa chúng tôi là chỉ là súng giả, bằng nhựa. Trong vụ việc này hành vi của hai thanh niên cướp tài sản cấu thành tội gì và họ họ sẽ phải chịu mức hình phạt ra sao trước pháp luật?”.


Dùng súng giả đe doạ cướp tài sản phải chịu án phạt nặng.

Dùng súng giả đe doạ cướp tài sản phải chịu án phạt nặng.

Luật sư Trương Quốc Hoè - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

“Căn cứ vào những dữ liệu anh Tùng đưa ra, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, pháp luật quy định như sau:

Thứ nhất, hành vi của hai thanh niên cấu thành tội cướp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS.

Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự thì người phạm tội cướp tài sản là: “ Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm…”

Qua thực tiễn xét xử có thể hiểu cướp tài sản là hành vi hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được đề chiếm đoạt tài sản.

1.Dấu hiệu pháp lí

Như vậy, theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự ta có thể thấy dấu hiệu pháp lý của tội cướp tài sản là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản…

2.Chủ thể của tội cướp tài sản

Trong tội cướp tài sản, chủ thể là người từ đủ 14 tuổi trở lên và khi thực hiện hành vi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (Đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự).

3.Về công cụ phạm tội

Nếu trong trường hợp này, khẩu súng mà một trong hai người sử dụng súng thật thì hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 133 thuộc trường hợp “sử dụng vũ khí”. Trong trường hợp này, khẩu súng mà một trong hai người thanh niên gây án đã sử dụng để uy hiếp là súng giả nên không sử dụng tình tiết “sử dụng vũ khí” làm tình tiết định khung cho hành vi, vì súng giả không được coi là vũ khí. Tuy nhiên, trong vụ án này do không có điều kiện sử dụng vũ lực ngay vì đây chỉ là súng giả, nhưng với hành vi đe dọa của cả hai làm cho người bị hại không dám chống cự lại. Như vậy, hành vi của hai người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 điều 133 nhưng thuộc trường hợp sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác...

Từ những lý do trên, theo chúng tôi hành vi của những thanh niên này phạm tội cấu thành tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng tại điểm d khản 2 điều 133 Bộ luật hình sự.

Trách nhiệm hình sự phải chịu:

Điều 133 BLHS quy định 5 khung hình phạt.

Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Căn cứ theo khoản 2 Điều 133 BLHS khung này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

- Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

Như vậy, theo những căn cứ trên, hành vi của hai thanh niên cướp của trong vụ án cấu thành tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng tại điểm d khản 2 điều 133 Bộ luật hình sự, vậy hành vi của hai thanh niên trong vụ án này phải chịu thuộc khung hình phạt có tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 điều 133 với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù giam.

Xin cảm ơn luật sư!

Thanh Trầm (ghi)